Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới

08/05/2017 07:09
Nhóm tác giả Việt Cường
(GDVN) - Có thể khẳng định rằng bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được biên soạn một cách nghiêm túc, khoa học và kỹ lưỡng.

LTS: Đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhóm tác giả Việt Cường đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo chương trình.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đề xuất một số ý kiến về cách diễn đạt và tên gọi cho một học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và cũng đã đọc rất cẩn thận những ý kiến đóng góp cho Dự thảo đã đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Chúng tôi xin có một số nhận xét và góp ý như sau:

1. Có thể khẳng định rằng bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được biên soạn một cách nghiêm túc, khoa học và kỹ lưỡng, bao quát được hầu hết những yêu cầu cơ bản nhất của Giáo dục phổ thông, thực sự đảm bảo được quan điểm “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” như Nghị quyết 29 của Đảng đã vạch ra.

2. Để có được bản Dự thảo này, các tác giả đã mất rất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu, học tập và tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu, từ kinh nghiệm giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia trên thế giới, từ ý kiến của nhiều học giả, các chuyên gia giáo dục, các nhà trường và thầy cô giáo…

Chúng tôi có thể mường tượng phần nào chuỗi công việc đồ sộ mà các tác giả đã tiến hành trong một vài năm qua.

Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao bản Dự thảo này, khẳng định đó là một sản phẩm trí tuệ công phu và nghiêm túc, bám sát thực tiễn đất nước trong thời đại hiện nay, đáp ứng được nhu cầu phát triển của quốc gia, dân tộc.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được biên soạn một cách nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được biên soạn một cách nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

3. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đã học tập và tiếp thu thành tựu đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông lần trước, bắt đầu từ 2001 và kết thúc 2009.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, bất cập nhưng bộ sách giáo khoa hiện hành đã chứng tỏ được sự phù hợp và hiệu quả trong thực tiễn giáo dục ở Việt Nam thời gian qua.

Bằng chứng là các cuộc thi Olympic quốc tế về các môn học ở phổ thông, các đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông của PISA, học sinh Việt Nam đạt kết quả rất cao.

Vấn đề lớn, nổi cộm và bức xúc nhất ở nước ta hiện nay là chất lượng giáo dục đại học chứ không phải giáo dục phổ thông như nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo đã khẳng định.

Chúng tôi cho rằng bản Dự thảo đã tổng kết và rút kinh nghiệm nghiêm túc, sâu sắc từ lần đổi mới chương trình sách giáo khoa trước.

Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới ảnh 2

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới

Nhiều tác giả trong bản Dự thảo cũng chính là những tác giả đã thiết kế chương trình lần trước.

Bởi vậy, chúng tôi nhận ra sự kế tục và phát triển hợp lý của hai bản chương trình này.

4. So sánh Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với chương trình hiện hành, chúng tôi nhận thấy việc định hình hai giai đoạn giáo dục:

Giáo dục Cơ bản (gồm cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở) và Giáo dục Định hướng nghề nghiệp (cấp Trung học Phổ thông) là đúng đắn và hợp lý.

Đặc biệt, việc xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh, coi đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “Chân dung người học sinh mới” của đất nước, chúng tôi cho rằng khá phù hợp và có tính khả thi.

Nhóm biên soạn đã không chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều phương diện xây dựng chương trình mà còn tuyệt đối tuân thủ Nghị quyết 88 của Quốc hội ra ngày 28/11/2014 về Đổi mới giáo dục, xác định Mục tiêu đổi mới là:

Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.

Nghị quyết 88 còn chỉ rõ: “Mục tiêu giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh”.

Chúng tôi cho rằng đây là cơ sở mang tính pháp quy, bắt buộc các tác giả Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải tuân theo.

Và đây cũng chính là điểm tựa tư tưởng - tinh thần phù hợp với tình hình chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội ở nước ta hiện nay.

Nếu các tác giả làm trái hoặc làm lệch với Nghị quyết của Quốc hội thì tình hình sẽ ra sao???

Quốc hội là đại diện trí tuệ cao nhất của toàn dân, có tiếng nói quyết định những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của hơn 93 triệu con người.

Dựa vào Nghị quyết 88 của Quốc hội, các tác giả sẽ đủ tự tin trước búa rìu dư luận (mà không phải búa rìu dư luận lúc nào cũng đúng. Điều này chúng tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác).

5. Việc xây dựng Hệ thống các môn học theo 4 quy định: Bắt buộc - Bắt buộc có phân hoá - Tự chọn - Tự chọn bắt buộc ở cả 3 cấp: Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông với một số môn học tương ứng là một bước đổi mới quan trọng so với bộ chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện hành.

Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới ảnh 3

Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau

(GDVN) - Hiện nay, có hàng ngàn trường trung học phổ thông, trường nào cũng trang bị thì làm sao đáp ứng được. Vì vậy, cần sự chia sẻ về thiết bị giữa các trường nghề.

4 quy định này vừa tạo ra sự chặt chẽ và tập trung của chương trình vừa tạo ra những biên độ mở cần thiết để từng địa phương, thậm chí từng trường học có những vận dụng sáng tạo và phù hợp.

Có được điều này là do các tác giả biên soạn đã hoàn toàn đổi mới trong phương pháp xây dựng chương trình.

Họ đã áp dụng phương pháp “Sơ đồ ngược (Back - Mapping) và Đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment, viết tắt là RIA)”.

Phương pháp này diễn đạt một cách đơn giản là từ Mục tiêu giáo dục -> Xác định chuẩn đầu ra -> Xây dựng nội dung giáo dục.

