Hiệu trưởng bị tố sai phạm, Trường cấp 2 Phú Đô không làm việc với phóng viên

13/03/2017 13:58
Trần Việt
(GDVN) - Để tìm hiểu về việc Hiệu trưởng bị tố nhiều sai phạm, phóng viên đã liên hệ làm việc với Trường cấp 2 Phú Đô nhưng đã bị nhà trường từ chối vì không có thẻ.

Hiệu trưởng bị tố nhiều sai phạm

Vừa qua, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan, ban ngành của thành phố Hà Nội với nội dung tố cáo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường trong nhiều năm công tác đã có hàng loạt sai phạm nghiệm trọng.

Đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên tố cáo bà Nguyễn Thị Nguyệt với 8 nội dung trong đó trình bày những việc làm sai phạm của vị Hiệu trưởng này và đồng thời cung cấp đầy đủ bằng chứng cụ thể.

Đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên gửi đến các cơ quan ban ngành thành phố Hà Nội tố hàng loạt sai phạm của Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú Đô. Ảnh Trần Việt.
Đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên gửi đến các cơ quan ban ngành thành phố Hà Nội tố hàng loạt sai phạm của Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú Đô. Ảnh Trần Việt.

Trong đơn trình bày: Trường Trung học Cơ sở Phú Đô là một trường mới tách ra từ Trường Trung học Cơ sở Mễ Trì, huyện Từ Liêm cũ. Trường rất nhỏ,thừa giáo viên nhưng đồng chí Hiệu trưởng tự nhận rất nhiều giáo viên hợp đồng về, những giáo viên đứng lớp lâu năm bị Hiệu trưởng cho vào dạng yếu kém, không được xếp dạy môn chính đúng với chuyên môn…

Từ khi lên làm Hiệu trưởng đồng chí Nguyệt chưa bao giờ công khai tài chính và tự quyết nhiều khoản thu không minh bạch. Ngoài ra còn thu thêm các khoản như: tiền hội chữ thập đỏ 20.000đ/học sinh, tiền giấy thi 50.000đ/học sinh/năm…

Năm nào Hiệu trưởng cũng ép học sinh mua đồng phục từ lớp 6 đến lớp 8. Phê bình gay gắt giáo viên chủ nhiệm có học sinh mua đồng phục ít. Chất lượng đồng phục thì quá xấu và đắt, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh kêu mãi cũng không thay đổi.

Em gái đồng chí Hiệu trưởng là Nguyễn Thị Minh được biên chế về trường làm nhân viên thư viện nhưng được phân công dạy tiếng Anh và chủ nhiệm lớp còn giáo viên tiếng Anh thì dạy môn thư viện.

Trường Trung học Cơ sở Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh Trần Việt.
Trường Trung học Cơ sở Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh Trần Việt.

Mấy năm trời như vậy, đến khi giáo viên tiếng Anh kêu quá thì Ban giám hiệu xếp thời khóa biểu tiết 5 cả 12 lớp học tiết thư viện do đồng chí Minh dạy nhưng thực tế giờ đấy cả trường về và không có lớp nào học cả.

Đồng chí Hiệu trưởng còn ký hợp đồng cho Trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền thuê cơ sở vật chất của nhà trường với giá bèo bọt, chúng tôi muốn bồi dưỡng học sinh yếu bắt buộc phải qua trung tâm.

Học sinh, giáo viên là của nhà trường, đề thi, nội dung chương trình là do giáo viên nhà trường tự làm nhưng cuối tháng trung tâm đến thu của chúng tôi 35% (khoảng 70.000.000đ/tháng) do giáo viên chủ nhiệm nộp lại.

Học sinh học 2 buổi/ngày, học câu lạc bộ buổi chiều qua trung tâm rồi mà cô Hiệu trưởng còn động viên các em học tiếp buổi tối qua trung tâm. Kinh phí khối 6,7,8 là 60.000đ/học sinh/1 buổi, khối 9 là 80.000đ/học sinh/1 buổi, trung tâm thu 40%.

Nhà trường từ chối làm việc với phóng viên vì không có thẻ nhà báo

Trước những thông tin mà đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên gửi đến báo, nhằm giúp bạn đọc có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 09/03/2017 phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với Trường Trung học Cơ sở Phú Đô.

