Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Làm giáo dục thì không được thử-sai hay thất bại

02/06/2017 06:51
Trinh Phúc (thực hiện)
(GDVN) - "Việc củng cố, nâng cao năng lực dạy học chương trình mới cho gần 900.000 giáo viên phổ thông hiện nay thực sự là một bài toán khó".

LTS: Mới đây, thông tin cho biết, thời gian đưa sách giáo khóa mới vào giảng dạy thí điểm ở các lớp học đầu cấp có thể lùi 1 năm so với kế hoạch.

Điều này, chứng tỏ đang còn nhiều thử thách lớn chờ đợi những người tham gia xây dựng chương trình phổ thông mới phía trước.

Bên lề nghi trường Quốc hội, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng xoay quanh đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này.

Qua trao đổi, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đã chỉ ra nhiều thử thách lớn mà ban soạn thảo chương trình phổ thông mới buộc phải tính toán và vượt qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh quochoi.vn)

Liên quan đến chương trình phổ thông mới, theo bà đâu là những thách thức lớn để hoàn thành chương trình phổ thông mới hiện nay, Bà có thể phân tích rõ hơn về những vấn đề đó được không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện đang trong thời gian tiếp thu, chỉnh sửa sau khi Bộ GD&ĐT tiến hành bước lấy ý kiến rộng rãi. Cũng như đối với bất cứ một sự đổi mới nào, thách thức đặt ra trong quá trình hoàn thành Chương trình là điều không tránh khỏi.

Thách thức thứ nhất là áp lực từ sự kỳ vọng của xã hội đối với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong thời điểm này.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà nền kinh tế đòi hỏi sự cạnh tranh bằng tri thức, bằng ý tưởng, bằng tư duy, bằng tốc độ; chương trình giáo dục cũ chắc chắn khó đáp ứng được, và đổi mới là một yêu cầu tất yếu.

Nhưng tại sao phải đổi mới, đổi mới ra sao, đổi mới bằng cách nào, mức độ đổi mới đến đâu, có khắc phục được những hạn chế của chương trình hiện hành không… là vô số những vấn đề đặt ra, cần có lời giải.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Làm giáo dục thì không được thử-sai hay thất bại ảnh 2

“Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại gấp đến vậy!”

Mặt khác, trong đổi mới, việc thành hay bại là điều có thể xảy ra nhưng đối với giáo dục thì không được phép thử - sai, thất bại, vì giáo dục tác động tới con người- nguồn nhân lực của hiện tại và tương lai.

Nếu đổi mới sai thì hậu quả để lại kéo dài hàng thập kỷ, và cái giá phải trả không nhỏ.

Đây là lý do vì sao dư luận dành sự quan tâm lớn cho vấn đề này với nhiều ý kiến, bình luận khác nhau, thậm chí trái chiều nhau nhưng cùng chung mục tiêu là mong muốn có một chương trình giáo dục mới chất lượng, phù hợp.

Thực tiễn ấy đòi hỏi những người làm chương trình phải bản lĩnh, khoa học; nhưng cũng cần có độ mở trong quan điểm để lắng nghe, tiếp thu ý kiến để có một chương trình giáo dục tốt nhất.

Thách thức thứ hai là các điều kiện bảo đảm để chương trình giáo dục phổ thông thành công. Đó là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

 Về đội ngũ nhà giáo, đành rằng, hiện nay các trường sư phạm đã đào tạo đội ngũ giáo viên phù hợp với chương trình mới.

Tuy nhiên, rất khó để khẳng định rằng chương trình đào tạo ở các trường sư phạm đã hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới một khi chương trình cho đến nay vẫn đang trong thời gian tiếp thu, chỉnh sửa.

Và cũng không dễ để bảo đảm rằng số sinh viên sư phạm ra trường trong vài ba năm tới sẽ gia nhập ngay vào đội ngũ các nhà giáo (dù đây cũng chỉ là một con số rất nhỏ so với gần 900.000 giáo viên phổ thông hiện nay).

