Vì sao cổ phiếu Vietjet vừa lên sàn đã tăng giá kịch trần?

03/03/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo đánh giá của các nhà phân tích chứng khoán, mã cổ phiếu VJC tăng kịch trần ngay trong phiên niêm yết là điều dễ hiểu khi nhìn vào vị thế của Vietjet.

Ào ào săn lùng cổ phiếu VJC

Ngày 28/2/2017, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air – Mã CK: VJC) đã chính thức lên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Giá khởi điểm trong ngày chào sàn của VJC là 90.000đ/cổ phần, tuy nhiên ngay từ đầu phiên, lực cầu mãnh mẽ đã khiến VJC tăng trần hết biên độ +/-20%, lệnh ATO (lệnh đặt mua) đã lên đến gần 3,5 triệu đơn vị nhưng chốt phiên mở cửa buổi sáng.

Chốt phiên ngày 28/2, cổ phiếu VJC đóng cửa ở giá 108.000 đồng/cổ phiếu, có 12.030 cổ phiếu được giao dịch trong ngày chào sàn.

Như vậy, so với giá chào bán, giá cổ phiếu VJC tăng biên độ kịch trần.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo Tổng giám đốc Vietjet đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet trước sự chứng kiến của quan khách - ảnh nguồn Vietjet.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo Tổng giám đốc Vietjet đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet trước sự chứng kiến của quan khách - ảnh nguồn Vietjet.

Lý giải hiện tượng cổ phiếu Vietjet tăng kịch trần, ông Nguyễn Đình Lâm – Giám đốc chi nhánh Láng Hạ, Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến giá cổ phiếu Vietjet tăng ngay phiên niêm yết:

Thứ nhất, thông thường cổ phiếu doanh nghiệp ngày đầu lên sàn thường có xu hướng tăng.

Thứ hai là do vị thế, uy tín của Vietjet trên thị trường. Trong đó bao gồm cả kết quả kinh doanh, tổng số vốn đầu tư, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Mức giá tăng lên đến 108.000 đồng trên thị trường và sẽ tiếp tục tăng thêm là hoàn toàn xứng đáng với uy tín cũng như thương hiệu của Vietjet”, ông Lâm cho biết.

Theo vị chuyên gia chứng khoán này, trước khi Vietjet lên sàn HOSE, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng chính thức niêm yết và giao dịch tại sàn UPCoM.

Tuy nhiên, đà tăng của Vietnam Airliens cũng như sự quan tâm của thị trường không nhiều, do truyền thông không bằng Vietjet vì thế không thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Mặt khác, hiện nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn ở Vietnam Airlines. Nguyên tắc thị trường cổ đông nắm cổ phần lớn sẽ giữ quyền quyết định, do đó cũng không hấp dẫn bằng cổ phiếu VJC.

Theo các nhà phân tích chứng khoán mức, giá cổ phiếu VJC của Vietjet tăng kịch trần là hoàn toàn xứng đáng với vị thế, uy tín của Vietjet trên thị trường - ảnh nguồn Vietjet.
Theo các nhà phân tích chứng khoán mức, giá cổ phiếu VJC của Vietjet tăng kịch trần là hoàn toàn xứng đáng với vị thế, uy tín của Vietjet trên thị trường - ảnh nguồn Vietjet.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Ngọc Nam - Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng, nhà đầu tư mua 1 cổ phiếu bởi vì họ kỳ vọng cổ phiếu đó sẽ mang lại lợi nhuận cho mình trong tương lai.

Kỳ vọng của mỗi nhà đầu tư khác nhau ở mức lợi nhuận và quãng thời gian mong muốn có lợi nhuận đó. 

Trên thị trường chứng khoán có nhiều cách thức đầu tư khác nhau dựa trên các cách phân tích khác nhau, từ đó tìm kiếm thông tin cho mỗi cách đầu tư cũng sẽ có những điểm khác. 

Đối với nhà đầu tư sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật thì họ đi tìm các thông tin liên quan đến sự thay đổi cung cầu trong ngắn hạn nên các thông tin gây chú ý thường là sự thay đổi trong khối lượng giao dịch, giá cổ phiếu là chính.

Ngoài ra, họ tìm hiểu thêm các tin tức về doanh nghiệp, vĩ mô để dự đoán các thay đổi về giá này. 

Vì sao cổ phiếu Vietjet vừa lên sàn đã tăng giá kịch trần? ảnh 3

Vietjet chính thức lên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh

Vì sao cổ phiếu Vietjet vừa lên sàn đã tăng giá kịch trần? ảnh 4

Tổng giám đốc VietJet Air vào top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Trong khi đó, các nhà đầu tư có khuynh hướng mua và nắm giữ cổ phiếu trong quãng thời gian dài hơn thì thường tìm hiểu doanh nghiệp rất kỹ.

