Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau

04/05/2017 08:57
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay, có hàng ngàn trường trung học phổ thông, trường nào cũng trang bị thì làm sao đáp ứng được. Vì vậy, cần sự chia sẻ về thiết bị giữa các trường nghề.

Ngày 12/4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 2 để lấy ý kiến dư luận. 

Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Để thực hiện tốt giai đoạn định hướng nghề nghiệp đòi hỏi cần có một đội ngũ giáo viên kỹ thuật đảm bảo số lượng và chất lượng. 

Đánh giá tổng quan về dự thảo, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, chương trình mới vừa tạo ra cơ hội và cũng là thách thức cho những cơ sở đào tạo giáo viên kỹ thuật. 

Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau (Ảnh: Trần Vương)
Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau (Ảnh: Trần Vương)

Theo kinh nghiệm của một người nhiều năm tham gia tư vấn tuyển sinh, ông Dũng nhận thấy, học sinh phổ thông hầu như chỉ tập trung vào học 3 môn thi dẫn tới học lệch nhiều và khi lên đại học, kiến thức của những mảng khác bị thiếu hụt khá nhiều.

Nghiên cứu chi tiết dự thảo lần này, ông Dũng cho rằng chương trình không tập trung vào những môn học truyền thống như Toán, Lý, Hoá nhiều như trước mà đã có thêm nhiều môn học mới như Công nghệ, Hướng nghiệp, Công nghệ thông tin, Khởi nghiệp…

Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau ảnh 2

Chuyên gia góp ý về thứ tự môn học trong chương trình mới

Và đi kèm với các môn học này là việc hình thành kỹ năng và đổi mới phương pháp. 

Điều này giúp khắc phục hạn chế tình trạng học lệch và sẽ tạo ra những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho các em trong giai đoạn mới, giai đoạn số hóa, tự động hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Tuy nhiên, ông Dũng cũng dự báo một vài khó khăn để ngành giáo dục cần có những tính toán cụ thể hơn trước khi chương trình chính thức đi vào thực hiện. 

Thứ nhất là đội ngũ giáo viên.

Theo ông Dũng, giáo viên phổ thông lâu nay vẫn chú trọng dạy những môn truyền thống.

Khi bắt đầu chuyển đổi sang dạy những môn mới sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải trải qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo vừa giúp cho các thầy cô thay đổi phương pháp, vừa trang bị kiến thức mới để có thể đáp ứng được yêu cầu mới. 

Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau ảnh 3

Thời gian góp ý cho Chương trình giáo dục phổ thông kéo dài đến ngày 20/5

Đào tạo giáo viên công nghệ cũng đặt ra cho các trường Đại học sư phạm kỹ thuật những vấn đề lớn.

Bởi vì nhu cầu giáo viên không chỉ dành cho các trường phổ thông mà khi thực hiện chương trình mới theo định hướng phân luồng từ Trung học cơ sở rất nhiều em sẽ không tiếp tục lên học trung học phổ thông mà sẽ qua các trường nghề.

Như vậy nhu cầu giáo viên cho các trường nghề cũng rất lớn.

Thứ hai, chương trình mới không thể dạy chay như trước, vì các môn công nghệ kỹ thuật phải có thực hành, thí nghiệm để các em đam mê, làm quen. 

Các trường trung học phổ thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ việc xây mới phòng ốc, đầu tư thiết bị sao cho hiệu quả, cho tới người sử dụng thiết bị, nếu không cân nhắc lường trước sẽ dẫn tới lãng phí. 

Để giải quyết những khó khăn này, ông Dũng đề xuất: “Theo tôi, không nên đầu tư dàn trải mà nên chia sẻ nguồn lực. Hiện nay, có hàng ngàn trường trung học phổ thông, trường nào cũng trang bị thì làm sao đáp ứng được. Vì vậy, cần sự chia sẻ về thiết bị giữa các trường nghề. 

Ví dụ, học môn công nghệ, các trường trung học phổ thông có thể tổ chức mượn cơ sở của các trường nghề, trường cao đẳng, đại học lân cận
”.

Mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến từ nay đến 20/5/2017. 

Mọi ý kiến độc giả, vui lòng gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn.

Tòa soạn trân trọng cảm ơn!

Thùy Linh