Lãnh đạo luôn áp đặt, cái gì cũng đòi 100% thì trường học lấy đâu dân chủ

01/04/2017 06:50
Đỗ Quyên
(GDVN) - Mặc dù cuộc họp nào cũng có mục “Ý kiến của giáo viên” nhưng trong tất cả biên bản đều có dòng chữ thật đẹp “100% thống nhất với kế hoạch đã triển khai".

LTS: Vấn đề dân chủ trong trường học là một vấn đề được phản ánh nhiều trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Truy tìm ngọn nguồn nguyên nhân của việc mất dân chủ trong trường học, cô giáo Đỗ Quyên khuyến khích các giáo viên dũng cảm dám nói lên ý kiến của mình.

Đồng thời, cô Đỗ Quyên cũng nhắn nhủ các thầy cô cũng cần đảm bảo năng lực chuyên môn để tránh bị Ban giám hiệu gây khó dễ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Không có một bản báo cáo nào ở các trường học lại thiếu đi câu này “Nhà trường đã thực hiện tốt quy chế dân chủ…” 

Nhưng thực tế thì sao? Giáo viên có được nói lên suy nghĩ của mình? Được bày tỏ tâm tư nguyện vọng hay chỉ biết cam chịu, chỉ biết nhẫn nhịn phục tùng, thực hiện mọi yêu cầu quy định của nhà trường mà cụ thể là của Ban giám hiệu đề ra cho dù những yêu cầu ấy mọi người vẫn cho là bất hợp lý?

Ngay từ đầu năm học, nhiều khoản thu chi được nhà trường đưa ra để huy động sự đóng góp của phụ huynh, giáo viên phải là người truyền tải thông điệp sao cho cha mẹ học sinh đồng thuận để họ móc hầu bao. 

Trong các bản báo cáo, quy chế dân chủ trong trường học luôn được thực hiện tốt. (Ảnh minh họa: baogiaothong.vn)
Trong các bản báo cáo, quy chế dân chủ trong trường học luôn được thực hiện tốt. (Ảnh minh họa: baogiaothong.vn)

Nhiều khoản thu cao hơn quy định, nhiều khoản chi bất hợp lý mà chỉ nhìn qua bảng thống kê ai cũng biết được.

Vậy mà tuyệt nhiên trong cuộc họp hội đồng, không bao giờ có một ý kiến phản hồi. 

Mặc dù trong cuộc họp, khi nào cũng có mục “Ý kiến của giáo viên” và như thường lệ trong tất cả biên bản đều có dòng chữ thật đẹp “100% thống nhất với kế hoạch đã triển khai”. 

Với sự đồng thuận, sự nhất trí tuyệt đối như thế đúng lý ra đó phải là những yêu cầu, những quy định hợp lòng dân. 

Nhưng sự thể lại hoàn toàn khác, những bất bình, bức xúc được dồn nén trong lòng để rồi sẵn sàng bung ra bên lề các cuộc họp, trong quán cà phê hay vài ba mái đầu chụm vào rì rầm to nhỏ.

Chuyện thu chi đã thế, chuyện dạy học còn nhiêu khê hơn nhiều.

Không ít những mô hình, những phương pháp, những hình thức dạy học được cấp trên chỉ đạo áp dụng vào đổi mới, trong giảng dạy thực tế lại không đạt hiệu quả như mong muốn vì thiếu tính thực tế (giáo viên thường đùa nhau đó là sản phẩm của những người ngồi phòng máy lạnh). 

Lãnh đạo luôn áp đặt, cái gì cũng đòi 100% thì trường học lấy đâu dân chủ ảnh 2

Trong trường học hiện chỉ có dân chủ hình thức

Nhưng cũng chẳng thầy cô nào đủ can đảm để có ý kiến nói gì đến việc phản đối.

Đã thế, khi báo cáo để cấp trên thẩm định rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh lại, chỉ thấy toàn ưu điểm vượt trội.

