Cán bộ, giáo viên rất chán ghét báo cáo, họp hành nhiều

19/05/2017 07:54
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Nhiều thầy cô giáo đều trông mong, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm bãi bỏ Thông tư 30 về chuẩn đánh giá nghề nghiệp nhà giáo vì mang tính hình thức...

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua.

Đồng thời, thầy cũng phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhiều thầy cô giáo mong Bộ sớm bãi bỏ Thông tư 30 về chuẩn đánh giá nghề nghiệp nhà giáo vì tính hình thức khiến nhiều cán bộ và giáo viên bức xúc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, ngày 12/5 tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố giáo Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, khi trả lời câu hỏi về việc hàng năm giáo viên phải đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương, từ năm học tới sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua:

Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các cô thầy sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện. 

Rồi cấp Phòng, Sở, Bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo.

Cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề lên giáo viên”, Bộ trưởng Nhạ nói. 

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Lương, giáo viên môn Ngữ văn, một trường trung học cơ sở ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) cho rằng: 

Là giáo viên, tôi rất hoan nghênh, đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không lấy đăng ký sáng kiến làm tiêu chí thi đua, bởi vì chúng tôi quá chán ngán, mỏi mệt với thứ đó rồi. 

Nó giả giả, hình thức, đối phó thế nào ấy, lại gây ra nhiều lãng phí, tốn kém về thời gian, bạc tiền cho người làm, nhà trường, kinh phí nhà nước. 

Muốn đánh giá, khen thưởng cán bộ, giáo viên cứ căn cứ vào năng lực, kết quả làm việc, dạy học thực tế của họ tại các nhà trường là đủ cơ sở để kết luận..” 

Họp hành, báo cáo nhiều khiến các thầy cô giáo mệt mỏi. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Họp hành, báo cáo nhiều khiến các thầy cô giáo mệt mỏi. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thực hiện 8 năm nay cũng là Thông tư rườm rà, thừa thãi, chồng chéo, đáng ghét nhất đối với cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay. 

Thầy Võ Thiếu Anh, Phó Hiệu trưởng, Trường Trung học cơ sở Đắc Hà, tỉnh Kon Tum băn khoăn: 

Vào cuối năm, Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên ở mọi nơi phải đánh vật, khổ sở với vô số báo cáo, biểu mẫu, nguồn minh chứng liên quan đến Thông tư 30 mà chẳng được cái ích sự gì, làm xong cất vào tủ để đó, chỉ để đối phó với thanh tra khi có yêu cầu. 

Ngoài ra, nhà trường, cán bộ, giáo viên, còn phải đánh giá, phân loại theo Nghị định 56-CP/2015 của Chính phủ, vì cán bộ, giáo viên đều thuộc diện công chức, viên chức sự nghiệp. 

Công chức, viên chức ở các lĩnh vực, ngành nghề khác kể cả cán bộ, y bác sỹ ngành y có tính đặc thù gần giống như giáo dục), hằng năm, cũng chỉ có 1 loại văn bản đánh giá, phân loại. 

Tại sao, cán bộ, giáo viên phải bị chi phối, đánh giá đến 2 loại văn bản khác nhau như thế? 

Có Sở Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu, quy định, các cơ sở giáo dục đánh giá 2 loại văn bản trên ở 2 thời điểm khác nhau, Nghị định 56 thì vào cuối năm, Thông tư 30 thì vào cuối năm học. 

Các thầy cô giáo đã nghèo, đã khổ quá rồi, sao lại còn bị cấp trên “hành hạ” nhiều đến vậy?” 

Cán bộ, giáo viên rất chán ghét báo cáo, họp hành nhiều ảnh 2

Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ

Khi được hỏi, nhiều thầy cô giáo đều trông mong, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm bãi bỏ Thông tư 30 về chuẩn đánh giá nghề nghiệp nhà giáo, do nó hình thức, tệ hại hơn cả sáng kiến kinh nghiệm. 

Họp hành triền miên, báo cáo quá nhiều đang là vấn nạn khiến cán bộ quản lý giáo dục búc xúc, không có thời gian để chỉ đạo, kiểm tra hoạt động giáo dục tại nhà trường. 

Thầy Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) than thở: 

Hồi trước đây báo cáo đâu có mấy, mà sao bây giờ nhiều quá trời, hết báo cáo cho huyện, cho Sở Giáo dục, rồi lại đến báo cáo bên Đảng… cứ vây bủa suốt ngày. 

Có những văn bản, báo cáo ít, thậm chí không liên quan đến hoạt động của nhà trường, trung tâm mà chúng tôi vẫn phải đọc và báo cáo. 

Họp hành đủ thứ, tuần nào cũng phải đi, tôi cảm thấy mỏi mệt, chán nản vô cùng. 

Cải cách hành chính, giảm bớt giấy tờ, văn bản, báo cáo, hội họp được Chính phủ ban hành thành Chỉ thị từ năm 2006 nhưng không thấy tiến triển gì mấy, càng về sau càng bày vẽ ra nhiều hơn. 

Chất lượng giáo dục đi lên cùng với nhiều báo cáo, giấy tờ, họp hành thì cũng nên, đằng này hoàn toàn ngược lại…”  

Bãi bỏ áng kiến kinh nghiệm, Thông tư 30, giảm bớt báo cáo, họp hành là những trông mong chính đáng của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo các nhà trường phổ thông hiện nay. 

Hy vọng các cấp quản lý, lãnh đạo ở trên sớm nhận ra và có quyết định đúng đắn, kịp thời.

Đỗ Tấn Ngọc