Có nên dùng đòn roi với học trò?

18/03/2017 07:44
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Trong giáo dục, yếu tố cảm hóa và thuyết phục người học luôn được đặt lên hàng đầu. Nghiệp vụ sư phạm và nghệ thuật giáo dục không cho phép sử dụng vũ lực.

LTS: Gần đây, câu chuyện về việc thầy cô giáo sử dụng đòn roi với học trò lại “nóng lên” trên các diễn đàn báo chí bởi thực tế nhiều giáo viên không thể dùng cách khác để giáo dục học sinh của mình.

Là một giáo viên đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, thầy giáo Trần Trí Dũng đưa ra quan điểm về việc có nên dùng đòn roi để giáo dục học trò hay không để cùng trao đổi, thảo luận .

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Chúng ta đang ở đầu thế kỷ XXI, thế kỷ được xem là kỷ nguyên của nền văn minh và lối sống nhân văn. Nghề dạy học được xem là nghề “trồng người” với bao vinh dự và vinh quang của nghề. 

Ai cũng đều qua thời đi học và bất cứ ai trong nghề dạy cũng đều biết những nỗi vất vả của các thầy cô trong sự nghiệp “trồng người” ấy. 

Nếu học sinh chăm ngoan thì các thầy cô nhàn hạ, nhưng nếu học sinh hư, quậy phá, không chịu học học thì sẽ làm phiền não thầy cô và từ đó có thể phát sinh những hệ lụy không hề nhỏ. 

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 1/2/2017 đăng bài viết “Là giáo viên tiểu học, chúng tôi phải làm gì đây?” của cô giáo Thuận Phương như một lời tâm sự về sự bất lực trước tình trạng ngang ngược, quậy phá không chịu học của học trò. 

Vì muốn học trò tiến bộ hơn, thầy giáo H. đã dùng gậy đánh mạnh một cái vào mông: Ảnh: Vietnamnet
Vì muốn học trò tiến bộ hơn, thầy giáo H. đã dùng gậy đánh mạnh một cái vào mông: Ảnh: Vietnamnet

Trong bài có đoạn viết: “Một lớp học chỉ vài em ngang ngược, không chịu nghe lời thầy cô, không có tác dụng với những lời nói ngọt thì cả lớp cũng sẽ chẳng thể nào học nổi”. 

Vậy chúng tôi phải làm gì đây mới phải? Cứ tảng lờ để yên như lời khuyên của đồng nghiệp mặc các em học được gì thì học hay sao?” đã thực sự thể hiện sự bất lực của các thầy cô.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/3/2017 đăng bài viết “Học trò lười học, thầy giáo dùng gậy đánh” trong đó phản ánh sự việc một thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, xử phạt học sinh lười học bằng cách dùng gậy là đoạn một ống nước bằng nhựa để đánh vào mông học sinh.

Hành động của thầy giáo này đã nhận được những ý kiến trái chiều của các độc giả. Người thì ủng hộ, người thì cho rằng là không nên.

Cũng trong ngày 14/3/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Cô rất buồn, Cô đã không thể làm khác” của cô giáo Phan Tuyết nói về việc cô giáo phải bất đắc dĩ phải xử phạt bằng cách phạt roi học sinh nhưng sau đó đã khiến học sinh chăm ngoan hơn. 

Có nên dùng đòn roi với học trò? ảnh 2

Roi vọt là yêu thương

Tất cả các bài viết đó đều phản ánh những khó khăn, những tình huống phức tạp mà các nhà giáo đã gặp phải trong nghề làm thầy. 

Tuy có nhiều ý kiến khác nhưng tất cả đều nói về cách ứng xử sư phạm của nghề dạy. 

Chính vì thế, vì hiệu quả và chất lượng giáo dục, chúng ta cần thiết nhìn nhận lại những vấn đề này một cách khách quan nhất, để từ đó cùng tìm ra những giải pháp công tâm nhất trong nghệ thuật làm thầy. 

Bởi lẽ, theo quy định chung, việc xâm phạm thân thể học sinh là một quy định cấm của ngành giáo dục. 

Cụ thể, theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì hành vi xâm phạm thân thể người học là một hành vi bị xử phạt. 

