Thầy Kỉnh, trò Ngân, ai là người có lỗi?

20/02/2017 08:44
Phan Tuyết
(GDVN) - Thầy cô bị tước hết “vũ khí”, “ra trận” bằng tay không, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cho chính sự an nguy của mình thì sao có thể toàn tâm toàn ý dạy học trò.

LTS: Sự việc thầy trò đánh nhau trong lớp học tại một trường trung học phổ thông tại tỉnh Hậu Giang đang khiến dư luận hết sức quan tâm.

Là một giáo viên, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ sự đồng cảm với người thầy giáo trong vụ việc. 

Cô Phan Tuyết cho rằng việc dư luận phản ứng quá mạnh khi giáo viên dùng biện pháp nghiêm khắc như phạt roi, phạt quỳ học sinh lười biếng, quậy phá… đã ít nhiều làm hư con trẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Nhiều người bàng hoàng khi trực tiếp xem đoạn clip được cho là thầy giáo và một nữ học sinh trung học phổ thông dùng sách, vở đánh vào đầu nhau ngay tại lớp học trước sự chứng kiến của học sinh trong lớp. 

Theo báo Tuổi Trẻ, sự việc xảy ra tại lớp 10A3, trường Trung học phổ thông Tầm Vu (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) lúc 11h ngày 15/2 giữa thầy chủ nhiệm tên Kỉnh và nữ sinh tên Ngân. 

Do nữ sinh đánh nhau, trong lúc thầy Kỉnh đang dạy thì nữ sinh tên Ngân bỗng nhiên la lên. Thầy Kỉnh hỏi tại sao em lại la, thì Ngân trả lời "em đâu có khùng mà la".

Thầy giáo Kỉnh tiếp tục nói: “Thời gian qua, em học không tốt lại hay phá phách trong lớp. Coi chừng thầy đánh đòn em”.

Ngon đánh cái coi chơi”- nữ sinh Ngân thách thức. Sau đó cả hai dùng sách, vở trên bàn đánh nhau.

Khi thầy Kỉnh quay trở lại bục giảng thì nữ sinh Ngân tiếp tục quăng cuốn tập về phía thầy Kỉnh.

Ảnh cắt từ video ghi lại cảnh thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học. (Ảnh đăng trên Báo Công an Nhân dân)
Ảnh cắt từ video ghi lại cảnh thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học. (Ảnh đăng trên Báo Công an Nhân dân)

Thế nhưng sau đó “Thầy Kỉnh đã đến nhà em Ngân xin lỗi và gia đình cũng đã bỏ qua”. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đang yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm vụ thầy giáo và học sinh trường Trung học phổ thông Tầm Vu (huyện Châu Thành A) dùng sách đánh nhau trong lớp học. 

Rồi đây, có thể thầy giáo cũng sẽ nhận được một hình thức kỉ luật nào đó, em học sinh kia cũng chỉ bị khiển trách, nhắc nhở hoặc nhận mức cảnh cáo là cao. 

Để xảy ra tình trạng thầy và trò đánh nhau tay đôi ngay trong lớp học như thế chẳng đẹp chút nào. Rõ ràng nhiều người ngoài cuộc cũng lên án thầy xử sự chưa đẹp, chưa đúng với phong cách và vai trò của một nhà sư phạm

Nhưng hãy đặt mình vào vị trí ấy, vị trí của một người thầy đang bị chính học trò mình hàng ngày dạy dỗ ăn nói hỗn hào, có hành động thách thức, xấc xược như thế thì ta có thể kìm nỗi cơn nóng giận hay không?

Chuyện học sinh cãi tay đôi với giáo viên thậm chí còn chửi rủa, xúc phạm, tỏ thái độ thách thức thầy cô đã không còn là chuyện lạ. Những chuyện như thế vẫn đang xảy ra hàng ngày trong các trường học. 

Nhiều giáo viên buộc phải nín nhịn cho qua vì sợ mang rắc rối vào mình. Bởi họ biết chỉ một phút nóng giận thôi có thể họ sẽ vĩnh viễn rời khỏi bục giảng ngay tức khắc.

