Giáo Thứ thời "thế giới ảo”

09/03/2017 06:55
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Trong thời đại mà mọi thứ đang được nhắc đến đều ở thời @, thời đại công nghệ “số”, thời của lớp học ảo, kính ảo..., chúng ta hình dung thế nào về nhà giáo?

LTS: Là một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương rất quan tâm đến vai trò của giáo viên trong thời đại công nghệ 4.0.

Ở bài viết này, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ câu chuyện về những thầy cô giáo với cái tâm hết lòng vì học trò dù phải lo toan "cơm áo gạo tiền".

Qua câu chuyện này, tác giả muốn nhắn nhủ, dù thời đại công nghệ có phát triển đến đâu thì công nghệ cũng không thể thay thế người thầy với vai trò dạy dỗ, giáo dục nên một con người đúng nghĩa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trong thời đại mà mọi thứ đang được nhắc đến đều ở thời @, thời đại công nghệ “số”, thời của “ảo” (lớp học ảo, kính ảo), chúng ta hình dung thế nào về nhà giáo?  

Sau bài viết "Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục" được đăng tải [1], một độc giả ở Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam có viết cho tôi, nội dung như sau:

Nghề giáo vẫn luôn được tôn trọng. Các thầy cô giáo vẫn cố gắng luôn giữ chuẩn mực cho mình, cho dù đồng lương của các thầy cô mới chỉ “đủ sống”".  

Trong tôi, cảm xúc thật khó tả, vì lòng tôi thật xúc động khi nhận ra, xung quanh mình vẫn có những nhà giáo, những con người chân thành cống hiến cho con trẻ.

Tuy nhiên, tôi cũng có một cảm xúc khác, tôi thật sự thấy đau đớn, vì tôi biết được những thầy cô sống với mức lương đủ sống là như thế nào.  

Ôi, những thầy giáo "Thứ" [2] của tôi, những thầy cô anh hùng!

Virtual Classroom – Lớp học ảo – Google
Virtual Classroom – Lớp học ảo – Google

Bố mẹ tôi là thầy giáo một đại học có uy tín những năm 1980 ở Hà Nội. Giữ mình trong sạch, sống hết lòng cho sinh viên, họ chấp nhận làm tất cả các việc để có thể tồn tại trong một xã hội mà ai cũng đói, đặc biệt là học sinh, sinh viên và nhà giáo.  

Bố tôi, chỉ trừ mỗi việc mang gà ra bán ở Chợ Mơ, còn ông không nề hà bất cứ việc gì để phụ vợ kiếm thêm tiền chi tiêu trong nhà.  

Ngày 20/11, nhà tôi, luôn có hoa anh đào hái trộm và nhiều nải chuối mà học sinh của bố mẹ tôi mang đến tặng thầy cô.  

Thời đó, mặc dù chúng tôi cố gắng hạnh phúc trong sự vất vả của đời sống, tôi thấu hiểu được thế nào là những người khốn khổ, thế nào là đời Thầy giáo Thứ khi mình lựa chọn cuộc đời làm nhà giáo và làm nhà giáo tử tế.

Giáo Thứ thời "thế giới ảo” ảnh 2

Thầy cô có bị mất việc khi robot đang dần làm mọi thứ thay con người?

Cho đến những năm tháng sau này vào Sài Gòn (2000-2016), khi tôi đã dành hơn 15 năm sống và có thời gian gắn bó với ngôi trường khiếm thính Hy Vọng (Bình Thạnh), tôi vẫn được chứng kiến và cảm nhận nỗi đau của những người làm nghề giáo, đặc biệt là nhà giáo cho học sinh khuyết tật và ở một trường dân lập. 

Với những thầy cô giáo ở trường Hy Vọng, trung bình lương các cô ở mức 3 triệu – 5 triệu đồng/ tháng, 22 cô giáo với 160 em, từ độ tuổi từ 5 – 16 tuổi.

Hơn 30 năm trước, thành phố không có trường cho các em khiếm thính, nhiều phụ huynh đã tự lập trường để con em mình được học, đến nay phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Có ai biết cho thế nào để sống ở đất Sài Gòn với 3 triệu đồng? Với gia đình có 2 con và khi nhà thì đi thuê? 