Điển hình nhất phải nói đến "căn bệnh thành tích" nó đã trở thành căn bệnh trầm kha không dễ gì chữa nổi.

Chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, chuyện chạy theo các phong trào, các cuộc thi làm màu mà bỏ qua chất lượng học tập thật sự… 

Phần lớn giáo viên không đồng tình với những việc làm ấy nhưng họ lại đồng lòng, thỏa hiệp vì nhiều lẽ, trong đó có phần không dám nói sự thật. 

Bởi thực tế nhiều thầy cô sợ bản thân mình bị liên lụy. Một số người sống theo kiểu an phận thế nào cũng xong, hay không phải việc mình nên không quan tâm. 

Số khác non kém về chuyên môn sợ đấu tranh bản thân sẽ gặp rắc rối khi bị Ban giám hiệu để ý. 

Chính Ban giám hiệu của các trường cũng chẳng dám nói, chẳng dám đấu tranh với cấp trên của họ, thế là dưới lừa trên, trên lại lừa cấp trên nữa.

Cái vòng luẩn quẩn ấy đã góp phần làm cho nền giáo dục của ta đáng buồn như hiện nay.

Khi giáo viên có năng lực và biết đoàn kết

Giáo viên không dám nói lên sự thật, càng không dám phản đối những điều mình cho là không đúng phần nhiều do thiếu năng lực chuyên môn. 

Cái tâm lý luôn lo sợ mình bị “soi”, bị Ban giám hiệu làm khó bằng cách dự giờ đột xuất, kiểm tra hồ sơ bất ngờ… đã kìm hãm ý chí đấu tranh trong họ. 

Chưa nói đến một bộ phận không nhỏ thầy cô luôn xu nịnh để vụ lợi cá nhân. Có người sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để hạ bệ đồng nghiệp hòng chiếm vị trí độc tôn. 

Lãnh đạo luôn áp đặt, cái gì cũng đòi 100% thì trường học lấy đâu dân chủ ảnh 3

Để rồi xem mấy người sống có yên ổn nổi không?

Một số ít thầy cô không thỏa hiệp với cái xấu, đứng lên tranh đấu nhưng họ chẳng hề nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp (có chăng chỉ là sự ủng hộ ngầm) thế là họ trở nên lẻ loi, đơn độc và dĩ nhiên sẽ bị “tiêu diệt”. 

Một vài đồng nghiệp của tôi kể lại rằng khi liên tục đấu tranh với những bất công, những tệ nạn trong nhà trường thì cuối năm tên họ có trong danh sách luân chuyển. 

Ban giám hiệu đã lấy mọi lý do như công tác lâu năm, chuyển đi tăng cường đơn vị mới… Có lý như thế thì giáo viên cũng chẳng thể nào có ý kiến được.

Một mũi tên trúng hai đích, vừa dập tắt được đấu tranh vừa làm gương cho những ai còn có tư tưởng ấy.

Đây chính là lời cảnh báo, là thông điệp mà họ gửi tới cho những ai còn có tư tưởng đi ngược với ước muốn và nhu cầu của cấp trên.

Muốn thiết lập dân chủ nơi trường học, buộc tất cả giáo viên phải biết đấu tranh, biết lên tiếng. 

Ngoài sự quyết tâm đoàn kết, đồng lòng thật cao đòi hỏi mỗi thầy cô phải có phải có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn gương mẫu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Có như thế, dù Ban giám hiệu có gây sức ép như chờ sơ hở để bắt ne bắt nẹt mọi chuyện, hoặc kiểm tra hồ sơ và dự giờ đột xuất cũng chẳng hề hấn gì.

Bản thân mình đã gương mẫu chẳng sợ gì bị Ban giám hiệu làm khó. Và khi mình làm tốt công việc được giao mới có thể ngẩng cao đầu phê phán người khác.

Đỗ Quyên