6 điểm yếu và 9 giải pháp khẩn cấp cho nền nông nghiệp Việt Nam

13/06/2017 16:18
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, rất cần có một giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sáng nay (13/6), thay mặt Chính phủ làm rõ hơn những nội dung các Đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ chia sẻ những khó khăn của bà con nông dân trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tình trạng thịt lợn bị mất giá và khó tiêu thụ.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, trong thời gian vừa qua, rõ ràng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế ở nhiều sản phẩm và trong toàn ngành.

Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn và chưa có những giải pháp hữu hiệu. Gần đây nhất là tình trạng dư thừa thịt lợn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do chất lượng quy hoạch của chúng ta còn chưa cao.

Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước, chưa phù hợp với năng lực sản xuất của các lĩnh vực nông nghiệp, chưa gắn với nhu cầu của thị trường.

Thực tế một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay sản xuất đã vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Chẳng hạn cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149%...

Như vậy, chất lượng quy hoạch của chúng ta chưa phù hợp, những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác, có quy hoạch cao hơn nhu cầu của thị trường như quy hoạch chăn nuôi mà đại biểu đã nói rất đúng, tức là quy hoạch nhưng lại không đúng với thực tế nhu cầu của thị trường dẫn đến quy hoạch rất cao, mặc dù sản xuất chưa đạt yêu cầu của quy hoạch nhưng vẫn không tiêu thụ được sản phẩm.

Một vấn đề nữa là công tác điều chỉnh quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời, quy hoạch đánh giá như thế nhưng cần phải điều chỉnh quy hoạch thì chúng ta điều chỉnh quy hoạch rồi.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của nền nông nghiệp và chỉ rõ những giải pháp cần thiết nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp. ảnh: vgp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của nền nông nghiệp và chỉ rõ những giải pháp cần thiết nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp. ảnh: vgp.

Vấn đề thứ hai là công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, tình trạng đầu tư vượt quy hoạch và đầu tư theo phong trào hiện nay rất phổ biến.

Thí dụ cụ thể là diện tích cà phê vượt đến 145,4 nghìn ha so với quy hoạch, tương đương với 29,12%, cây cao su vượt đến 965.000 ha theo quy hoạch...

Vấn đề thứ ba là hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt hoặc thậm chí hạ tầng phục vụ cho công nghiệp dịch vụ ở nông thôn để thu hút lao động, để huy động lao động để giảm lao động trong nông nghiệp thì chúng ta cũng đầu tư còn chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có vốn đầu tư là rất khó khăn, cả những khu vực miền núi.

Vấn đề thứ tư là vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, diện tích đất canh tác bình quân theo đầu người rất thấp, trong khi yêu cầu chúng ta phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, quy mô sản xuất vừa nhỏ, vừa manh mún, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình.

Do đó, rất khó khăn cho việc chúng ta đưa công nghiệp và đưa khoa học công nghệ vào đối với nông nghiệp.

6 điểm yếu và 9 giải pháp khẩn cấp cho nền nông nghiệp Việt Nam ảnh 2

"Nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu Chủ tịch tỉnh nghiêm? "

Vấn đề thứ năm là công nghiệp chế biến phát triển chậm, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm.

Công tác phát triển thị trường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế, như rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Một số thị trường chính của nông sản Việt Nam thiếu ổn định, đặc biệt vừa rồi chúng ta thấy thị trường thịt lợn của chúng ta rất lớn ở Trung Quốc nhưng khi họ đóng cửa thì lập tức làm cho khủng hoảng thị trường, tháo gỡ rất khó khăn.

Vấn đề thứ sáu là công tác quản lý nhà nước còn rất nhiều bất cập, cơ chế, chính sách chậm được điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi thực tế, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, điều chỉnh định hướng quy hoạch...

Do đó, rất cần có một giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó là sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, không thể đi vào những vấn đề nhỏ hoặc phân tán.

Nông nghiệp Việt Nam hướng đến những sản phẩm chất lượng cao. ảnh: vineco.
Nông nghiệp Việt Nam hướng đến những sản phẩm chất lượng cao. ảnh: vineco.

9 giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra 9 giải pháp căn cơ để giải quyết những khó khăn trên:

Thứ nhất, trước hết phải phát triển nông nghiệp để đạt các mục tiêu: Chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, phải sản xuất ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn thì mới có sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Thứ ba, phải hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, của vùng, của địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

6 điểm yếu và 9 giải pháp khẩn cấp cho nền nông nghiệp Việt Nam ảnh 4

Làm một đồng xài ba đồng và sáu nỗi bất an với đất nước

Đây là ba mục tiêu rất quan trọng để chúng ta thực hiện.

Về nhiệm vụ và giải pháp, cần tập trung một số nhóm giải pháp lớn.

Trước hết là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Trong đó tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học công nghệ... để sản xuất hàng hóa.

Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.

Vấn đề nữa là phải tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn. Rõ ràng muốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung hóa sản xuất chắc chắn phải cần đến nhiều đất đai.

Hiện nay về hạn điền cần cụ thể như thế nào để xử lý vấn đề này, nhưng trên cơ sở phải điều chỉnh, sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai.

Cần rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương.

“Việc này chúng ta phải làm, hạn chế của chúng ta là có quy hoạch rồi nhưng coi như không, khi có quy hoạch rồi mới quay lại, những việc này phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh.

Gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, coi trọng thị trường trong nước nhưng phải lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để chúng ta nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn quy hoạch với thích ứng biến đối khí hậu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ tư là kế hoạch hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân định rõ các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng.

Nguồn vốn của nhà nước thì đầu tư những hạ tầng chính, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp, chế biến, các khu công nghệ cao.

Vốn của người dân tham gia vào quá trình sản xuất. Phải tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

Ở đây phải giảm bớt các khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ hữu cơ...

Vấn đề thứ năm là mở rộng và đẩy mạnh liên kết 4 nhà, và theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì phải có thêm một nhà nữa là “nhà băng”, vì không có tín dụng, không có vốn thì không thể làm được.

Trong đó lấy doanh nghiệp hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm, là động lực cho quá trình phát triển, là người tổ chức sản xuất, là người cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm trong một chuỗi giá trị như vậy và người nông dân đóng vai trò là người sản xuất và được hưởng lợi ích phân phối từ lao động của mình và từ việc góp vốn của mình.

“Chúng ta cần phải có chính sách để điều tiết, hỗ trợ những người nông dân còn khó khăn về đời sống. Đấy là chính sách của Đảng và Nhà nước”, Phó Thủ tướng cho biết.

Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện để hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Vấn đề thứ bảy là phải tăng cường nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học như tất cả các khâu.

Vấn đề thứ tám là tổ chức lại hệ thống thương mại, sản phẩm nông sản trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Vấn đề này nhiều đại biểu và Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nói rất kỹ.

Vấn đề thứ chin là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức cho người dân để người dân có đủ kiến thức, thông tin để có thể nắm bắt được thị trường và tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Ngọc Quang