Tài xế bức xúc vì Cảnh sát giao thông Quang Bình sách nhiễu, tìm mọi cớ để phạt

09/06/2017 15:09
TRỰC NGÔN
(GDVN) - Kiểm tra đầy đủ giấy tờ nhưng Công an huyện Quang Bình vẫn “bới lông tìm vết” khi tìm mọi cách để phạt bằng được các lái xe, mặc dù họ không có sai phạm gì.

Phản ánh tới tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số tài xế xe tải chở quặng cho biết rất bất bình việc lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang tạm giữ xe vì cho rằng xe quá khổ, quá tải.

Cụ thể, theo phản ánh, vào ngày 07/6/2017, 8 chiếc xe chở quặng lưu thông trên tuyến Quốc lộ 279, khi đi qua địa phận huyện Quang Bình thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Quang Bình yêu cầu dừng xe kiểm tra quá khổ, quá tải.

Sau khi kiểm tra, cả 8 chiếc xe này đều không vi phạm quá khổ, quá tải.

Đáng lý ra, Cảnh sát giao thông phải để cho 8 chiếc xe tiếp tục tham gia thông.

8 chiếc xe chở quặng lưu thông trên tuyền QL 279, khi đi qua địa phận huyện Quang Bình thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Quang Bình yêu cầu dừng xe kiểm tra quá khổ, quá tải nhưng 8 chiếc xe không vi phạm.
8 chiếc xe chở quặng lưu thông trên tuyền QL 279, khi đi qua địa phận huyện Quang Bình thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Quang Bình yêu cầu dừng xe kiểm tra quá khổ, quá tải nhưng 8 chiếc xe không vi phạm.

Tuy nhiên, Tổ làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình lại tiếp tục kiểm tra hàng hóa trên xe, nhưng do thiếu hợp đồng vận chuyển nên số xe tải trên đã bị  tạm giữ.

Sáng ngày 08/6/2017, sau khi kiểm tra hợp đồng vận chuyển hàng hóa của các xe trên, Công an Kinh tế huyện đã trả lại giấy tờ cho lái xe vì đầy đủ hợp đồng và được phép tiếp tục lưu thông.

Thấy không tìm ra sai phạm, Công an huyện Quang Bình lấy cớ khác và cho rằng 8 chiếc xe này đi qua... cầu yếu (cách địa điểm dừng xe 17 kilomet).

Các lái xe cho rằng khi họ đi qua cầu Sông Vàng, thì không có biển báo hạn chế trọng lượng.

Thấy lái xe đưa ra bằng chứng không có biển báo hạn chế trọng lượng, chiều ngày 08/6, Ủy ban nhân dân huyện Quang Bình lại cho người ra dựng biển "cầu yếu, dưới 10 tấn" lên để “lấy cớ” phạt các xe.

“Tuyến đường này từ trước tới giờ chúng tôi vẫn lưu thông qua lại bình thường, cách đây 6 năm đây là tuyến đường được xem là xấu và xuống cấp, lượng xe đi vào cung đường này rất nhiều.

Tối hôm 07/6 xe của chúng tôi chạy trên đường đúng trọng tải cho phép. Khi đi giấy tờ xe của chúng tôi có đầy đủ, đến địa phận huyện Quang Bình thì một tổ công tác gồm 3 đồng chí đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ.

Khi kiểm tra giấy tờ lái xe, chúng tôi cũng đã xuất trình đầy đủ thì các anh ấy trả lại.

Thế nhưng sau đó các anh ấy yêu cầu kiểm tra hàng hóa, khi đó xe thiếu mất giấy tờ hợp đồng vận chuyển thì các anh ấy giữ xe lại.

Đến sáng ngày 08/06, tôi trực tiếp cầm hợp đồng vận chuyển sang cho Công an kinh tế của huyện thì các anh ấy kiểm tra đầy đủ xong các anh ấy trả lại cả giấy tờ xe và hàng hóa cho chúng tôi và bảo được phép lưu thông.

Chiều ngày 08/06, huyện Quang Bình lại cho người ra dựng biển lên để “lấy cớ” phạt các xe.
Chiều ngày 08/06, huyện Quang Bình lại cho người ra dựng biển lên để “lấy cớ” phạt các xe.

