Xử lý nợ xấu cũng giống như giải quyết tai nạn giao thông

18/06/2017 06:27
Mai Anh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chúng ta cần chia ra nợ xấu tự nhiên và nợ xấu do những người làm sai vi phạm pháp luật gây ra để xử lý trách nhiệm.

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia cũng như toàn xã hội bởi tính cấp bách và thực tế bức tranh nợ xấu hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).

Tuy nhiên trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).

Bên cạnh giải quyết nút thắt về thanh lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp vấn đề xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân được dự thảo nghị quyết đặt ra.

Quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn - ảnh minh họa/ nguồn VnEconomy
Quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn - ảnh minh họa/ nguồn VnEconomy

Chia nợ xấu để xử lý

Góp ý về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đoàn Thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội yêu cầu ngân hàng sớm có báo chi tiết cụ thể tên của các tổ chức, cá nhân nào đang gây ra nợ xấu, trên cơ sở đó Quốc hội sẽ xem xét, nếu tổ chức, cá nhân nào thực sự đang gây ra nợ xấu do thiên tai, bão lũ. 

Theo bà Khánh với tổ chức, cá nhân nào gây ra những nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng, chúng tôi đề nghị "truy tận gốc, trốc tận ngọn", không cho phép nhập nhằng nợ xấu. 

“Chỉ có như thế chúng ta mới bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những ai gây ra nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, phải đối mặt với Bộ luật hình sự, không thể đưa vào vấn đề giải quyết, xử lý nợ xấu như thế này được”, bà Khánh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn là “cục máu đông” gây ách tắc nền kinh tế, chậm bị xử lý ảnh hưởng đến nguồn vốn, doanh nghiệp khó vay, khó trả lãi suất ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp.

Theo Đại biểu Vượt cần làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của từng cá nhân đặc biệt lãnh đạo ngân hàng.

Nếu không làm rõ trách nhiệm từng giai đoạn thì vô hình trung đã tạo điều kiện để phủi, đùn đẩy trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm, thậm chí bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực này, tạo ra tiền đề xấu.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch cần chia ra nợ xấu tự nhiên và nợ xấu do những người làm sai vi phạm pháp luật gây ra để xử lý trách nhiệm - ảnh Ngọc Quang.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch cần chia ra nợ xấu tự nhiên và nợ xấu do những người làm sai vi phạm pháp luật gây ra để xử lý trách nhiệm - ảnh Ngọc Quang.

Đồng tình quan điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu được dự thảo nghị quyết nêu ra cũng như các ý kiến của đại biểu Quốc hội, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Du Lịch Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: “Trước hết chúng ta cần chia ra nợ xấu tự nhiên và nợ xấu do những người làm sai vi phạm pháp luật gây ra để xử lý trách nhiệm”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch phân tích, nợ xấu là vấn đề hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp vay để kinh doanh nhưng thua lỗ phá sản khoản nợ đó trở thành nợ xấu. 

“Có thể nói nợ xấu là “bạn đồng hành” của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy trong luật quy định ngân hàng phải thiết lập quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu. Nợ xấu xảy sinh trong hoạt động ngân hàng là vấn đề bình thường tuy nhiên nợ xấu của ta là bất thường, Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng đưa ra để giải quyết bất thường đó”, ông Lịch nói.

Xử lý nợ xấu cũng giống như giải quyết tai nạn giao thông ảnh 3

Cần làm rõ và xử lý trách nhiệm người gây ra nợ xấu

Theo ông Trần Du Lịch, Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng chủ yếu giải quyết tắc nghẽn trong vấn đề quyền của chủ nợ trong xử lý tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm.

Khi giải quyết không loại trừ trách nhiệm người làm sai gây ra nợ xấu.

Ví von nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay như tai nạn trên đường gây ùn tắc giao thông ông Trần Du Lịch cho biết, khi xe va chạm xảy ra tai nạn, công việc đầu tiên người ta xác định vị trí xe tai nạn sau đó vận chuyển đưa các xe tai nạn khỏi hiện trường đảm bảo lưu thông. Sau đó mới xem xét ai gây ra cũng như cách xử lý.

