Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018

13/06/2017 06:43
Trần Sơn
(GDVN) - Trước đây cứ vào ngày 5/9, khắp các con đường là hình ảnh các em học sinh nô nức kéo nhau đi tựu trường. Nhưng ngày nay, đó còn là ngày khai giảng của các em?

LTS: Là một giáo viên bậc học Phổ thông, tác giả Trần Sơn cây bút quen thuộc của Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã nêu ra những vấn đề bất cập, chưa phù hợp về việc điều chỉnh một số nội dung của bậc học Phổ thông.

Vấn đề này đã gây nên những bức xúc cho xã hội và nhiều khi cho chính cả cán bộ, giáo viên trong ngành.

Đồng thời, Tác giả cũng đưa ra những đề xuất, mong muốn ngay từ bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, có các văn bản chỉ đạo kịp thời để năm học 2017 - 2018 và các năm học tiếp theo của bậc Phổ thông được đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Tòa soạn xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn
Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn


1. Thống nhất tổ chức dạy và học sau ngày khai giảng


Năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã có đổi mới trong việc chỉ đạo cấp học Tiểu học không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018 ảnh 2

Hãy để cho trẻ được hưởng 3 tháng hè, đừng bắt đi học nữa

Song đối với cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì vẫn còn tổ chức dạy học trước ngày khai giảng đến 2 tuần.

Tổ chức dạy học trước ngày khai giảng như vậy đã làm giảm đi ý nghĩa của một ngày rất quan trọng đối với mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi em học sinh.

Và, ngày khai trường không thực sự còn là ngày khai trường nữa vì đã học trước những 2 tuần rồi thì còn gì đâu nữa mà “khai”?

Vì vậy, Tôi đề nghị từ năm học này, trong quyết định ban hành khung thời gian năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định các trường thuộc bậc học Trung học và Phổ thông chỉ bắt đầu tổ chức dạy học sau ngày khai giảng.

2. Chấn chỉnh việc thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua

Trước hết, tôi rất đồng tình với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi ông đã thông tin, từ năm học 2017 - 2018 sẽ không lấy việc có sáng kiến kinh nghiệm làm một tiêu chí thi đua.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần cụ thể hóa chủ trương này của Bộ trưởng.

Bằng cách, ban hành văn bản chỉ đạo rõ việc này để các cấp quản lý giáo dục dưới Bộ và giáo viên thực hiện cho đảm bảo tính pháp lý.

Mặt khác, trong 3 năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có chủ trương không lấy kết quả tham gia các kỳ thi, các hoạt động giao lưu làm tiêu chí xét thi đua các đơn vị.

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2016 - 2017 của Bộ có quy định: “Không giao chỉ tiêu, không lấy thành tích của các hoạt động giao lưu làm tiêu chí để xét thi đua đối với các đơn vị có học sinh tham gia”.

Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018 ảnh 3

Ngành giáo dục chỉ nên tổ chức các cuộc thi, hội thi gì?

Còn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Tiểu học năm học 2016  -2017 cũng có quy định: “Không căn cứ vào kết quả của học sinh khi tham gia các hoạt động giao lưu và “sân chơi” để xếp loại thi đua đối với các đơn vị”.
 
Nhưng trên thực các địa phương vẫn lấy thành tích này để đánh giá, xếp loại thi đua các nhà trường.

Ví dụ: Có huyện vẫn đưa ra văn bản quy định, nhà trường muốn đạt danh hiệu thi đua Tập thể Lao động Tiên tiến trở lên.

Thì, bắt buộc phải có giáo viên, học sinh đạt một trong các thành tích: có giáo viên đạt giải ba trở lên trong các cuộc thi cấp huyện; đạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh trở lên; có học sinh đạt giải nhì trở lên trong kỳ thi cấp huyện; có học sinh đạt giải trong kỳ thi cấp tỉnh trở lên.

Vì vậy, để các cấp cơ sở thực hiện tốt chủ trương rất đúng đắn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đề nghị Bộ cần có văn bản chấn chỉnh các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định này tránh tình trạng “phép vua thua lệ làng” và “trên bảo dưới không nghe”.

3. Thống nhất một cách đánh giá giáo viên

Hiện tại, vào cuối năm học, mỗi giáo viên bậc học Phổ thông đang được đánh giá theo 2 loại: Chuẩn nghề nghiệp và viên chức.

Mỗi loại đánh giá trên thường được tiến hành theo quy trình: Cá nhân viết bản tự đánh giá và trình bày bản tự đánh giá trước Tổ chuyên môn; sau đó, Tổ chuyên môn nhận xét, đánh giá; cuối cùng, Hiệu trưởng đánh giá. 

Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018 ảnh 4

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đánh giá như vậy vừa mất thời gian, công sức, vừa có nhiều nội dung trùng lặp, tạo nên sự mệt mỏi, bức xúc cho giáo viên, không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Vì vậy, để việc đánh giá giáo viên mỗi năm học thiết thực và hiệu quả hơn, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có nghiên cứu, chỉ đạo từ năm học 2017 - 2018 thống nhất đánh giá giáo viên bằng một cách duy nhất.

Chẳng hạn chỉ cần đánh giá giáo viên theo viên chức, các nội dung về Chuẩn nghề nghiệp có thể tích hợp trong đánh giá viên chức.
 
4. Chấn chỉnh các cuộc thi, giao lưu cấp Tiểu học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 5105/CT-GDĐT ngày 03/11/2014 về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với cấp Tiểu học.

Trong đó, có quy định “Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ”.

Tuy vậy, trên thực tế thì năm học 2016 - 2017, học sinh cấp Tiểu học vẫn phải tham gia khá nhiều các cuộc thi, các cuộc giao lưu các cấp (trường, huyện, tỉnh, quốc gia).

Đó là: Thi giải Toán bằng Tiếng Việt qua Internet, Thi giải Toán bằng Tiếng Anh qua Internet, Olympic Tiếng Anh qua Internet, Thi “Trạng nguyên Tiếng Việt”, Thi “Chinh phục vũ môn”, giao lưu “An toàn giao thông”,...

Không ít địa phương, đơn vị lấy thành tích tham gia các cuộc thi, giao lưu này để tính điểm thi đua cho các nhà trường.

Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018 ảnh 5

Quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình

Chính vì vậy, nhiều trường đã đầu tư rất nhiều thời gian, kinh phí, nhân lực cho các hoạt động này.

Các cuộc thi, giao lưu này đã làm cho học sinh mệt mỏi vì phải tập luyện, ôn tập để tham gia.

Thậm chí nhiều trường thành lập các đội tuyển rồi luyện thi theo kiểu “gà chọi” (các em trong các đội tuyển này chỉ tập trung vào ôn luyện riêng các nội dung thi mà không học các môn học khác theo quy định).

Trong đó, cuộc thi “Chinh phục vũ môn” đã làm cho dư luận bất bình, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phải cho tạm dừng cuộc thi này.

Do vậy, để học sinh tập trung vào việc học tập, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát và có các biện pháp chấn chỉnh, hạn chế các cuộc thi đối với cấp Tiểu học.

Bằng cách, quyết liệt và hiệu quả hơn trong năm học 2017 - 2018 và các năm học tiếp theo.

Trên đây là những kiến nghị về một số vấn đề của bậc học Phổ thông, chúng tôi rất mong được Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe, xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh để giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục bậc Phổ thông nói riêng ngày càng phát triển và hoàn thiện.

Trần Sơn