Phải làm rõ động cơ việc bổ nhiệm hàng loạt hiệu phó sai quy định ở Thanh Oai?

17/05/2017 07:59
Trinh Phúc
(GDVN) - Bà Bùi Thị An: “Cấp trung ương còn xử lý được, không cớ gì cấp huyện như Thanh Oai lại bao che, dung túng cho những lãnh đạo bất chấp quy định của pháp luật”.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh việc huyện Thanh Oai, Hà Nội có việc bổ nhiệm hàng loạt hiệu phó vượt quy định trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa một cá nhân nào bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Cụ thể, ở các trường trung học cơ sở và tiểu học tại các xã Kim An, Thanh Mai, Thành Thùy, Nguyễn Trực, Đỗ Động, Cao Viên đều thừa một hiệu phó so với quy định.

Hiện, số hiệu phó thừa ở huyện Thanh Oai lên đến gần chục người.

Sau khi đưa tin, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của độc giả.

Anh Hoàng Quốc Việt – một bạn đọc bình luận cho rằng: “Cần phải xem lại trên bình diện toàn quốc vấn đề này vì không đúng quy định và có thể có tiêu cực. Thứ nữa, những trường hợp bổ nhiệm là giáo viên dạy giỏi thì lại mất đi một giáo viên dạy giỏi đứng lớp”.

Bạn đọc Minh Hà có ý kiến: “Một năm nhà nước phải trả cho các hiệu phó thừa hàng trăm triệu tiền lương. Trong khi đó, còn rất nhiều học sinh không đủ tiền đóng học và có nguy cơ bỏ học”.

Chị Hương – một giáo viên phân tích: “Trong khi giáo viên căng sức ra để dạy, áp lực công việc thì hiệu phó chỉ dạy có hai tiết so với quy định, trong giờ hành chính thì chơi điện tử”.

Phải làm rõ động cơ việc bổ nhiệm hàng loạt hiệu phó sai quy định ở Thanh Oai? ảnh 1Một trường trung học phổ thông bị “lạm phát” hiệu phó

Các ý kiến đều cho thấy, việc bổ nhiệm thừa hiệu phó mang lại nhiều hệ lụy không tốt cho ngành sư phạm.

Theo quy định, tại Thông tư Liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 34 về Hướng dẫn định mức biên chế của cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông thì trường trung học cơ sở, tiểu học hạng 1 có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó.

Trường trung học cơ sở, tiểu học hạng 2 và 3 có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó.

Với quy định như vậy, người bổ nhiệm các hiệu phó thừa trên có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật. Động cơ đằng sau việc bổ nhiệm hàng loạt hiệu phó trên cần thiết phải được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

PGS Bùi Thị An. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
PGS Bùi Thị An. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Bình luận về thực trạng đáng báo động này, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Các quy định lượng cán bộ, công chức của từng ngành, từng đơn vị như thế nào đã rất rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, khi ai đó cố tình làm sai các quy định trên là anh đang cố tình vi phạm luật, sai quy chế, quy tắc của ngành, địa phương và của Chính phủ.

Bây giờ, người nào đã bổ nhiệm sai thì bắt buộc phải giải trình vì sao như thế? Tôi tin sẽ không có bất cứ một lý do nào để biện minh cho việc này.​

Tại sao các trường khác quy mô tương tự mà họ có một hiệu phó? Người ta tính toán kỹ rồi mới đưa ra định mức hiệu phó như thế, do đó chỉ có một cách là buộc phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định.

Trong ngành giáo dục anh phải làm gương, nếu bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả ngay trong lĩnh vực giáo dục nó ảnh hưởng luôn tới học sinh.

Học sinh là nguồn lực của xã hội, nguồn lực của các lĩnh vực sau này. Môi trường trồng người mà còn bất chấp quy định của luật, còn để xảy ra những chuyện như vậy thử hỏi chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ như thế nào?”.

Phải làm rõ động cơ việc bổ nhiệm hàng loạt hiệu phó sai quy định ở Thanh Oai? ảnh 3Huyện Thanh Oai, Hà Nội bổ nhiệm thừa hàng loạt hiệu phó trong nhiều năm

Liên quan đến việc bổ nhiệm thừa hàng loạt hiệu phó hiện nay ở huyện Thanh Oai, dư luận rất quan tâm hướng xử lý những trường hợp hiệu phó thừa như thế nào?

Liệu có tồn tại việc, cứ bổ nhiệm sai nhưng lại được an vị để hưởng lương, bổng lộc một cách phi lý?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 16/5, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết: “Vấn đề giải quyết số lượng hiệu phó thừa cần thời gian lâu dài, không phải ngày một ngày hai.

Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tin thì thường vụ huyện Ủy Thanh Oai đã họp để nhận định, đôn đốc các ngành có kế hoạch xử lý”.

Trái với thái độ dè dặt của chính quyền Thanh Oai, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Cần thiết rà soát, xem chỗ nào thừa thì kiên quyết cắt bỏ. Người được bổ nhiệm không đúng thì nên đưa về vị trí cũ.

Không những vậy, cần thiết phải xử lý trách nhiệm người bổ nhiệm dư thừa, người nào ký, phê duyệt phải bị truy trách nhiệm đến cùng.

Cần làm rõ nguyên nhân anh bổ nhiệm thừa, có mục đích nào khác không? Không thể vì nể nang người này người kia cuối cùng không quy được trách nhiệm ai hết.

Cấp trung ương chúng ta xử lý được, không cớ gì cấp huyện lại bao che, dung túng cho những lãnh đạo bất chấp quy định của pháp luật, cố tình làm sai, để lại hệ lụy xấu đó là một bộ máy hành chính cồng kềnh.

Bộ máy càng phình to, cồng kềnh, tiền lương phải trả nhiều, đó đều là tiền thuế của dân. Chưa kể, còn bao nhiêu hệ lụy khác như bộ máy cồng kềnh thì nội bộ phức tạp…”. 

Trinh Phúc