“Giải quyết nợ xấu cũng vậy, quan trọng nhất hiện nay phải khai thông tài sản sản bảo đảm, tài sản thế chấp để chuyển thành vốn cho nền kinh tế, còn việc xem xét quá trình ai cho vay, ai gây ra nợ xấu thì xử lý theo hai hướng:

Nếu doanh nghiệp vay vốn nhưng kinh doanh thua lỗ phá sản không trả được nợ bán hết tài sản không thu hồi được thì đó là nợ xấu tự nhiên sẽ tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý.

Ngược lại nếu cán bộ tín dụng cấu kết để gây nợ xấu thì xử lý hình sự thiếu trách nhiệm. Xử lý tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu là cần thiết nhưng không phải vì tập chung vào đó mà làm chậm trình xử lý nợ xấu”, ông Lịch cho biết .

Vai trò lớn của ngân hàng

Cũng liên quan đến vấn đề xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu được nêu ra trong dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Luật sư Trần Minh Hải, giảng viên Bộ môn pháp luật tài chính ngân hàng (Học viện Tư pháp) cho rằng, việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu là cần thiết nhưng không không dễ nêu tên vì việc phân định trách nhiệm trong lĩnh vực ngân hàng không rõ ràng. 

“Thực tế khoản nợ xấu xảy ra chưa chắc người ký tá hợp đồng ấy là người gây ra mà đôi khi lại là người khác. Ví dụ một khoản nợ quá hạn do nhân viên A cho vay do thẩm định sơ sài dẫn đến nguy cơ nợ xấu. Sau đó nhân viên A chuyển công tác, nhân viên B được cử thay thế theo dõi hợp đồng. 

Lúc này để tránh khối lượng nợ xấu ngân hàng cho người vay được đảo nợ. Nhân viên B được cử thay thế để theo dõi hợp đồng thực hiện thủ tục đảo nợ, nếu khoản nợ đó vẫn không trả được thì nhân viên B người theo dõi hợp đồng đảo nợ sau này phải chịu trách nhiệm. 

Rõ ràng nguyên nhân sâu sa gây ra nợ xấu từ khoản nợ đầu tiên nhưng xử lý thì lại chỉ xử lý nhân viên B vì bản chất đảo nợ là cho vay mới. Nói như vậy để thấy xử lý trách nhiệm cá nhân rất khó”, Luật sư Hải cho biết.

Luật sư Trần Minh Hải, giảng viên Bộ môn pháp luật tài chính ngân hàng (Học viện Tư pháp) - ảnh Hoàng Lực
Luật sư Trần Minh Hải, giảng viên Bộ môn pháp luật tài chính ngân hàng (Học viện Tư pháp) - ảnh Hoàng Lực 

Theo Luật sư Hải trong xử lý nợ xấu trước hết cần để ngân hàng chủ động làm rõ trách nhiệm giữa các pháp nhân và các cá nhân trong ngân hàng. Nội bộ ngân hàng phải xử lý trước, nếu việc xử lý không có sự thống nhất thì mới cần cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc.

“Nếu xảy ra nợ xấu mà ngay lập tức các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc sẽ gây rối tung đôi khi không giải quyết được nợ xấu. Đồng ý rằng người gây ra nợ xấu phải bị xử lý nhưng mục tiêu cuối cùng phải thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm để có vốn cho nền kinh tế”, Luật sư Hải cho biết.

Vấn đề ông Hải tâm đắc nhất trong Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng đang được Quốc hội thảo luận chính là việc trả lại quyền xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp cho tổ chức tín dụng.

Luật sư Hải cho rằng, từ trước đến nay quan điểm khi xây dựng luật vẫn nghiêng và bảo vệ quyền lợi người đi vay. Quyền lợi đó thể hiện rất rõ trên tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp. Về nguyên tắc khi anh mang tài sản đi thế chấp thì quyền sở hữu đã mất đi. 

Trong khi đó anh vay tiền nhưng không trả nợ đúng hạn đã là vi phạm nghĩa vụ trả nợ lúc đó tài sản thế chấp phát huy tác dụng. Tài sản thế chấp để khắc phục sai phạm tín dụng vì vậy tổ chức tín dụng cần được quyền chủ động thu hồi và xử lý.

Mai Anh