Hơn 1.400 tỷ đồng nợ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ... mất trắng?

09/05/2017 07:00
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết số nợ này không có khả năng thu hồi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm xã hội là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, có thể gọi là trốn đóng Bảo hiểm xã hội.

Về nợ đóng Bảo hiểm xã hội, tính đến cuối năm 2015 số nợ gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu.

Đến cuối năm 2016 số nợ Bảo hiểm xã hội có giảm khoảng 7.500 tỷ đồng bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý I/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.

Tình hình nợ đọng Bảo hiểm xã hội tương đối phức tạp, số nợ hàng năm có giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng. Và theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì 1.400 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội có nguy cơ “mất trắng” do doanh nghiệp quá khó khăn hoặc đã phá sản.

Trước tình hình này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, tình trạng nợ đóng Bảo hiểm xã hội tăng lên cho thấy tính cấp bách của nó càng ngày càng phức tạp.

Năm 2016 nợ đóng có xu hướng giảm đi, đầu năm 2017 tăng lên 14.000 tỷ đồng với gần 5% tổng số phải thu Bảo hiểm xã hội.

Đây là một vấn đề mà chúng ta phải tăng cường giải pháp thu nợ nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho quỹ Bảo hiểm xã hội trong tương lai và quỹ này nếu thu được vào quỹ Bảo hiểm xã hội tập trung thì không chỉ là bảo toàn được quỹ, tăng được quỹ mà chúng ta mang đi đầu tư tăng trưởng.

Tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội kéo dài, số nợ quá lớn, buộc phải đặt ra vấn đề khởi kiện các doanh nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. ảnh: chinhphu.vn
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. ảnh: chinhphu.vn

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng nêu ra một khó khăn thực tế: “Luật quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện với sự ủy quyền của tất cả người lao động, nhưng vì công đoàn cơ sở lại ở ngay trong lòng doanh nghiệp và ăn lương của doanh nghiệp nên không có chuyện chủ tịch công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện chính giám đốc doanh nghiệp.

Bản thân người lao động cũng không muốn khởi kiện ông chủ người ta. Vấn đề là chúng ta phải có cơ chế khởi kiện để không liên quan đến chủ tịch công đoàn cơ sở.

Hơn 1.400 tỷ đồng nợ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ... mất trắng? ảnh 2

Quá nhiều doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì công đoàn cấp trên cơ sở được quyền can thiệp hỗ trợ và tư vấn cho công đoàn cơ sở hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Như vậy, họ hoàn toàn có thể đứng ra khởi kiện thay cho tổ chức công đoàn cơ sở đó mà không trái với các quy định của pháp luật.

Theo tôi còn số nợ đọng Bảo hiểm xã hội lên đến 14.000 tỷ như hiện nay là rất đáng báo động”.

Cùng chung quan điểm, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, theo quy định của pháp luật thì công đoàn cơ sở hoàn toàn có thể được khởi kiện khi có sự ủy quyền của người lao động nhưng thực tiến thì chủ tịch công doàn cơ sở rất khó làm việc này.

Ông Chính cho biết thêm: “Vấn đề thứ hai là ủy quyền cũng không phải đơn giản. Hiện nay theo quy định thì người lao động muốn ủy quyền thì phải từng người một cùng với chủ tịch công đoàn ra Ủy ban nhân dân xã phường hoặc phòng công chứng làm giấy ủy quyền với lệ phí 130.000 đồng/người.

Như vậy đối với các doanh nghiệp có hàng ngàn lao động thì việc này hết sức phức tạp. Và khi có ủy quyền rồi thì vì đây không phải là tranh chấp tập thể mà là tranh chấp cá nhân nên tòa án phải thụ lý cho từng vụ một.

Đây là điều bất khả thi, thực tế tôi đã từng tham gia khởi kiện cho 29 lao động một doanh nghiệp thôi mà phải mất 3 năm. Ngay vừa rồi thôi một công đoàn ở huyện Củ Chi khởi kiện doanh nghiệp để đòi được 4 tỷ đồng cũng phải mất hơn 4 năm trời do quy trình ủy quyền ra tòa án rất nhiêu khê”.

Nêu giải pháp khắc phục thực trạng này, ông Mai Đức Chính cho biết: “Theo tôi thì phải sửa Luật Bảo hiểm và quy định rõ công đoàn cấp trên cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quyền khởi kiện mà không cần thiết phải có sự ủy quyền của người lao động.

Chỉ khi nào có sự tranh chấp cá nhân giữa lao động với chủ doanh nghiệp hay cơ quan bảo hiểm thì có thể ủy quyền cá nhân nhưng trường hợp đó không nhiều”.

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam. ảnh: chinhphu.vn
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam. ảnh: chinhphu.vn

Chờ xử lý khoản nợ do doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn...

