Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên?

06/06/2017 06:40
Kiên Trung
(GDVN) - Mấy năm nay, tỉ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi rất cao, khoảng 30-40%, có trường, địa phương đạt 50-60% (chưa tính các trường chuyên, lớp chọn).

LTS: Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng, bảng điểm của học sinh cũng ngày càng đẹp.

Tác giả Kiên Trung đưa ra lý do mà nhiều người thừa nhận rằng chính là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều học sinh giỏi với nhiều thành tích như hiện nay.

Theo đó, những "thành tích ảo" không chỉ dừng lại ở đánh giá học sinh mà ngay cả đánh giá giáo viên cũng không ngoại lệ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau một năm học thực hiện Thông tư 22 ở bậc tiểu học, số lượng học sinh được khen thưởng ngày càng nhiều hơn với danh hiệu:

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện, học sinh vượt trội về một mặt nào đó hoặc đạt giải trong các cuộc thi. 

Có nhiều lớp đạt tỉ lệ, số lượng 100% học sinh được khen thưởng. Phụ huynh và các em tiểu học rất phấn khích, vui mừng vì được vinh danh, nhận giấy khen và phần thưởng trong Lễ tổng kết năm học. 

Số học sinh lớp 5 có thành tích cao trong học tập và rèn luyện (trong 5 năm) đang làm khó các trường trung học cơ sở chuẩn bị tuyển sinh vào lớp 6 ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh khi chỉ tiêu được tuyển thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. 

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, thời trước đây, số lượng học sinh đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi cuối năm thường khoảng chỉ 10 đến 20% là cùng nhưng mấy năm nay, tỉ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi rất cao, khoảng 30-40%, có trường, địa phương đạt 50-60% (chưa tính các trường chuyên, lớp chọn). 

Thế mà trong giảng dạy, chủ nhiệm lớp, nhiều thầy cô giáo luôn miệng than trách học sinh bây giờ ham chơi, ít chăm học, thua xa thế hệ học trò ngày trước. 

Một nghịch lý, ai cũng biết nguyên nhân sâu xa của nó. 

Bốn năm nay, khi kết quả học tập năm lớp 12 tham gia vào xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển nhiều trường đại học, cao đẳng với tỉ lệ 50-50 thì điểm trung bình học bạ của học sinh lớp 12 cùng với các danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ở các địa phương ngày càng cao ngất ngưởng, 80-90% học sinh phổ điểm “đẹp” ở mức 7,0; 8,0; 9,0. 

Điểm trung bình trong thi trung học phổ thông quốc gia chỉ cần vài điểm là thừa sức “vượt vũ môn”. 

Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên? ảnh 2

Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?

Một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, mấy năm nay, điểm học bạ có xu hướng càng vượt xa so với điểm thi. 

Có một nghịch lý nảy sinh, lúc học thì toàn đạt điểm khá, giỏi, lúc thi thì lại quá nhiều điểm trung bình, điểm yếu kém. 

Vì thành tích, vì thương học sinh của trường, của địa phương mình nên hầu hết các nhà trường, thầy cô giáo không dại gì cho điểm thấp cả (điểm trong tay mình mà). 

Chính sự biến tướng, không thực chất, không công bằng trong đánh giá, xếp loại học lực học sinh lớp 12 của nhiều nhà trường hiện nay khiến có người từng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm bãi bỏ cộng điểm học bạ khi tham gia công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tham gia cộng điểm của học bạ ở mức độ, tỉ lệ thấp 20:80 để nhà trường, giáo viên bớt cái gọi là “vì mình” đi.  

Cuối năm học, nhiều em học sinh đạt điểm cao, thành tích tốt, được khen thưởng thì phụ huynh, học sinh nào mà không vui mừng, phấn khởi nếu nhà trường, thầy cô giáo đánh giá, dạy dỗ nghiêm túc, thực chất, không chạy theo thứ chỉ tiêu “ảo”. 

Còn vì bệnh thành tích, vì những “lợi ích” khác mà “thổi” nhiều em từ chỗ học bình thường thành học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, từ điểm số yếu, trung bình thành điểm số khá, giỏi thì đáng mừng hay đáng lo đây?

Hậu quả, hệ lụy của nó ai gánh?

Mỗi năm học đi qua, các thầy cô giáo phổ thông được cấp trên, nhà trường, đồng nghiệp đánh giá, chấm điểm cũng không ít lần. 

Nếu như thời trước đây thì nghiêm túc, chặt chẽ, rất ít có điểm giỏi, loại tốt nhưng mấy năm nay (giống như học sinh) các nhà trường, đồng nghiệp khá “mát tay”, “hào phóng” trong đánh giá, chấm điểm, phân loại anh, chị, em, đồng nghiệp của mình. 

Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên? ảnh 3

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu

Kết quả kiểm tra hồ sơ, giáo án ở tổ, ở hội đồng toàn loại tốt với những nhận xét đẹp có cánh. 

Trong sổ dự giờ của giáo viên, hiếm gặp loại khá, loại trung bình, đều đạt điểm tối đa. 

Cuối năm, tổ chức kiểm tra đánh giá các chuyên đề, mô-đun bồi dưỡng thường xuyên theo đề của tổ chuyên môn, của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, có câu giáo viên làm lạc đề, trình bày sơ sài, khác xa đáp án nhưng cuối cùng các nhóm, tổ, cả trường khi gửi bảng điểm lên Ban giám hiệu, lên cấp trên cũng bát ngát điểm giỏi (8,9,10). 

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo (theo Thông tư 30/2009) và Phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (theo Nghị định 56-NĐ CP/2015) với 4 mức (Xuất sắc, khá, trung bình, kém - Xuất sắc, tốt, hoàn thành, không hoàn thành nhiệm vụ), có mấy ai ở trường, tổ chuyên môn "dính" mức trung bình, kém hoặc hoàn thành, không hoàn thành nhiệm vụ (may ra, có một số thầy cô giáo muốn nghỉ hưu trước tuổi). 

Số lượng, tỉ lệ các danh hiệu, hình thức thi đua, khen thưởng cuối năm học của cấp trên bây giờ thường khống chế các nhà trường ở mức 15% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên từng đơn vị.

Nếu không có khống chế này, để các đơn vị tha hồ đăng ký, báo cáo gửi lên thì quỹ khen thưởng của nhà nước sớm bị thâm, thủng từ lâu rồi.  

Tìm ra giáo viên có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản biên chế ở nhà trường phổ thông hiện nay vô cùng khó khăn. 

Nể nang, dễ dãi, tình đồng nghiệp sâu đậm sau bao nhiêu năm công tác cùng bệnh thành tích đã thấm vào máu thịt… là những căn nguyên khiến nhà trường, giáo viên rất khó đánh giá, chấm điểm, phân loại đồng nghiệp của mình một cách khách quan, trung thực nhất.  

Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở giáo viên, ngành giáo dục?

Kiên Trung