“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp sự cao quý của nghề giáo

06/06/2017 07:00
Mai Thảo (ghi)
(GDVN) - Nghề giáo viên tuy nghèo nhưng lòng tự tôn mang tên “nghề giáo” vô cùng thiêng liêng, cao cả nên giáo viên không cần đến sự thương hại.

Vừa qua, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT nêu quan điểm nhất định phải tăng lương cho giáo viên để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhất là khi chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Giải pháp giải cứu ôngTùng đưa ra là mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100 nghìn đồng/tháng vào Quỹ, tạm gọi là Quỹ Giải cứu Giáo viên tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên.

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất “giải cứu giáo viên”, thầy H. (hiện đang giảng dạy tại Hà Nội) cho hay: “Trước hết, tôi rất cảm ơn Tiến sĩ Lê Trường Tùng vì sự quan tâm của vị với giáo viên chúng tôi.

Ai cũng biết nghề giáo nhiều người còn vất vả đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa,....trong khi thu nhập lại thấp.

Tuy nhiên, giải pháp đưa ra là “mỗi học sinh nộp 100 nghìn đồng/tháng để giải cứu giáo viên thì tôi không đồng tình”.  

“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp đi sự cao quý của nghề giáo (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)
“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp đi sự cao quý của nghề giáo (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)

Thầy H. lý giải, đối với các bậc phụ huynh học sinh ở thành phố, thị xã, thị trấn thì số tiền 100 nghìn đồng không lớn nhưng ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn nghề nghiệp chủ yếu là công việc thời vụ thì số tiền đó lại là cả một vấn đề không nhỏ, đặc biệt đối với gia đình nhiều con đang độ tuổi đi học. 

Cũng theo quan sát của giáo viên này, thực tế hiện nay thu nhập của một số giáo viên Tiểu học tại khu vực nội thành ở các thành phố lớn ngoài phụ cấp 30% đứng lớp thì còn có thêm thu nhập từ chăm sóc học sinh bán trú, ngày lễ tết... Đó là còn chưa kể một số giáo viên còn mở lớp dạy thêm tại nhà tuần 2 buổi.

Do vậy, thu nhập của giáo viên đã khoảng 15 triệu đồng/ tháng - số tiền này đã cao hơn rất nhiều so với giáo viên dạy các môn phụ (Lịch sử, Địa lý...) ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. 

“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp sự cao quý của nghề giáo ảnh 2

Thầy cô có phải là lợn hay dưa hấu đâu mà ...giải cứu

Hơn nữa, nếu giáo viên Tiểu học công tác ở vùng miền núi vùng sâu, vùng xa thì sẽ có thu nhập ổn định vì ngoài lương còn có phụ cấp, thâm niên còn nếu dạy ở vùng 3 thì sẽ được phụ cấp 70% lương. 

Từ những lý do này, thầy H. cho rằng, lời kêu gọi “giải cứu giáo viên” của Tiến sĩ Lê Trường Tùng là manh mún, không khả thi, thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, thầy H. cũng đồng tình với quan điểm của nhiều giáo viên rằng, “giải cứu giáo viên tiểu học” thì chẳng khác nào coi giáo viên như món hàng cần đến sự giúp đỡ của người khác. 

Theo thầy giáo này, cụm từ “giải cứu giáo viên” đã làm tổn thương đến nhà giáo, hạ thấp đi sự cao quý của nghề trồng người.

Vì nhiều phụ huynh, thậm chí cả xã hội không đồng tình và phản ứng gay gắt, mạnh mẽ về việc giải cứu này nhất là vùng nông thôn, vùng núi,vùng sâu, vùng xa, cơm còn chưa đủ ăn chứ nói gì đến việc góp tiền để giải cứu giáo viên. 

Thậm chí sẽ có nhiều phụ huynh lên tiếng mắng chửi vì giáo viên tham tiền, cướp đi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của phụ huynh.

“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp sự cao quý của nghề giáo ảnh 3

Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên

Thực tế, "giáo viên chúng tôi tuy nghèo nhưng lòng tự tôn mang tên “nghề giáo” vô cùng thiêng liêng, cao cả nên họ không cần đến sự thương hại", thầy H. nêu quan điểm.

Rõ ràng, mong muốn giáo viên có thể sống bằng lương là cần thiết nhưng như vậy chỉ cần  điều chỉnh hệ số lương giữa các lĩnh vực công bằng, tăng lương cho giáo viên minh bạch, hài hòa là đủ chứ không cần đến lời kêu “giải cứu”. 

Cũng là một giáo viên, thầy H. chia sẻ nỗi lòng: “Giả sử là người được nhận những đồng tiền mà phụ huynh học sinh nộp thì giáo viên chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì, thậm chí còn thấy thiếu được tôn trọng, bị hạ thấp tư cách người thầy, bị xúc phạm niềm tin và lòng tự trọng”. 

Đồng tình với quan điểm này, nhiều giáo viên cũng cho rằng, dù đời sống giáo viên nhiều nơi còn nghèo nhưng họ vẫn luôn cố gắng với sự nghiệp trồng người và không bao giờ đồng ý nhận tiền của phụ huynh để tăng thu nhập, do đó đem giáo viên ra như món hàng cần giải cứu như dưa hấu hay thịt lợn....

Trong khi đó, chị Tuyết Mai (Long Biên – Hà Nội) – phụ huynh, cũng không đồng tình với giải pháp của Tiến sĩ Lê Trường Tùng đề xuất: “Cá nhân tôi cho rằng, việc cân đối lại mức lương để giáo viên được ổn định cuộc sống, chuyên tâm với nghề là điều cần thiết.

Nhưng đó là trách nhiệm của Bộ, của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của phụ huynh học sinh?

Hơn nữa, trong một lớp học hiện nay còn nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố vẫn hàng ngày làm công việc bơm vá xe, mẹ thì bán ở chợ nên theo tôi, việc đề xuất mỗi học sinh đóng 100 nghìn đồng/tháng để “giải cứu giáo viên” là vô lý
”. 

Mai Thảo (ghi)