Hãy nói không với thực phẩm bẩn trong trường học

25/03/2017 15:38
Bài: Thùy Linh; Ảnh: Hoàng Lực
(GDVN) - Vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu, uy tín và lương tâm nghề giáo của cơ sở giáo dục đó.

Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe 

Ngày 25/3, tại Hà Nội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ngân hàng VietinBank, Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Trường quốc tế Newton  tổ chức hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn”. 

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên đại diện các trường khối Trung học cơ sở, khối Tiểu học và nhiều bậc phụ huynh.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn”
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn”
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các thầy cô trên địa bàn Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các thầy cô trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: An toàn thực phẩm đang là trở thành vấn đề nhức nhối, được toàn xã hội quan tâm. 

Trong thời gian vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về các vi phạm an toàn thực phẩm tại các trường học. 

Điển hình là vụ việc Công ty Phú Thành Quốc cung cấp những “bữa ăn thịt thối” cho học sinh  tại 2 trường: Trung học cơ sở Linh Đông và tiểu học Hiệp Bình Chánh(thuộc quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). 

Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Qua các vụ việc, chúng tôi nhận thấy những vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về kiến thức lựa chọn nguồn thực phẩm, cách sơ chế… đã dẫn đến việc xảy ra những sự cố về an toàn thực phẩm. 

Với mong muốn toàn xã hội đặc biệt là các bậc phụ huynh, thầy cô nâng cao hơn nữa nhận thức về các vấn đề an toàn thực phẩm để học sinh được phát triển toàn diện nên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án Vệ sinh an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng học đường”. 

Dự án sẽ bao gồm chuỗi các hội thảo do Báo tổ chức, tập trung vào chủ đề chính là vấn nạn thực phẩm bẩn trong trường học, xây dựng thực đơn tiêu chuẩn cho học sinh và các phương pháp phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ.

Cách nhận biết thực phẩm, đồ ăn thức uống sạch, an toàn và không đảm bảo như thế nào?”, Nhà báo Đào Ngọc Tước thông tin. 

Hãy nói không với thực phẩm bẩn

Tại hội thảo, Đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế) - Thạc sĩ Cao Văn Trung đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng và hữu ích. 

Ông Trung khẳng định, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trong các trường học đã được các cơ quan đơn vị chức năng từ Trung ương, địa phương và Ủy ban nhân dân các cấp và xã hội rất quan tâm. 

Điều này được quy định chi tiết trong một số điều của Luật an toàn thực phẩm hay điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của Bộ Y tế. 

Đại diện Cục An toàn Thực phẩm thông tin, trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn quốc đã ghi nhận 1027 vụ ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể xảy ra tại trường học chiếm trung bình 3,7% tổng số vụ mỗi năm. 

Đại diện Cục An toàn Thực phẩm thông tin, trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn quốc đã ghi nhận 1027 vụ ngộ độc thực phẩm.
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm thông tin, trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn quốc đã ghi nhận 1027 vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10, ít nhất vào giai đoạn tháng 6-7 (giai đoạn học sinh được nghỉ hè). 

Do điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm vào mùa xuân, mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao nếu thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao

Dưới góc nhìn của cơ quan chức năng vấn đề an toàn thực phẩm, Đại úy Phạm Thế Anh - Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an Thành phố Hà Nội) cho biết: 

Trong những năm gần đây, tình hình hoạt động tội phạm, vi phạm về môi trường trong lĩnh vực an toàn thực phẩm làm lây lan dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. 

Cụ thể, tại Thủ đô Hà Nội dân số hiện nay khoảng gần 8 triệu người, diện tích 3.329km2 gồm 30 quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn. 

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội năm 2016 là 58.286 cơ sở.

Hàng năm, Hà Nội tiêu thụ trên 200 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó thực phẩm có nguồn gốc bảo đảm 73,08%, số còn lại là nguồn cung cấp thịt từ các địa phương khác 26,92%. 

Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng, Ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyển chọn các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn.
Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng, Ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyển chọn các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn.

Trong năm 2016, tại Hà Nội đã xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể tại 2 bếp ăn tập thể và 1 nhà hàng ăn uống.