Tuy nhiên, như thế nào thì được coi là xâm phạm thân thể người học ở đây cùng cần phải được xem xét.

Trong giáo dục, yếu tố cảm hóa và thuyết phục người học luôn được đặt lên hàng đầu. Nghiệp vụ sư phạm và nghệ thuật giáo dục không cho phép sử dụng vũ lực với học sinh. 

Trong nghệ thuật ấy, để giáo dục học trò của mình, yếu tố quan trọng là cần hiểu đúng tâm lý người học để có sự răn dạy, khuyên bảo và cảm hóa thích hợp. 

Đặc biệt, sử dụng cái uy của người thầy là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cảm hóa, giáo dục học sinh.

Về mặt tâm lý, nói chung các học sinh thường sợ các thầy cô giáo hơn cha mẹ mình. 

Tuy nhiên, trong quá trình học tập cũng có cũng học trò rất ngang bướng, rất ngang ngược, không những không chịu học mà còn gây ảnh hưởng tinh thần học tập của cả lớp học chung. 

Vậy, các thầy cô giáo phải làm sao khi có những học sinh như thế?

Lẽ đương nhiên, ban đầu các thầy cô cần thiết nhắc nhở, dùng lời lẽ ân cần khuyên nhủ. Trong cách thức đó, việc dùng những lời lẽ như thế nào để lay động, thức tỉnh và khiến học trò phải đau đáu suy nghĩ lại là rất cần thiết. 

Bởi lẽ, các cụ nhà ta thường bảo “lạt mềm buộc chặt” và “lời nói sắc như lưỡi dao”. Tuy thế, không phải trường hợp nào cũng có thể cảm hóa, giáo dục được học sinh do tính cách và nhận thức của em là rất khác nhau.

Có nên dùng đòn roi với học trò? ảnh 3

Dạy học không đòn roi mệt nhưng thoải mái!

Do đó, đối với những học sinh hư, cá biệt, khi đã được nhắc nhở nhiều lần mà vân còn vi phạm thì cần thiết xử phạt bằng đòn roi.

Các cụ khi dạy con thường nói: “Thương con cho đòn cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. 

Vì thế, nếu các thầy cô xử phạt đòn roi học sinh với tâm thế như là một sự thể hiện tình thương giáo dục của người làm cha mẹ đói với con cái thì rất nên làm.

Bởi lẽ, việc xử phạt này còn có tác dụng răn đe và phòng ngừa các trường hợp khác. 

Tuy nhiên, việc xử phạt đòn roi ở đây chỉ được coi như một biện pháp mạnh ở một mức độ nhằm răn đe, thực chất là đánh đòn vào tâm lý, lòng tự trọng và sỹ diện của học trò chứ không phải là đòn đau về cơ thể, theo hướng gây bạo lực. 

Đây là tình huống sư phạm rất khó và nhạy cảm, đòi hỏi người thầy phải có xử thế thích hợp, nếu không sẽ gây oán thán từ phía học sinh và phụ huynh, gây hệ lụy về mặt xã hội, đặc biệt là những điều cấm của nghề. 

Bởi lẽ chỉ có những ai trong nghề và công việc dạy dỗ mới có thể hiểu hết được sự khó khăn và vất vả của nghề dạy. 

Trong bài viết “Là giáo viên tiểu học, chúng tôi phải làm gì đây?”, cô giáo Thuận Phương đã nói:

Một lớp học chỉ vài em ngang ngược, không chịu nghe lời thầy cô, không có tác dụng với những lời nói ngọt thì cả lớp cũng sẽ chẳng thể nào học nổi.

Vậy chúng tôi phải làm gì đây mới phải? Cứ tảng lờ để yên như lời khuyên của đồng nghiệp mặc các em học được gì thì học hay sao?

Điều này cũng đã thể hiện những tâm tư, trăn trở của người thầy. 

Thực tế, trong bài viết nói về chuyện thầy H ở thành phố Hồ Chí Minh thì việc thầy H dùng cây gậy là một đoạn ống nhựa để đánh vào mông học sinh là không gây đau đớn cho học sinh, tác giả của bài viết đã gọi đó là cây gậy thần kỳ, bởi lẽ sau đó học sinh đã học chăm ngoan hơn và thực tế thầy H đã từng có nhiều học sinh giỏi quốc gia.