Mới đây thôi, một đồng nghiệp nói với tôi “Hôm nay mình phải nén cơn giận, cố nuốt nó vào lòng chứ không thì sẽ cho cậu học sinh một cái tát vì thái độ xấc xược”. 

Rồi thầy kể, trong giờ dạy của mình, khi thấy cậu học trò không lắng nghe, ngồi làm việc riêng thầy nhắc nhở. 

Bất ngờ cậu ta đứng lên nói lớn “Em thích thì học, không thì thôi. Thầy chẳng có quyền gì để bắt buộc”. “Tôi thách thầy đấy, thầy đánh đi, đánh xong rồi không biết nghỉ dạy là vừa”…

Chính các em học sinh, ngay từ bậc tiểu học các em đã biết được thầy cô không có quyền đánh học trò dù chỉ là phạt roi vào mông khi các em vi phạm. 

Nhiều phụ huynh còn nhắc nhở con “Nếu trên lớp, bị thầy cô la, hay đánh đòn về phải nói nghe chưa?” 

Thầy Kỉnh, trò Ngân, ai là người có lỗi? ảnh 2

Vụ thầy trò đánh nhau ở Bình Định: Kiểm điểm cả học sinh quay clip

Có giáo viên chỉ vì dùng roi phạt khi học sinh hư, lười học hay chỉ dùng vài câu la mắng cũng bị cha mẹ các em làm đơn kiện thưa các cấp. 

Bất kì nhà trường nào khi nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh cũng không thể bảo vệ được giáo viên của mình vì chiếu theo quy định họ đã vi phạm những điều cam kết “không đánh chửi, xúc phạm học sinh”....

Nắm được phần lợi thế của mình, những học trò hư đã lợi dụng điều này triệt để. 

Để đối phó với thầy cô, không ít em học sinh bậc Trung học phổ thông và Trung học cơ sở chúng còn biết sử dụng cả chiêu “khích tướng” cho thầy cô nổi giận để trả thù “Vì con mẹ đó (thằng cha kia) dám chửi ông (bà) hả?

(Con mẹ, thằng cha là từ một số học sinh dùng để gọi thầy cô giáo của mình ngày nay).

Có ai đặt câu hỏi “Vì sao thầy Kỉnh lại phải vội vàng đến nhà phụ huynh để xin lỗi như thế không?” 

Bởi vì thầy biết, bất lợi đang thuộc về mình, chắc chắn thầy sẽ bị khép vào tội “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Nếu thầy không làm thế, có thể gia đình em học sinh ấy làm đơn kiện, lúc đó thầy sẽ bất lợi hơn nhiều. 

Cũng là một người đứng trên bục giảng, tôi hiểu được cảm giác của thầy. Tới xin lỗi gia đình học sinh vừa xúc phạm, hành hung mình như thế, thầy cũng đau lòng lắm. 

Bởi thầy sẽ nhận được sự hả hê, sự đắc thắng không chỉ của riêng em học sinh này mà của nhiều học sinh khác. Các em càng có cớ để chẳng phải nghe lời thầy cô, để có quyền quậy phá và làm theo ý mình. 

Thầy Kỉnh, trò Ngân, ai là người có lỗi? ảnh 3

Làm gì để thầy không đánh trò, trò không đánh lại thầy?

Việc người lớn luôn đề cao nhân quyền của trẻ, việc dư luận phản ứng quá mạnh khi giáo viên dùng biện pháp nghiêm khắc như phạt roi, phạt quỳ học sinh lười biếng, quậy phá… đã ít nhiều làm hư con trẻ. 

Thầy cô như bị tước hết “vũ khí”, “ra trận” bằng tay không, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cho chính sự an nguy của mình thì sao có thể toàn tâm toàn ý trong từng bài giảng, trong cách uốn nắn và giáo dục các em? 

Trong khi đó, học trò có chỗ dựa vững chắc là sự nuông chiều của cha mẹ, sự bảo vệ của dư luận khi các em luôn được đề cao vấn đề nhân quyền. 

Bởi thế bảo sao nhiều em lại không tự tung tự tác, không xem thầy cô ra gì dù là chính các thầy cô đang từng ngày dạy dỗ mình.

Phan Tuyết