BOT Bắc Giang – Lạng Sơn: Chính phủ cần chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư mới

25/05/2017 06:29
Mai Anh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, Chính phủ cần rà soát lại dự án BOT giao thông Bắc Giang – Lạng Sơn và yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư mới đủ năng lực tài chính.

Thông báo số 176/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định: “Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hợp đồng với nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Có biện pháp thúc đẩy triển khai dự án, trường hợp cần thiết thì thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định (cần xem xét chế tài phạt do nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng)”.

Tuy nhiên thay vì thực hiện kết luận của Thủ tướng về việc xem xét xử lý vi phạm của nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Trương Quang Nghĩa lại cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn được động thổ từ tháng 7/2015 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có đủ vốn thực hiện dự án. Ảnh nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn được động thổ từ tháng 7/2015 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có đủ vốn thực hiện dự án. Ảnh nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải.

Rủi ro lớn cho dự án

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế cho rằng, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các bộ phải xem xét hợp đồng với nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, theo tôi hiểu  có nghĩa đánh giá khả năng thực hiện dự án của nhà đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu xem xét chế tài phạt do nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng, trong trường hợp cần thiết thực hiện chấm dứt hợp đồng.

“Như vậy rõ ràng Thủ tướng nêu và chỉ đạo rất rõ ràng đối với dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với các bộ, ngành khác để xem xét thực hiện”, Tiến sĩ Bùi Trinh nêu quan điểm.

Thông báo số 176/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xem xét hợp đồng với nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - ảnh chụp màn hình
Thông báo số 176/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xem xét hợp đồng với nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, trái ngược với kết luận của Thủ tướng, chủ trì cuộc họp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan về tình hình tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lại đưa ra quan điểm khác.

Theo thông tin trên Báo Giao thông vận tải tại cuộc họp này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là dự án rất quan trọng, ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường kết nối với nước bạn Trung Quốc, đây cũng là dự án được các địa phương rất mong đợi. 

BOT Bắc Giang – Lạng Sơn: Chính phủ cần chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư mới  ảnh 3

Vin lý do tiến độ, Bộ Giao thông vận tải vẫn dùng doanh nghiệp BOT năng lực kém

Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án rất chậm, không đảm bảo yêu cầu gây nhiều bức xúc trong dư luận, cũng như ảnh hưởng tới lòng tin của các địa phương nơi dự án đi qua.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của sự chậm trễ là do uy tín và năng lực của nhà đầu tư rất hạn chế, chưa thu xếp được nguồn vốn thực hiện dự án.

Theo Bộ trưởng Nghĩa, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản đôn đốc, xử lý vi phạm hợp đồng, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục được.

Do vậy, việc chấm dứt hợp đồng dự án là có cơ sở để giữ niềm tin cho các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và uy tín của Bộ Giao thông vận tải. 

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu thi công khi đã ứng vốn trước để thực hiện dự án…

Bình luận quan điểm này của “tư lệnh” ngành Giao thông vận tải, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, như thông tin đăng tải thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định việc chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn là có cơ sở.

Việc chấm dứt hợp đồng còn giúp giữ niềm tin cho nhà đầu tư và uy tín của Bộ Giao thông vận tải.

"Như vậy rõ ràng Bộ trưởng biết việc chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư hiện nay là đúng, vậy tại sao không làm?

Việc người đứng đầu ngành Giao thông vận tải lo ngại việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án không hợp lý.

Nên nhớ đến thời điểm này dường như nhà đầu tư vẫn chưa đủ vốn chủ sở hữu theo quy định. Khi doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính thì dù chấm dứt hợp đồng hay không dự án vẫn khó kịp tiến độ”, Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định.

Một đoạn quốc lộ qua Thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) - Ảnh: Hữu Tuấn/ Báo Giao thông vận tải
Một đoạn quốc lộ qua Thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) - Ảnh: Hữu Tuấn/ Báo Giao thông vận tải

Thông tin từ Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã vi phạm 3 lỗi trong quá trình thực hiện các quy định hợp đồng BOT gồm: Bảo lãnh hợp đồng, nguồn vốn chủ sở hữu và hợp đồng tín dụng của dự án.

Theo quy định hợp đồng BOT giữa Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và Bộ Giao thông vận tải ký ngày 25/11/2016, nhà đầu tư phải cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức bảo lãnh của ngân hàng với số tiền hơn 121,8 tỷ đồng trước ngày 8/12/2016;

Huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu (khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) sau 30 ngày và ký hợp đồng tín dụng (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng) sau 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng BOT.

