Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lương tri của các nhà sản xuất thực phẩm

06/06/2017 10:27
Ngọc Quang
(GDVN) - Một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe, mỗi người dân yếu ớt là một dân tộc yếu ớt, đó là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ngày 5/6/2017, Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tiếp thu, đồng thời cũng nêu các giải pháp thực hiện:

Một, giải pháp về vấn đề thực hiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, việc điều hành, phối hợp của các cơ quan quản lý.

Hai là vấn đề thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ba, vấn đề nhân lực, tài chính và tái cấu trúc của nền kinh tế gắn với an toàn thực phẩm.

“Vấn đề quy phạm pháp luật, hiện nay mà nói quốc tế đánh giá hành lang các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ, vấn đề cơ bản là thực thi và kiểm tra, xử phạt. Chúng ta đã có rất nhiều và trong thời gian qua rất quyết liệt”, bà Tiến cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm thấp và không đủ răn đe. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm thấp và không đủ răn đe. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Tư lệnh ngành y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ra chỉ thị, có những hội nghị trực tuyến, Ban điều hành liên ngành do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì định kỳ họp và phối hợp giữa các bộ thì các Bộ trưởng, các vụ, không chỉ 3 bộ này với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền phải vào cuộc.

Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng về vai trò của người đứng đầu các cấp và cũng nghĩ ra tất cả mọi mô hình, như chuỗi thực phẩm sạch đối với Thành phố Hồ Chí Minh là thí điểm, đối với vấn đề giải quyết thức ăn đường phố, đối với Hà Nội; đồng ý để Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm mô hình một cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lương tri của các nhà sản xuất thực phẩm ảnh 2

Nỗi lo thực phẩm bẩn tấn công trường học

Về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết có mấy việc phải làm:

Thứ nhất là sửa ngay Nghị định 38 về thực hiện luật;

Thứ hai là Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính còn quá nhẹ và chưa nghiêm minh;

Thứ ba, Luật an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ đầu mối bộ chúng tôi cũng sẽ xem xét để điều chỉnh;

Thứ tư, một luật mà Quốc hội đang làm việc hết sức tích cực với các bộ, ngành đó là Luật hình sự để đưa ra những vấn đề xử vi phạm hình sự trong an toàn thực phẩm.

Ví dụ vừa qua chúng ta có ngộ độc và tử vong hàng loạt do rượu có methanol nhưng đến giờ này truy tố, bởi vì rằng chưa có căn cứ pháp lý và trong đổi mới của luật này có lẽ an toàn thực phẩm có rất nhiều đổi mới.

Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà an toàn thực phẩm các vụ ngộ độc và vi phạm ngày càng xảy ra?

Bộ trưởng y tế cho biết: “Chúng ta nói rất nhiều quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp nhưng mảng nữa là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa tôn trọng sức khỏe của người dân và thực hiện chưa nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Chúng ta mới thấy có 2 luống rau, hai chuồng lợn, hai chuồng gà và tại sao có bơm các chất vào tôm, tại sao rượu methanol độc như thế nhưng pha vào để một loạt người chết.

Vấn đề nữa là thịt bị hủy rồi vẫn dùng để sản xuất chà bông tức là ruốc thịt, rồi ngộ độc bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp đó đã không đủ điều kiện sản xuất vì chưa có giấy phép nhưng vẫn cho tiếp tục cung cấp thức ăn và lại xảy ra ngộ độc tiếp. Chất cấm không được sử dụng thì cũng cho vào để tạo nạc.

Như vậy, vấn đề là người sản xuất, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Ở diễn đàn này cũng phải kêu gọi lương tri của những người sản xuất.

Tại sao những vấn đề đó văn bản đều có hết mà vẫn xảy ra, đó là lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật. Rất nhiều hiện tượng khác như nước lạnh, đường hóa học.

Chúng ta thấy có những đợt kiểm tra ra mấy xe tải nước ngọt, nhưng chỉ pha bằng nước lã, đường hóa học và các phẩm màu.

Hiện nay xảy ra tất cả các vấn đề như thuốc trừ sâu, hóa chất... đều làm trái với quy định của pháp luật.  Đấy là việc thực thi không đúng.

Trong thực thi không đúng đó, quản lý nhà nước có một chiếc gậy rất tốt, đó là xử lý vi phạm và phạt thì hiện nay xử lý còn nhẹ. Quy định mức phạt trung bình là 200 ngàn. Có lẽ trong thời gian vừa qua, lịch sử chỉ có ngành y tế phạt nước ngọt URC gần 6 tỷ đồng, còn lại mức phạt của chúng ta quá thấp và không răn đe”.

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. ảnh minh họa: TTXVN.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. ảnh minh họa: TTXVN.