Những cô giáo tận tâm với học sinh khiếm thính hơn 30 năm nay, họ không có đủ tiền và cũng không có thời gian để học lấy chứng chỉ dành cho học sinh khuyết tật hay học tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bây giờ họ biết làm sao đây cho tương lai?

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một bạn có viết về một xã hội sắp tới sẽ toàn “số”, và nhiều báo khác cũng đang vẽ ra một thời kỳ mà robot sẽ thay thế nghề giáo, việc dạy và học sẽ là online, sẽ là mô phỏng, sẽ là học thêm dạy thêm cũng online… Có thể là như vậy, nhưng cũng có thể là không.

Cá nhân tôi rất yêu thích việc học và tự học online, đặc biệt là các khóa học quốc tế miễn phí dành cho những người có khả năng tự học.  

Tuy nhiên, kể cả với điều này, chúng ta không thể và không nên đánh đồng việc một số nhu cầu tự học online của một số người với một tương lai của toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam là online!

Giáo Thứ thời "thế giới ảo” ảnh 3

Thời đại 4.0, Thư gửi Việt Nam và ngẫm về sự học của người Việt

Xin đừng làm các thầy cô giáo, nhất là những người đang ở giai đoạn “giữa” của đời đi dạy, cảm thấy họ bị gạt sang bên lề nghề giáo của họ, bằng mọi cách!

Những câu chuyện thừa thiếu giáo viên, điều chuyển giáo viên từ dạy phổ thông sang dạy mầm non, giáo viên hàng năm phải lo đi học lấy thêm chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học… có ai xem kỹ lại liệu những việc này có phải do lỗi của giáo viên không?

Những vấn nạn chạy lớp chạy trường, đi cùng với chạy “việc” để đi dạy, để được giữ lại hoặc được điều chuyển nơi công tác, có phải đâu chỉ ở trong nghề giáo? 

Những vấn nạn “ngồi nhầm lớp”, có giáo viên nào muốn? 

Khi tôi đọc những bài viết về mô hình và nghề giáo của tương lai, khi giáo viên dạy qua lớp học ảo, qua mô hình, qua giao diện internet, tôi nhìn thấy được công nghệ đang giúp giáo dục thay đổi phương pháp dạy học.

Công nghệ đang giúp đỡ thầy cô tăng cường khả năng giao tiếp và chia sẻ kiến thức cho học sinh. Nhưng xin ai đó, đừng đi xa hơn điều này! 

Công nghệ, dù ở bất kỳ xã hội nào, cũng chỉ là công nghệ và đóng vai trò “phương tiện”.

Giáo Thứ thời "thế giới ảo” ảnh 4

Dừng chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non

Công nghệ không thể thay thế được thầy cô giáo, không thế thay thế được quan hệ thầy-trò, không thể thay thế được tình người, đặc biệt khi học trò chỉ là những đứa bé thơ ngây và mong manh.

Trong thời đại của công nghệ này, chúng ta cần sáng tạo trong những chương trình đào tạo và tái đào tạo chương trình dành cho giáo viên.  

Để giúp đỡ và nâng cao năng lực dạy học trong thời đại công nghệ 4.0 này, chúng ta hãy giúp các thầy cô được đào tạo, được tiếp cận, càng sớm càng tốt với những phương pháp dạy học hiện đại, thay vì phải tìm những biện pháp điều chuyển và đòi hỏi những chứng chỉ mà không hữu ích gì nhiều cho việc dạy học của họ. 

Chúng ta cần có chiến lược và chính sách cho giáo viên, như là một cấu thành cơ bản trong việc cải cách giáo dục toàn diện.

Và xin hãy đủ bình tĩnh để hiểu rõ là chỉ có con người làm chủ công nghệ và chỉ có con người mới có thể dạy được con người có cảm xúc thật và sống đúng với ý nghĩa MỘT CON NGƯỜI.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Yeu-thuong-hoc-tro--Cau-chuyen-cua-nhan-ban-va-triet-ly-giao-duc-post174546.gd

[2] Sống Mòn – Nam Cao http://www.sachhayonline.com/tua-sach/song-mon

Nguyễn Thị Lan Hương