BOT Bắc Giang – Lạng Sơn: Chính phủ cần chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư mới  ảnh 5

Nhà đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn "bị trảm" vì thiếu vốn

Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án, chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu với số tiền còn thiếu khoảng hơn 700 tỷ đồng và chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án.

Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định, doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính nhưng vẫn được giao thực hiện dự án BOT giao thông có thể dẫn đến rủi ro như: Kéo dài thời gian triển khai dự án, tăng vốn đầu tư.

Khi tăng vốn đầu tư sẽ tác động đến mức phí, thời gian thu phí hoàn vốn sau này và điều này ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế ở các chu kỳ sản xuất tiếp theo do phí lưu thông tăng lên.

Chính phủ cần rà soát lại dự án

Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa thực hiện dự án giao thông phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước là chủ trương đúng của Chính phủ. Tuy nhiên cần làm rõ khái niệm về nguồn vốn xã hội hóa.

“Nguồn vốn xã hội hóa tôi hiểu là huy động từ nguồn tiền của doanh nghiệp. Thay vì doanh nghiệp đưa nguồn tiền đó vào dự trữ trong tổ chức tín dụng hưởng lãi suất thì doanh nghiệp mang vốn đó đầu tư hạ tầng giao thông và được hưởng lợi nhuận từ việc thu phí hoàn vốn. 

Do ý niệm về vốn xã hội hóa đôi khi được hiểu rất mập mờ nên nhiều nơi việc tổ chức lễ hội, xây cổng chào… nói là từ nguồn vốn xã hội hóa nhưng thực chất “yêu cầu” doanh nghiệp đóng góp”, ông Trinh nói. 

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh - ảnh Báo Hải quan.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh - ảnh Báo Hải quan.

Bản chất kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong doanh nghiệp là như vậy nhưng ông Bùi Trinh cho rằng, thực hiện BOT giao thông hiện nay lại chủ yếu vay vốn ngân hàng với lãi suất thương mại cao.

Lãi suất cao ấy khiến tổng mức đầu tư dự án tăng lên ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí, thời gian thu phí. Gánh nặng phí này người dân và doanh nghiệp phải chịu.

“Làm BOT giao thông dựa vào đến 85-90% vốn vay ngân hàng như hiện nay thì Nhà nước đứng ra làm và quản lý có khi tốt hơn, ít nhất Nhà nước có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn”, ông Trinh cho biết.

Trở lại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, ông Bùi Trinh cho rằng Chính phủ cần vào cuộc làm rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư. Làm rõ nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp vi phạm không có đủ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong trường hợp doanh nghiệp cam kết có đủ vốn chủ sở hữu, có hợp đồng tín dụng của ngân hàng cho vay làm dự án cần phải quy định thời gian. 

Ví dụ trong 1 tháng nếu nhà đầu tư không chứng minh được vốn chủ sở hữu, không có được hợp đồng tín dụng của ngân hàng cho vay làm dự án dứt khoát phải chấm dứt hợp đồng và tổ chức mời thầu công khai để đấu thầu chọn nhà đầu tư mới.

Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ vốn chủ sở hữu cố tình dây dưa kéo dài cần dứt khoát chấm dứt hợp đồng và xử phạt vì vi phạm điều khoản hợp đồng.

“Việc triển khai dự án BOT giao thông cần thiết nhưng không thể vì lo ngại tiến độ mà tiếp tục tin vào nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính”, ông Trinh khẳng định.

Góp ý về kêu gọi đầu tư BOT giao thông, ông Bùi Trinh cho rằng khâu lựa chọn nhà đầu tư, tính toán thẩm định dự án quan trọng nhất.

Khi việc tính toán tổng mức đầu tư sơ bộ dự án chặt chẽ ngay từ đầu sẽ giảm chênh lệch từ tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu với mức đầu tư khi quyết toán qua đó giảm mức phí, thời gian thu phí cho người dân.

Cùng với đó phải lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm thi công, có tiềm lực tài chính. Muốn chọn được nhà đầu tư như vậy phải tổ chức đấu thầu công khai, nguyên tắc đấu thầu là doanh nghiệp nào có năng lực tài chính, năng lực quản lý và thi công, có mức đầu tư thấp mà chất lượng công trình cao, mức thu phí và thời gian thu phí thấp sẽ được lựa chọn.

Mai Anh