Tuy nhiên, sau khi phóng viên xuất trình giấy giới thiệu do tòa soạn cấp cho một cán bộ văn phòng xem với nội dung là xác minh thông tin bạn đọc phản ánh thì vị này yêu cầu phải có thẻ nhà báo mới làm việc.

“Theo như quy chế của chúng tôi thì muốn tiếp phải có thẻ nhà báo. Nếu theo luật thì giấy giới thiệu có thể không có nhưng thẻ nhà báo thì phải có”, cán bộ văn phòng tên Na nói.

Sau một hồi được vị văn phòng này “lên lớp” về luật báo chí là phải có thẻ nhà báo thì mới được tác nghiệp, phóng viên cũng đã cố gắng thuyết phục để “xin” được gửi lại giấy giới thiệu với mong muốn tìm hiểu sự việc liên quan đến đơn tố cáo bà Hiệu trưởng.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, ngày 03/03/2017, Quận ủy Nam Từ Liêm đã có thông báo số 297-TB/QU Thông báo kết luận của Thường trực Quận ủy về việ giải quyết đơn thư tố cáo đối với đồng chí Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú Đô.

Nội dung thông báo ghi rõ: Thường trực Quận ủy nghe đồng chí Trần Thanh Long, Uỷ viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận thay mặt Uỷ ban nhân dân quận báo cáo về nội dung đơn thư tố cáo vượt cấp đối với đồng chí Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú Đô.

Sau khi Uỷ ban nhân dân quận nhận được đơn thư do Thành phố chuyển về và qua nghiên cứu thấy rằng nội dung đơn thư tố cáo rất nghiêm trọng, do vậy Uỷ ban nhân dân quận đã khẩn trương thành lập tổ công tác có các phòng chức năng tham dự và triển khai kiểm tra ngay tại trường.

Qua kiểm tra xác minh theo nội dung đơn thư cho thấy 08 nội dung tố

Hiệu trưởng bị tố sai phạm, Trường cấp 2 Phú Đô không làm việc với phóng viên ảnh 3

Kỷ luật Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Điệp Nông vì bị tố nhiều sai phạm

cáo đều có sai phạm rõ ràng, có bằng chứng cụ thể. Vì vậy, Uỷ ban nhân dân quận xin báo cáo Thường trực Quận ủy cho chủ trương chỉ đạo giải quyết.

Thay mặt Thường trực Quận ủy, đồng chí Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận phát biểu kết luận chỉ đạo như sau:

 Thường trực Quận ủy ghi nhận việc tích cực của Uỷ ban nhân dân Quận khi nhận được đơn tố cáo vượt cấp đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý và chủ động thành lập tổ công tác triển khai kiểm tra xác minh nội dung tố cáo về cơ bản kết quả là đúng với 08 nội dung sai phạm cụ thể và có bằng chứng đối với đồng chí Hiệu trưởngTrường Trung học Cơ sở Phú Đô…

 Dự kiến ngày 15/03/2017 tới đây, sẽ họp Hội đồng kỷ luật của quận để xử lý kỷ luật đối với các sai phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Chưa có thẻ nhà báo, phóng viên vẫn có quyền tác nghiệp

Hiện nay, phóng viên chưa có Thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) đang được pháp luật bảo hộ về quyền tác nghiệp.

Cụ thể, tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có Thẻ nhà báo.

Khi chưa được cấp Thẻ nhà báo, phóng viên vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác nghiệp, mọi hành vi cản trở trái pháp luật đều vi phạm và bị xử lý nghiêm.
Khi chưa được cấp Thẻ nhà báo, phóng viên vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác nghiệp, mọi hành vi cản trở trái pháp luật đều vi phạm và bị xử lý nghiêm.

Tại điều 7, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ghi rõ: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;

c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”.

Tiếp tục trong Luật Báo chí sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 cũng quy định chi tiết về quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp Thẻ nhà báo.

Cụ thể, tại khoản 12, điều 9 Luật Báo chí mới quy định: Nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Như vậy, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí mới có hiệu lực tiếp tục quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. 

Các hành vi cản trở trái pháp luật quyền tác nghiệp của phóng viên đều vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm.


Trần Việt