Mỹ phẩm nhái, rởm tung hoành thị trường vì... quá rẻ

07/05/2011 00:17
(GDVN) – So với giá bán của hàng chính hãng, hàng nhái rẻ hơn rất nhiều. Trên các sản phẩm này đều có dán tem với dòng chữ “tem chống hàng giả”...

(GDVN) – So với giá bán của hàng chính hãng, hàng nhái rẻ hơn rất nhiều. Trên các sản phẩm này đều có dán tem với dòng chữ “tem chống hàng giả” hoặc “đảm bảo chính hãng”.

Sau khi thông tư 06 của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1/4 và sau khi có rất nhiều đợt kiểm tra các cơ sở bán mỹ phẩm do Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, nhưng số lượng mỹ phẩm kém chất lượng vẫn tràn ngập thị trường. Nhiều người tiêu dùng lỡ mua phải hàng giả cũng chỉ biết ngậm ngùi, bởi lỡ mua rồi cũng chẳng biết kêu ai.

Hàng nhái cũng có tem chống hàng giả


Theo Thông tư 06 của Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khỏe con người khi được dùng trong điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng…

Thế nhưng, mặc dù đã hơn một tháng trôi qua, theo khảo sát của pv Giáo dục Việt Nam, tình trạng buôn bán mỹ phẩm mập mờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kiểm định vẫn tràn lan trên thị trường.

sfrdg
sfrdg
Ngay tại khu vực chợ Đồng Xuân, chợ Cầu Giấy…, các kệ hàng mỹ phẩm vẫn tràn ngập các loại hàng nhái với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Clinique (Mỹ), Shisedo (Nhật Bản), O Hui (Hàn Quốc), L’Oreal (Pháp)... So với giá bán của hàng chính hãng, hàng nhái rẻ hơn rất nhiều. Một thỏi Shisedo “nhái” chỉ có giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/thỏi (trong khi hàng chính hãng có giá từ 600.000 – 1 triệu đồng/thỏi son), hộp phấn O Hui, L’Oreal, Mac chỉ có giá 80.000 – 100.000 đồng/hộp (hàng chính hãng từ vài trăm đến hơn 1 triệu/hộp).

Trên các sản phẩm này đều có dán tem với dòng chữ “tem chống hàng giả” hoặc “đảm bảo chính hãng”. Nhưng nếu “tinh mắt”, người tiêu dùng có thể thấy một số tem có chữ viết sai chính tả hoặc không ghi xuất xứ, tên nhà sản xuất mà chỉ có tên nhà nhập khẩu là một công ty nào đó. Một số sản phẩm không đề hạn sử dụng nhưng được người bán nhiệt tình giới thiệu là “hàng mới về”.

Mỹ phẩm “nhái” còn được những đại lý mỹ phẩm lớn trà trộn bày bán theo các đợt “siêu khuyến mãi” và “siêu giảm giá”. Các đại lý này đều tung ra nhiều băng rôn “hoàng tráng” quảng cáo về những đợt khuyến mãi đặc biệt của hãng, son phấn, kem dưỡng da giảm giá tới 50-70%. Nhiều người mua đổ xô vào những đợt “siêu hạ giá” vì ham rẻ và thiếu kiến thức. Kỳ thực, chẳng có hãng mỹ phẩm nào “siêu giảm giá” hàng với tốc độ thường xuyên và chóng mặt như vậy.

Cảnh báo từ mỹ phẩm giả

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng nằm trong nội dung thường xuyên thanh tra, kiểm tra về gian lận thương mại. Các sản phẩm mỹ phẩm “nhái” hầu hết được nhập từ Trung Quốc và dán các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Olay, Ponds, Isa knox, Lancome…
gt

Mỹ phẩm “nhái” còn được những đại lý mỹ phẩm lớn trà trộn bày
bán theo các đợt “siêu khuyến mãi” và “siêu giảm giá”.

Theo đại diện Viện Da liễu Trung ương, Viện này thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến khám sau một thời gian sử dụng mỹ phẩm được quảng cáo là “xịn”, hàng hiệu. Hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện với dấu hiệu biến chứng do dùng hàng “dỏm” như da bị nổi mụn bọc, mụn trứng cá, mẩn đỏ, sưng tấy… Đáng chú ý trong số này cũng có không ít trường hợp mang theo những di chứng mãn tính như: môi sưng, lở loét, lỗ chân lông to, da sạm, xuất hiện sẹo… do không được chẩn trị kịp thời.

Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm giả mang theo nhiều hiểm họa cho người dùng như vậy, nhưng hiện vẫn chưa có một quy chuẩn nào của cơ quan chức năng hướng dẫn người dân phân biệt và nhận biết mỹ phẩm giả. Do đó, khi mua mỹ phẩm, người tiêu dùng cũng chỉ biết dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc sự tư vấn của người thân chứ không có cách nào phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý mỹ phẩm chưa được làm mạnh, vì người dân Việt Nam khi gặp hàng giả, hàng nhái cũng ít khi khiếu nại. Phản ứng thông thường là âm thầm… ngừng dùng sản phẩm đó. Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến việc mua mỹ phẩm thật tại Việt Nam thì khó mà mua mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái lại dễ

Thị trường mỹ phẩm đang phát triển hết sức nhanh chóng nhưng lượng người dân có kiến thức đúng đắn về sử dụng mỹ phẩm chưa cao, lại chưa hề có một đánh giá toàn diện về hàng giả, hàng nhái đang có mặt trên thị trường. Do đó, người tiêu dùng khi muốn sử dụng các loại mỹ phẩm làm đẹp nên tìm đến các điểm kinh doanh sản phẩm chính hãng, được các chuyên gia làm đẹp, bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách dùng.

Đức Trung