“Một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe”

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, tới đây sẽ có những buổi làm việc kết hợp chặt chẽ với Quốc hội để đưa ra truy tố với những trường hợp mất an toàn thực phẩm gây nguy hại tới tính mạng của người dân.

Đồng thời, cần phải đẩy mạnh trách nhiệm của các địa phương, mà theo Bộ trưởng “Hiện nay lực lượng chính quyền phường và có một lực lượng công an bán chuyên trách rất nhiều ở địa phương, tổ trưởng tổ dân phố đều hưởng 1/2,  1/3 lương cơ bản thì điều đó động viên họ, khuyến khích họ và giao nhiệm vụ thì chúng tôi nghĩ họ sẽ rất tích cực. Đấy là trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã”.

Đối với thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện, cấp xã mới làm 2 nơi là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, theo Bộ trưởng Tiến: “Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho nhân ra các tỉnh khác, bởi vì hiện nay qua sơ kết gần 2 năm thấy có hiệu quả rất rõ là số vụ thanh tra nhiều hơn và phát hiện nhiều sai phạm hơn, xử lý cũng nhiều hơn.”

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lương tri của các nhà sản xuất thực phẩm ảnh 4

Hãy nói không với thực phẩm bẩn trong trường học

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đặt ra vấn đề cơ chế, chính sách và quản lý điều hành.

“Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, bây giờ chúng ta lại khó là không tăng biên chế mà vấn đề này là vấn đề quốc sách rất lớn, nhiều việc như thế mà không tăng biên chế thì không thể nào giải quyết được mâu thuẫn.

Tài chính thì chương trình mục tiêu quốc gia năm 2016 cắt 1/2, Chính phủ mặc dù rất cố gắng nhưng không có, đến bây giờ mới cấp ngân sách chưa được 1/2 của năm 2016 nên địa phương kêu, chúng tôi là đầu mối, các bộ, ngành cũng cố gắng. Ngân sách của địa phương bỏ ra thì rất hạn chế.

Vừa rồi xã hội hóa một nguồn, đó là nguồn để lại phạt, nhưng xã hội hóa nguồn nhân lực.

Chúng tôi nghĩ tiền này ngoài chuyện khen thưởng 20% trích ra thì chương trình mục tiêu hiện nay không có thì lấy cái đó để tập huấn, để thanh, kiểm tra, để ký hợp đồng và phân công cho công an xã, tổ trưởng tổ dân phố, công an bán chuyên trách, các lực lượng bán chuyên trách của xã và của huyện.

Vì hiện nay lực lượng đó cả nước chúng ta chỉ có 350 người quản lý nhà nước ở cấp trung ương về an toàn thực phẩm và cấp tỉnh, cấp huyện có 2.500 người, trong đó có những người kiêm nhiệm. Tuyến xã chỉ có trạm y tế xã có 1 đồng chí thì kiêm nhiệm thêm chữ an toàn thực phẩm.

Trong khi đó Thủ đô Bắc Kinh có 5.000 thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, Thủ đô Băng Cốc có 3.000 và họ giải quyết những vấn đề kinh nghiệm rất lớn trong an toàn thực phẩm. Kinh phí chi cho đầu người thì trong báo cáo chúng tôi đã có.

Như vậy, đột phá khó nhất trong nhân lực và tài chính là ở chỗ nào, khi biên chế bây giờ không tăng, đầu mối không đẻ thì chúng ta phải xã hội hóa là nguồn nhân lực và tận dụng mời những bán chuyên trách của xã và kiêm nhiệm, nếu chúng ta có một đội ngũ đầy đủ thì rất khó khăn.

Nếu kiến nghị thì chúng tôi có nhiều kiến nghị nhưng tiền thì không có, biên chế không có. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và các văn bản hiện nay có rồi, cả hợp đồng không thời hạn, hoặc hợp đồng có thời hạn, chúng tôi nghĩ đó là cách để tăng cường lực lượng”, Bộ trưởng Tiến cho biết.

Bộ trưởng Tiến cũng chỉ rõ: “Về vấn đề truyền thông, chúng tôi nghĩ rất quan trọng, để người dân nhận thức, doanh nghiệp và nhà sản xuất phải vì sức khỏe.

Một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe, mỗi người dân yếu ớt là một dân tộc yếu ớt, đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng chúng ta cũng không nên quá hoang mang. Chúng tôi rất cầu thị để tiếp thu, vì xã hội luôn mâu thuẫn và phát triển, chắc chắn các văn bản lại lạc hậu, lại phải ban hành, lại bất cập lại phải ban hành. Chúng ta quyết tâm cập nhật những vấn đề này cũng sẽ tốt”.

Ngọc Quang