Vì thế, đây cũng là một gợi mở, đề xuất kiến nghị nên cho phép các thầy cô có thể xử phạt đòn roi học sinh ở một mức độ nhất định nếu học sinh đó gây phiền nhiều đến lớp học và nhiều lần không chịu nghe lời.

Sau khi đọc bài viết ”Học trò lười học, thầy giáo dùng gậy đánh” trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một độc giả có tên Nguyễn Bá Tư bình luận:

Đánh như thế mà là sai sao? Những đứa học trò bị đánh thường dễ thành đạt. 

Ngày trước tôi cũng bị cô chủ nhiệm tát cho một cái và nói "học dốt như em mà cũng vào lớp chọn?"

Tôi nhớ mãi, lúc đó buồn lắm, nhưng giờ khi trở thành giảng viên đại học lại nhớ cô và biết ơn cô, cô Nhuộm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A trường Trung học cơ sở Trần Phú - Thành phố Thanh Hoá, em nhớ cô lắm”.

Lời bình luận đó của một giảng viên Đại học khiến chúng ta không thể không suy nghĩ.

Cùng với đó, một độc giả khác có tên là Quang Thanh bình luận: "Trước khi bắt thầy H kiểm điểm nhà trường hãy hỏi ý kiến học sinh của thầy xem các em có phản đối cách làm này của thầy không đã. 

Đừng qui kết ngay cho thầy H là bạo lực, có thể thầy chỉ dọa là chính thôi, chứ đánh bằng ống nước nhựa vào mông thì có gì nguy hại đâu. 

Ngày nhỏ tôi đi học lớp 1 viết chữ xấu thầy giáo bắt để tay lên bàn lấy thước vụt (vụt nhẹ thôi) bắt viết lại nhiều lần nên lớp chúng tôi ai cũng viết chữ đẹp. 

Chúng tôi rất quí trọng thầy chứ chẳng ai trách móc hay ghét thầy cả. Khi đã trưởng thành chúng tôi hay đến thăm và cám ơn thầy”.

Có thể nói đây là những lời bình luận rất tâm huyết, thể hiện một cái nhìn khách quan về sự việc để chúng ta cùng nhìn nhận.

Tuy nhiên, việc xử phạt bằng đòn roi đối học sinh chỉ là bất đắc dĩ. Bởi lẽ hơn bao giờ hết, sự cảm hóa đối học sinh, với cách giáo dục bằng cái uy của người thầy vẫn cần đặt nên hàng dầu. 

Để có được cái uy đó, các thầy cô phải giữ mình chuẩn mực, đức độ trong lối sống, giữ đúng kỷ cương và nghiêm túc trong mọi hành động, hiểu và nắm bắt đúng tâm lý học sinh để thể hiện mình đúng mực. 

Có nên dùng đòn roi với học trò? ảnh 4

Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục

Để sao cho chỉ cần nghiêm nét mặt và đưa ánh mắt nhìn thẳng là học sinh cũng phải nghe lời. 

Đặc biệt, xây dựng môi trường lớp học thân thiện, dân chủ, vui tươi, tạo niềm say mê và hứng khởi học tập cho học sinh chính là yêu tố ngăn chặn và phòng ngừa mọi hành động tiêu cực từ phía học sinh.

Giáo dục là một nghệ thuật mà ở đó người thầy cũng như một nghệ sỹ. 

Thầy cô giáo cần hiểu đúng học trò, biết học trò mong muốn gì, nắm bắt tâm lý các em để xây dựng nội dung bài giảng thích hợp.

Từ đó tạo niềm say mê và thích học tập ở các em, để các em hòa nhập với bài học mà không gây phiền nhiễu, điều đó đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực của các thầy cô, có như vậy chúng ta mới có một nền giáo dục thực chất, nhân văn và phát triển.   

Một vài trao đổi để chúng ta cùng quan tâm tham khảo, để từ đó chúng ta có được những hành xử đúng đắn nhất trong nghề làm thầy.

Trần Trí Dũng