Ở bước Xây dựng nội dung giáo dục, trước hết phải đổi mới chương trình sách giáo khoa, dẫn đến đổi mới phương pháp và cách thức giáo dục, cuối cùng là đổi mới việc kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng giáo dục.

Tất cả nằm trong một hệ thống khoa học và chặt chẽ, có sự liên thông, nâng cao dần qua các cấp học, vừa đảm bảo thực hiện được những nguyên tắc chính trong Mục tiêu giáo dục lại vừa có độ mở linh hoạt cho các cơ sở giáo dục vận dụng.

Đây cũng là phương pháp xây dựng chương trình tiên tiến và hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều nước phát triển hiện nay.

6. Một số góp ý nhỏ

6.1. Ở phần Mục tiêu giáo dục, chúng tôi nhận thấy bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể diễn đạt khá dài dòng, thiếu những điểm tập trung.

Chúng tôi đề xuất nên xác định một mục tiêu ngắn gọn, bao chứa đầy đủ phẩm chất và năng lực của một công dân Việt Nam mới, nếu có thể gọi đó là triết lý giáo dục có lẽ cũng không sai.

Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới ảnh 4

Giáo viên và học sinh được chủ động thế nào ở chương trình mới?

Đó là “Đào tạo ra những công dân chân chính và năng động trong cuộc sống”.

Cuộc sống ở đây tất nhiên phải hiểu là cuộc sống của hôm nay và ngày mai.

Còn mệnh đề “người công dân chân chính và năng động” cần phải đạt được những năng lực và phẩm chất gì, cụ thể như thế nào chỉ là chuyện giải trình bằng câu chữ.

Thế nào là một người công dân chân chính? Thế nào là một người công dân năng động.

Công dân chân chính cần phải có những phẩm chất và năng lực gì? Công dân năng động cần phải có những phẩm chất và năng lực gì? Sau đó mới triển khai cụ thể.

Chúng tôi cho rằng lớp trẻ của đất nước, nếu sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, bắt đầu 18 tuổi - tuổi được đi bỏ phiếu đều là những công dân Việt Nam chân chính và năng động trong cuộc sống thì tương lai của đất nước sẽ xán lạn biết bao!

6.2. Sáu phẩm chất mà bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra là Yêu đất nước, Yêu con người, Chăm học, Chăm làm, Trung thực, Trách nhiệm cũng tạm được nhưng chưa thực sự hợp lý.

Nên ghép hai phẩm chất Chăm học, Chăm làm thành một, gọi chung là Chăm chỉ.

Bởi vì, đối với học sinh phổ thông, đã chăm học thì còn thời gian đâu mà chăm làm; còn đối với đa phần những người đang lao động kiếm sống hiện nay đã chăm làm thì còn thời gian đâu mà chăm học.

Hai năng lực này thu gọn thành năng lực Chăm chỉ, đặt trong mục tiêu năng động trong cuộc sống thì đã bao chứa được hết mọi điều cần thiết rồi.

Vả lại, chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi giải đáp những thắc mắc về Chương trình tổng thể trong bài báo số ra ngày 25/3/2017 trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng không nói đến hai phẩm chất này.

Ông cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: Nhân ái, Khoan dung, Chuyên cần, Tiết kiệm, Trách nhiệm, Kỷ luật, Trung thực, Dũng cảm”.

Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới ảnh 5

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đã tiếp thu những gì từ góp ý của nhân dân?

(GDVN) - Ban Phát triển chương trình kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10 từ năm 2018.

Như vậy là 8 phẩm chất. Thế nhưng trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lại quy vào 6 phẩm chất, trong đó có 2 phẩm chất Chăm học, Chăm làm.

Chúng tôi rất cần một lời giải thích từ phía Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Thực ra chỉ cần Chăm chỉ thôi là đã quá đủ rồi.

6.3. Về tên 4 môn học ở cấp Tiểu học: Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Tìm hiểu tin học, chúng tôi thấy cần phải thay đổi.

Bởi vì, định hướng giáo dục mới là phát triển phẩm chất và năng lực của người học mà tên môn học là Tìm hiểu thì vừa không đảm bảo tính khoa học lại vừa vênh lệch với Mục tiêu giáo dục.

Thử hỏi, bất cứ môn học nào mà học sinh không cần đến hai thao tác Tìm Hiểu.

Nếu thế thì đặt luôn tên các môn học khác ở Tiểu học là Tìm hiểu Tiếng Việt, Tìm hiểu Toán, Tìm hiểu Ngoại ngữ… cho nó tiện và đồng bộ luôn đi !!!???

Mặt khác, trong 7 năng lực chuyên môn của người học sinh được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua các bộ môn là: Năng lực ngôn ngữ, Năng lực tính toán, Năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, Năng lực công nghệ, Năng lực tin học, Năng lực thẩm mỹ thì đã có Năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội rồi.

Tên môn học trùng với tên năng lực, lại nghiêng về phía truyền thụ kiến thức là một điều phi lý. Chúng tôi đề xuất đổi tên 4 môn này là: Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Tin học.

7. Lời kết

Nhóm nghiên cứu chúng tôi đều đang công tác trong ngành giáo dục, người dạy học nhiều cũng đã 37, 38 năm; người dạy học ít cũng đã ngoài 30 năm, có mặt ở nhiều cấp học, một số người đang làm công tác quản lý.

Chúng tôi xin có đôi điều đánh giá và góp ý cho bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với ước mong bản Dự thảo này sẽ sớm được hoàn thiện và thực hiện để nền giáo dục Việt Nam phát triển tốt đẹp. Rất mong nhận được sự chỉ bảo và góp ý của bạn đọc.

Còn việc suy ngẫm và đánh giá về các ý kiến đóng góp cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi sẽ đề cập đến ở bài viết sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nhóm tác giả Việt Cường