Cha mất sớm, chị hy sinh nhường giảng đường cho em

28/05/2017 06:36
Phan Tuyết
(GDVN) - Quyết định nghỉ học, Thúy Diễm đã khóc rất nhiều. Khóc vì em không thể có thêm sự lựa chọn nào khác khi tình thương dành cho hai đứa em mình quá lớn.

Thúy Diễm sinh ra trong một gia đình đông anh em và rất nghèo khổ tại thôn Hiệp Hòa, xã Tân Hải, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. 

Người cha mất sớm để lại đàn con nheo nhóc cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai người anh cả và mẹ già luôn đau yếu triền miên. 

Với mong mỏi con cái mình sẽ sớm thoát khỏi cảnh bần hàn nên chị em Thúy Diễm vẫn được mẹ cho tới trường học chữ.

Năm tháng qua đi, thời gian Thúy Diễm bước chân vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận cũng là lúc người anh trai trụ cột chính của gia đình bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não rất nặng. 

Gia đình em đã vét đến đồng xu cuối cùng, vay mượn thêm chòm xóm với mong muốn giành giật sự sống của anh với tử thần. 

Cơn nguy kịch qua đi, mạng sống của anh trai giữ được nhưng lại bị liệt nửa người và mất trí nhớ hoàn toàn.

Cha mất sớm, chị hy sinh nhường giảng đường cho em ảnh 1

Chuyện về cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao

Bi kịch vẫn chưa buông tha gia đình em.

Đôi mắt của mẹ vốn đã yếu, cộng với việc luôn đau buồn vì con nên mẹ em đã bị lòa hai mắt không thể đi làm được. 

Thời gian này, căn bệnh tim của mẹ lại tái phát khiến gia đình em rơi vào cơn bĩ cực khốn cùng. 

Dù thế, Diễm vẫn không nản chí, vẫn tiếp tục đến trường và thi đậu vào Khoa du lịch Trường Cao đẳng Cộng đồng.

Ngoài giờ lên lớp, Diễm lăn xả đi làm thêm hết nơi này đến nơi khác để tự lo cho bản thân mình tiếp tục việc học. 

Những bi kịch, những khó khăn ngặt nghèo như thế đã là quá đủ với gia đình em. Nhưng một lần nữa Thúy Diễm phải đối mặt với sự lựa chọn không kém phần nghiệt ngã của số phận. 

Đó là việc hai cô em gái Thúy Kiều và Thùy Trang cùng thi đậu vào khoa sư phạm Trường Đại học Sài Gòn. Nếu Thúy Diễm tiếp tục học, hai cô em phải nghỉ học vì các em không thể tự lo cho mình tiền sinh hoạt và tiền học phí. 

Hàng tháng trời, em đấu tranh tư tưởng chỉ với hai chữ “Học hay Nghỉ” và cuối cùng Diễm đã dũng cảm nói lời chia tay giảng đường nơi luôn là niềm mơ ước, nỗi khát khao trong em. 

Để có quyết định này, em cũng đã khóc rất nhiều, khóc vì cuộc đời nghiệt ngã luôn giáng bi kịch xuống gia đình em. Khóc vì em không thể có thêm sự lựa chọn nào khác khi tình thương dành cho hai đứa em mình quá lớn.

Thúy Diễm và hai em gái trong ngày tốt nghiệp của các em. (Ảnh tác giả cung cấp)
Thúy Diễm và hai em gái trong ngày tốt nghiệp của các em. (Ảnh tác giả cung cấp)

Chia tay giảng đường nơi em đã học gần một năm để vào Sài Gòn xin làm công nhân nuôi hai đứa em ăn học. Ba chị em thuê một căn nhà nhỏ ở gần Trường Đại học Sài Gòn để đỡ tiền đi lại. 

Ngày ngày, hai em lên giảng đường, chị vào nhà máy đến tối mịt mới về. Nhiều đêm, Diễm xin tăng ca để có thêm tiền thu nhập, bao giờ em về đến nhà cũng đã gần nửa đêm. 

Diễm kể “Ba chị em sống bằng đồng lương công nhân của con, còn phải dành trả tiền nhà, dồn tiền đóng học phí cho hai đứa nên phải thật tằn tiện mới đủ chi phí”. 

Dù vất vả là thế nhưng Diễm vẫn nhất quyết không cho hai em đi làm thêm bởi em nói:

Cha mất sớm, chị hy sinh nhường giảng đường cho em ảnh 3

Chàng trai 9X vừa học giỏi, vừa là tấm gương tiêu biểu của “việc tử tế”

Con đã khổ rồi, có khổ thêm chút nữa cũng chẳng sao. Để hai đứa đi làm thêm, sợ ham làm, chểnh mảng học hành không đủ kiến thức sau này khó xin việc”. 

Thế rồi, bốn năm đại học cũng qua nhanh. Ngày nhìn hai em cầm tấm bằng loại khá, cả ba chị em đều ôm nhau trào nước mắt. 

Hai cô bé giờ đã tự lo cho bản thân mình, Diễm nói “Giờ con muốn đi học lại để sau này kiếm được công ăn việc làm ổn định hơn nhưng nghĩ tới mẹ và anh ở quê lại không cầm lòng lo cho bản thân mình”.

Thế là ước mơ trở lại giảng đường của em một lần nữa như đóng sập trước mắt. Diễm buồn rầu tâm sự :

Chắc con đi học làm bánh để về quê đỡ đần cho mẹ và anh. Nghề nào cũng quý miễn mình sống cho thanh thản tâm hồn là được cô ạ”. 

Em quay đi lau vội dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt và nở nụ cười thật tươi như an ủi người đối diện.

Phan Tuyết