Các thông tin của doanh nghiệp như: Quy mô, doanh thu, lợi nhuận, triển vọng trong tương lai dựa trên thông tin từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên…

Do đó tìm đến cổ phiếu VJC thường là nhà đầu tư dài hạn nhìn thấy triển vọng phát triển trên thị trường của Vietjet và quyết định đầu tư.

Ông Nam cho rằng, việc VJC lên sàn ngày 28/2/2017 và tăng trần vài phiên đầu tiên, trước mắt chủ yếu do giá niêm yết (90.000VNĐ) thấp hơn so với giá VJC đang giao dịch OTC (thị trường giao dịch phi tập trung là khoảng 130.000 đồng/CP).

Vì thế nên khi lên sàn mức giá thường sẽ tiệm cận với VJC khi đang giao dịch ở OTC. 

Ngoài ra, các thông tin gần đây liên quan đến doanh nghiệp cũng ủng hộ cho kỳ vọng của nhà đầu tư như việc một số công ty chứng khoán lớn định giá VJC ở mức tương đối cao so với giá hiện tại (xung quanh 140.000 đồng/CP).

Mặt khác, Vietjet hiện đang là doanh nghiệp lớn thứ 2 của ngành hàng không, chiếm 43,1% thị phần nội địa.

Triển vọng trong nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không gia tăng ở Việt Nam trong thời gian sắp tới, do đó mức định giá PE (Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) khoảng 10.3 (giá lên sàn) là khá hấp dẫn với nhà đầu tư.

Tiềm năng còn rất lớn

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Lâm, đối với thị trường chứng khoán, với từng cổ phiếu khác nhau, nhà đầu tư sẽ lựa chọn cách đầu tư khác nhau, có thể đầu tư lướt sóng (mua và tìm cách bán ngay) hoặc đầu tư dài hạn.

Với nhà đầu tư săn tìm cổ phiếu VJC, ông Lâm cho rằng chủ yếu là nhà đầu tư dài hạn, vì tiềm năng phát triển của Vietjet còn rất lớn.

Dự đoán xu hướng giá cổ phiếu VJC, ông Lâm nhận định, xu hướng tăng kịch trần sẽ tiếp tục diễn ra vì vẫn thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó, giá của mã cổ phiếu này có tiếp tục tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó theo ông Lê Ngọc Nam, với việc chính thức niêm yết trên HOSE, Vietjet từ doanh nghiệp chưa niêm yết chuyển mình lên niêm yết đánh dấu một bước trưởng thành lớn.

Ông Nam đánh giá: “Không còn là một doanh nghiệp tư nhân mà trở thành doanh nghiệp đại chúng, áp lực với doanh nghiệp sẽ tăng lên nhiều để đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông và nhà đầu tư.

Nhưng chắc chắn doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên minh bạch hơn nhờ các quy định của một công ty niêm yết từ các cơ quan nhà nước, minh bạch hơn nhờ quá trình yêu cầu thông tin về hợp đồng kinh doanh từ nhà đầu tư… 

Nhờ quá trình minh bạch này mà những doanh nghiệp hoạt động tốt và ổn định sẽ ngày càng được các nhà đầu tư ưa thích dẫn đến vốn hóa ngày càng cao, tức doanh nghiệp lớn mạnh hơn”.

Được thành lập ngày 23/07/2007 với mục tiêu thực hiện hoạt động khai thác vận chuyển mô hình hàng không thế hệ mới với chi phí thấp cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của hành khách. 

Tuy nhiên do yếu tố khó khăn chung của thị trường phải đến ngày 24/12/2011, VietJet thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.Hồ Chí Minh. 

Liên tục trong rong 5 năm hoạt động (2011 - 2016), Vietjet đã phát triển vượt bậc vận chuyển trên 35 triệu lượt hành khách, được vinh danh với 32 giải thưởng trong nước và 9 giải thưởng quốc tế lớn.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 45 tàu bay A320 và A321, thực hiện trên 300 chuyến bay mỗi ngày với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…

Vietjet đã ký kết các đơn đặt hàng 119 máy bay Airbus dòng A320/321 và 100 máy bay Boeing 737 MAX.

Vietjet đang xây dựng Trung tâm Công nghệ Hàng không (thuộc Dự án Học viện Hàng không Vietjet) trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế để chủ động về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hàng không.

Mai Anh