Sau đó các anh Cảnh sát giao thông huyện lại quay lại đòi xử phạt xe vì đi vào cầu yếu, mà trong khi đó cầu yếu cách địa điểm Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình dừng xe là 17 km, và tại địa điểm cầu yếu đấy không có biển báo về tải trọng cho phép, các anh ấy cũng thừa nhận là không có biển báo và cho rằng việc đấy là của bên Giao thông công chính.

Các anh ấy nói chỉ biết cầu ấy là cầu yếu và các xe có trọng tải cho phép là chỉ được 10 tấn đi qua thôi. Còn những xe như của chúng tôi là không được đi qua.

Các anh em lái xe rất bất bình, đây là tuyến đường Quốc lộ không có biển báo về tải trọng nên anh em vẫn đi vào.

Tối ngày 07/06 anh em lưu thông qua thì không phát hiện có biển báo, nhưng trưa ngày 08/06 thì họ cho người ra cắm biển mới vào.

Bấy lâu nay anh em vẫn đi bình thường không vấn đề gì, và cái cầu yếu là cầu sắt của Pháp thời xưa làm từ rất lâu rồi.

Chúng tôi thường xuyên đi qua và thấy có mỗi chiếc biển ghi là cầu yếu yêu cầu đi chậm. Đến ngày hôm qua bên giao thông công chính mới cắm cái biển vào. Bây giờ cảnh sát giao thông bảo chúng tôi là quá tải 30% trọng tải.

Thực ra xe chúng tôi hoạt động trên đường rất đúng tiêu chuẩn, nhưng bây giờ Cảnh sát giao thông cứ mượn cớ vào cây cầu yếu đó để phạt mỗi xe từ 15 – 17 triệu nhưng anh em tài xế chúng tôi không đồng ý vì cầu không có biển báo về tải trọng cho phép”, anh N.V.T tài xế xe tải chở quặng bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vương Đức Tho, Trưởng Công an huyện Quang Bình cho biết: “Hiện chúng tôi đang tạm giữ các xe ấy để chờ xử lý, bây giờ tôi đang bận họp tại hội nghị”.

Ông Kế, Đội trưởng đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Quang Bình thì ngụy biện rằng:

“Biển báo về tải trọng ở cầu yếu là có nhưng do dân họ nhổ đi, chỗ anh Đức, Phó Giám đốc Sở Giao thông khi sửa cầu anh ấy đã xuống 4 lần để lắp biển báo.

Lỗi của các anh ấy là khi dân bỏ biển đi là họ không biết.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, để bắt bẻ Công ty vận tải thì ta vẫn bắt bẻ được thôi, vì công ty này mới ký hợp đồng vận chuyển được hơn 1 tháng, và biển báo thì theo báo cáo của anh Đức, Phó Giám đốc Sở Giao thông là người ta mới rút đi cách đây mấy hôm nay để sửa chữa, họ nhổ đi nhưng chúng tôi không nắm được, anh Đức cũng có gửi văn bản về là người ta cắm ba bốn lần rồi, theo công báo thì chúng tôi cứ thế mà làm thôi.

Sở Giao thông phải chịu trách nhiệm về việc này, còn Công an bọn mình làm đúng thôi. Theo quy định bên tôi tạm giữ xe là 7 ngày, đến hôm nay mới được 2 ngày thôi. Sai là sai của cầu đường, đúng là có biển báo, nhưng người đi đường người ta nhổ đi.

Hiện tại, nếu gia chủ (lái xe) mà có đơn thì kiến nghị với đoàn cầu đường 2 (thuộc Tổng Cục đường bộ, đường sắt Việt Nam) về việc không có biển báo. Hôm đấy chỉ đạo xử lý các xe đấy là Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch huyện chỉ đạo”.

Theo như lời của ông Kế thì do lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện chỉ đạo. Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi thì các vị lãnh đạo huyện, tỉnh đều không hay biết.

 “Vụ việc này anh phải hỏi bên Công an huyện, tôi đang bận họp, tôi sẽ bảo bên Công an họ trả lời anh”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quang Bình cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thì cho biết:“Chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin về vụ việc, và tôi cũng không trao đổi qua điện thoại”.

Sự việc trên khiến dư luận cũng như các tài xế của phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 279 khá bức xúc. Hành vi “bới lông tìm vết”, gây phiền hà sách nhiễu trên cần phải được chấm dứt và xử lý nghiêm.

TRỰC NGÔN