Và ai sẽ chịu trách nhiệm về số giáo viên hiện tại bị dôi dư do không đủ điều kiện giảng dạy chương trình mới.

Về điều kiện cơ sở vật chất thì ở nhiều nơi hiện nay chưa thể đáp ứng được chương trình mới và điều này phụ thuộc vào ngân sách từng địa phương.

Trong thời gian hơn một năm nữa, các địa phương rất khó có khả năng tập trung ngân sách để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nhất là ở những tỉnh chưa tự cân đối ngân sách như vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Còn một thách thức rất lớn nữa chính là sức ép về tiến độ triển khai thực hiện chương trình. Nhiều chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cũng đề cập tơí vấn đề này.

 Hiện nay, nhiều chuyên gia lo lắng chương trình phổ thông mới không đạt tiến độ như kế hoạch và cũng sợ rằng, nếu vì tiến độ thì chất lượng không đảm bảo, quan điểm của bà như thế nào về ý kiến trên?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Băn khoăn này không phải là không có cơ sở. Việc thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng là hết sức lý tưởng, không có điều gì cần bàn.

Tuy nhiên trong thực tiễn, giữa tiến độ và chất lượng thường tạo ra mâu thuẫn: Đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch thì có thể ảnh hưởng chất lượng và ngược lại, nếu muốn bảo đảm chất lượng thì có thể chậm tiến độ.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, các bước triển khai ở giai đoạn trước đã bị chậm.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Làm giáo dục thì không được thử-sai hay thất bại ảnh 3Tháng 10 sẽ báo cáo Quốc hội có lùi chương trình sách giáo khoa hay không?

Do đó, nếu tính theo kế hoạch, thời gian còn lại chỉ là 15 tháng với một loạt các bước: chỉnh sửa và thông qua chương trình tổng thể, chương trình bộ môn; biên soạn, thẩm định, thử nghiệm sách giáo khoa; xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn giáo viên; bổ sung điều kiện cơ sở vật chất…

Theo thông tin từ Tổng chủ biên Chương trình thì việc triển khai sẽ theo phương thức cuốn chiếu và đang gấp rút thực hiện đồng bộ các bước để đáp ứng đúng tiến độ.

Vấn đề đặt ra ở đây là có thể về mặt chủ quan, các công đoạn thông qua chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên có thể sẽ được triển khai đúng tiến độ nhưng chất lượng sản phẩm như thế nào, kết quả thu được so với yêu cầu là bao nhiêu … thì rất khó tìm được câu trả lời chính xác.

Mặt khác, kết quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông không chỉ căn cứ vào quyết tâm của Bộ Giáo dục – Đào tạo và sự nỗ lực của Ban soạn thảo mà còn phụ thuộc vào năng lực, tinh thần, điều kiện làm việc của đội ngũ nhà giáo cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng địa phương.

Và để có được sự đồng bộ ấy nhằm bảo đảm được chất lượng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình thích hợp.

 Để đảm bảo chất lượng chương trình phổ thông mới, bà có đồng ý  cần thiết phải lùi kế hoạch áp dụng chương trình mới vào giảng dạy trong năm học 2018 – 2019 hay không? Vì sao?

-  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Được biết, để thực hiện quyết tâm triển khai đúng tiến độ kế hoạch của Bộ Giaos dục & Đào tạo, Ban soạn thảo chương trình đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các bước với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, tâm huyết nhất. Đây là điều đáng trân trọng.

Tuy nhiên, giữa 2 yếu tố tiến độ và chất lượng, theo tôi, cần lựa chọn chất lượng, không vì chạy theo tiến độ mà ảnh hưởng tới chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Làm giáo dục thì không được thử-sai hay thất bại ảnh 4Chương trình phổ thông mới: Cần thiết là chất lượng không phải là thời gian

Tính đến thời điểm này, tiến độ đã chậm. Lùi thêm một thời gian nữa để bảo đảm chất lượng là điều nên tính đến trong bối cảnh này.