Ông Mai Đức Chính cho biết, để thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành hướng dẫn về quy trình khởi kiện các đơn vị trốn đóng Bảo hiểm xã hội và cũng đã tổ chức phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập huấn 3 khu vực cho cán bộ công đoàn.

Tiếp nữa, đã ký kết một chương trình liên tịch giữa Bảo hiểm xã hội với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về chia sẻ thông tin cũng như cung cấp hồ sơ, ký kết chương trình phối hợp với Tòa án tối cao hỗ trợ cho công tác khởi kiện.

Tính đến hết tháng 1/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển cho các cấp 1.177 hồ sơ , các liên đoàn lao động các địa phương tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ và đến hết giữa tháng 2/2017 đã có 11 liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội.

“Do chúng tôi khởi kiện nên nhiều doanh nghiệp đã tự mang tiền đến nộp cơ quan Bảo hiểm xã hội. Việc khởi kiện đã đạt được thì chúng tôi rút hồ sơ”, ông Chính cho hay.

Khởi kiện được kỳ vọng là công cụ để thu hồi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên trên thực tế công tác này công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả và mang lợi kết quả như kỳ vọng.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, công đoàn có chức năng khởi kiện nợ đóng Bảo hiểm xã hội cho tổ chức công đoàn, lúc đó chúng ta nghĩ rằng công đoàn đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên đây là sự không đồng bộ giữa hệ thống pháp luật.

Nếu Điều 7 của Luật Bảo hiểm xã hội giao cho Công đoàn được quyền khởi kiện các vụ án về Bảo hiểm xã hội, thì trong Bộ luật tố tụng dân sự chúng ta cũng phải quy định được khởi kiện.

“Vì pháp luật của chúng ta không đồng bộ dẫn đến tình trạng hiện nay pháp luật có quy định nhưng không thực thi được. Tôi cho rằng chúng ta phải xử lý bằng biện pháp khác.

Việc chức năng thanh tra, có một phần quản lý nhà nước, thanh tra giao cho Bảo hiểm xã hội thì Bảo hiểm xã hội phải tận dụng công cụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sắp tới Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự thì điều 264 và điều 265 sẽ cho phép chúng ta xử lý hình sự các tội chiếm dụng và tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội.

Các giải pháp của chúng ta ngoài việc xử phạt, truy thu thì chúng ta cũng phải có hình thức xử phạt bổ sung chắc hiệu quả sẽ tốt hơn”.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hơn 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng do một bộ phận doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng hoặc đã phá sản.

Đây là vấn đề cần phải đặt ra để tìm biện pháp thích hợp giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Chúng tôi đã xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động, xin kiến nghị với Chính phủ phương án giải quyết.

Số nợ đọng này có giữ lại thì chỉ làm cho tỷ lệ nợ đọng của chúng ta cao lên mà không có khả năng thu hồi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Nếu không xử lý vấn đề này, hàng trăm nghìn người lao động của chúng ta không được xử lý quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Xuất phát từ tình hình đó, khi làm Luật Bảo hiểm xã hội, khoản 7 điều 10, chúng tôi đã ghi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ các trường hợp tồn đọng như thế này, với mục tiêu giải quyết quyền lợi cho người lao động”.

Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện Bảo hiểm xã hội được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc.

Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016, Luật Tố tụng dân sự thì ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực.

Tiếp theo đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ Quốc hội cho ý kiến.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu quy định từ 1/6 là có hiệu lực, trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực sau, Bộ luật Hình sự có hiệu lực nhưng dừng lại, hiện bây giờ đang chờ Quốc hội thông qua.

Điều mà chúng ta mong muốn tháo gỡ là Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ để cho Công đoàn và Bảo hiểm xã hội đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao giải pháp trước mắt để xử lý. Bởi khi chưa quy định giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam được khởi kiện ra tòa thì kết quả khởi kiện rất tốt và khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chuyển sang hồ sơ thì nhiều doanh nghiệp đã mang tiền đến nộp, hiệu quả của vấn đề khởi kiện rất tốt, cho nên chúng ta mong muốn phải có một cơ quan đứng ra khởi kiện.

Công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện hợp pháp cho quyền lợi của người lao động thì rõ ràng tổ chức công đoàn có thể đứng ra khởi kiện được và tòa án cũng muốn khi khởi kiện phải được ủy quyền của người lao động.

Như vậy nếu chúng ta chờ ủy quyền của tất cả mấy ngàn người lao động thì rất mất thời gian. Nếu muốn tăng khoảng trống đó thì chúng ta nên giao cho công đoàn chức năng không phải công đoàn cơ sở nơi bị trốn đóng Bảo hiểm xã hội mà giao cho công đoàn cấp trên cơ sở. Một là chúng ta phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội, hai là cho một cơ chế nào đó.

Diệu Linh