Hiện nay trên địa bàn thành phố theo điều tra cơ bản khoảng 912 trường mầm non và 714 trường tiểu học, hầu hết các trường thuộc diện này đều có bếp ăn tập thể phục vụ các cháu học sinh. Do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao”, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường nhấn mạnh.

Do đó, hiện nay phần lớn các trường đều chọn đơn vị thứ 3 là các công ty cung cấp suất ăn cho các em học sinh và giáo viên nhà trường.

Điều này tạo thuận lợi trong cung cấp bữa ăn nhưng lại gây khó khăn cho việc kiểm soát thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không nên sẽ rất khó xác định trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc. 

Để giải quyết vấn đề này, Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng, Ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyển chọn các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. 

Nhà trường cần thường xuyên cử cán bộ nhà trường giám sát, đôn đốc việc nhập hàng thực phẩm, sơ chế và chế biến tại các bếp ăn của trường

Ngoài ra, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn và quản lý giáo dục con em mình để tránh xa ngộ độc và xỷ lý khi bị ngộ độc. 

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Đại diện Tân Hiệp Phát đã có góp ý về các biện pháp giúp các trường mầm non, tiểu học giám sát an toàn thực phẩm để từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn trường học. 

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Đại diện Tân Hiệp Phát góp ý về các biện pháp giúp các trường mầm non, tiểu học giám sát an toàn thực phẩm để từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn trường học.
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi – Đại diện Tân Hiệp Phát góp ý về các biện pháp giúp các trường mầm non, tiểu học giám sát an toàn thực phẩm để từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn trường học.

Kết thúc hội thảo là những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Thị Chính – Hiệu trưởng Trường phổ thông quốc tế Newton về tầm quan trọng thực phẩm an toàn trong trường học. 

Nhận thấy an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu, uy tín và lương tâm nghề giáo nên lãnh đạo trường phổ thông quốc tế Newton kiểm soát độ an toàn thực phẩm dựa trên những quy định nghiêm khắc. Đó là: 

Thứ nhất, nhà bếp phải cam kết với Nhà trường trong việc chỉ được nhập thực phẩm từ các cơ sở mà Nhà trường đã kiểm định theo tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm. 

Thứ hai, nhà bếp chỉ được sử dụng thực phẩm tươi sống hàng ngày, nhập đến đâu dùng tới đó, không lưu trữ. 

Cô Lê Thị Chính – Đại diện trường phổ thông quốc tế Newton chia sẻ về giải pháp mà Nhà trường áp dụng để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học.
Cô Lê Thị Chính – Đại diện trường phổ thông quốc tế Newton chia sẻ về giải pháp mà Nhà trường áp dụng để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học.

Thứ ba, nếu như thức ăn hôm đó không dùng hết thì thức ăn phải mang về bằng cách chủ bếp chia thức ăn đó cho các nhân viên của bếp để gia đình sử dụng, không được mang trở lại trường. 

Nếu phát hiện, nhân viên nào đưa thức ăn cũ trở lại thì nhà trường sẽ phạt 20 triệu ngay lập tức. 

Thứ tư, tuyệt đối không dùng dầu mỡ bị cháy. Dầu mỡ đã sử dụng phải được hủy luôn trong ngày.

Thứ năm, không dùng thùng nhựa, âu nhựa, bát nhựa… để đựng thức ăn mà tất cả các thiết bị đó phải bằng innox. 

Thứ sáu, vì đông người ăn nên việc sử dụng rau sẽ khó kiểm soát về độ sạch nên trường chỉ sử dụng củ, quả. 

Thứ bảy, đồ dùng nhà bếp nồi xoong, bát đĩa phải gọn gàng; sàn bếp sạch sẽ, khô thoáng…

Những chia sẻ thú vị của các khách mời tại hội thảo đã giúp cho đông đảo các thầy cô giáo trên địa bàn Hà Nội và các bậc phụ huynh rút ra những bài học riêng, từ đó kiểm soát tốt hơn chất lượng bữa ăn trong trường học, đặc biệt kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.

Bài: Thùy Linh; Ảnh: Hoàng Lực