Lùi để tiếp thu ý kiến góp ý và hoàn thiện chương trình một cách đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn để có thời gian soạn thảo, thẩm định sách giáo khoa kỹ hơn, để triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên được chu đáo hơn và để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về đổi mới chương trình.

Còn lùi thời hạn bao nhiêu, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo cần có tính toán kỹ lưỡng.

Xung quanh vấn đề này, bà có đóng góp hay có kiến nghị gì nữa không để chương trình phổ thông mới đảm bảo được chất lượng?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Cốt lõi của một cuộc đổi mới là phải tìm đường đi, định hướng cách đi. Để đến một cái đích nào đó, sẽ có nhiều con đường, nhiều cách tiếp cận.

Vấn đề là nên chọn đi con đường nào, cách đi nào phù hợp với điều kiện của mình, thực lực của mình nhưng đồng thời cũng phải đặt trong tương quan chung để còn hội nhập.

Điều đáng mừng là Chương trình lần này đã có cách tiếp cận với xu hướng chung của thế giới khá rõ nét, hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh với triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp và bảo đảm tính dân chủ.

Cần có giải pháp sớm để thực hiện ngay nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Đó cũng là bài học từ lần đổi mới chương trình trước để lại cho lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này.Trách nhiệm này thuộc về ngành giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Làm giáo dục thì không được thử-sai hay thất bại ảnh 5Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Đây là ý kiến của các thầy cô giáo phổ thông

Tuy nhiên, việc củng cố, nâng cao năng lực dạy học chương trình mới cho gần 900.000 giáo viên phổ thông hiện nay thực sự là một bài toán khó, vì cùng một lúc không thể nào bồi dưỡng được.

Theo tôi, trước hết, cần sàng lọc, phân hóa giáo viên thành nhiều nhóm khác nhau để bồi dưỡng, tập huấn theo một lộ trình hợp lý.

Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các Sở Giáo dục và Đạo tạo với các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm để triển khai, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên theo nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục, dạy mới.

Vừa bồi dưỡng, tập huấn vừa đúc kết, rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo.

Mặt khác, điểm mới của Dự thảo Chương trình lần này là không quy định thứ tự tuần học cho từng môn mà chỉ quy định số tiết mỗi môn cần đạt trong năm; Chương trình mới cũng không đóng khung trong một bộ sách giáo khoa mà áp dụng chủ trương “Một chương trình nhiều bộ sách”.

Như vậy, việc sắp xếp thời gian học cho các môn và lựa chọn bộ sách giao khoa giảng dạy thuộc quyền quyết định của mỗi trường, hoàn toàn khác với trước đây, chương trình và sách giáo khoa là văn bản có giá trị pháp lý, các trường chỉ việc tuân thủ, triển khai thực hiện.

Tất nhiên, kèm theo quyền này, đòi hỏi mỗi trường phổ thông phải phát huy năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đội ngũ cán bộ quản lý các trường cũng như mỗi nhà giáo cũng phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu mới.

Đây cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng đổi mới chương trình sắp tới.

Muốn chương trình thành công, cần lắng nghe, thanh lọc, tiếp thu những ý kiến đóng góp hết sức trách nhiệm, tâm huyết từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà giáo, kể cả những ý kiến trái chiều.

Cần tạo được sự đồng thuận trong xã hội, bắt đầu bằng sự đồng thuận ngay trong đội ngũ những người trực tiếp chịu tác động của chương trình mới là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

Cần có sự đồng bộ trong công tác chuẩn bị, bảo đảm một chương trình tốt, những bộ sách giáo khoa chất lượng; đội ngũ nhà giáo tâm huyết, giỏi về chuyên môn và kỹ năng; sự hoàn thiện dần về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đó là những điều cần thiết để đi tới thành công.

Xin cảm ơn bà!

Trinh Phúc (thực hiện)