5 chiêu trong “Binh pháp Sư Tử” để thầy trò...cứu nhau!

18/06/2017 06:26
Trần Đăng Anh
(GDVN) - Các chiêu “cứu trợ” học sinh yếu kém trong lúc thi cử và đưa học sinh không đạt chuẩn lên lớp được gọi chung là “Binh pháp Sư Tử”.

LTS: Mỗi kỳ thi đến là cả thầy và trò đều lo lắng làm sao có thể đạt kết quả như mong muốn.

Tác giả Trần Đăng Anh bật mí những chiêu thức mà các giáo viên áp dụng để "cứu trợ" học sinh vượt qua các bài thi để có thể lên lớp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày xưa, Tôn Vũ viết cuốn binh pháp nổi tiếng mà người đời sau gọi là “Binh pháp Tôn Tử”. Và, từ cuốn binh pháp này, sau đó, người ta đã sáng tạo ra 36 kế.

Ngày nay, các thầy cô giáo cũng có không ít phương cách để “cứu vớt” học sinh yếu kém trong lúc thi cử và xét lên lớp. Tập hợp những phương cách này gọi chung là “Binh pháp Sư Tử” (chữ Sư ở đây có nghĩa là thầy).

Dưới đây, người viết xin được thuật lại 5 “chiêu” trong cuốn “Binh pháp” này.

Bệnh thành tích khiến giáo viên tìm mọi cách để giúp học trò lên lớp. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Bệnh thành tích khiến giáo viên tìm mọi cách để giúp học trò lên lớp. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

1. Tung phao cứu trợ

Đây là một “chiêu” rất phổ biến, được áp dụng từ lâu. Nó đặc biệt được ưa dùng trong các kỳ thi tốt nghiệp ở các trường phổ thông.

Cách sử dụng “chiêu” này như sau: Khi học sinh trong phòng thi được phát đề, thì đề sẽ được tuồn ra ngoài, có một vài thầy cô bộ môn đó giải và nhiều người chép nhân lên nhiều bản bằng giấy than (sau này là photocopy hoặc chụp ảnh sau đó in nhân bản), sau đó, cử người đến từng phòng thi tung cho học sinh.

Tất nhiên, để thành công trong kế này, trường sở tại phải áp dụng kế “Phao chuyên dẫn ngọc” (Ném ngói đưa ngọc) trong “36 kế” của cổ nhân.

Thế có nghĩa là, trường sở tại cần tiếp đón, chiêu đãi, quà cáp hậu hĩnh cho các thầy cô giám thị nơi khác về làm nhiệm vụ để họ làm ngơ cho học sinh nhận “phao” vô tư mà không bắt lập biên bản.

Gọi là áp dụng kế “Ném ngói đưa ngọc” vì tuy mất một khoản kinh phí cho giám thị nhưng kết quả là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao (thường là trên 99%).

Hơn nữa, số kinh phí ấy có thấm vào đâu so với số tiền mà phụ huynh học sinh ủng hộ cho Hội đồng thi!?

5 chiêu trong “Binh pháp Sư Tử” để thầy trò...cứu nhau! ảnh 2

Học trò bị cho ở lại lớp, sao giáo viên và tổ trưởng chuyên môn bị kỷ luật?

Vụ việc cách đây 5 năm tại Hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Dân lập Đồi Ngô là ví dụ điển hình cho cách áp dụng chiêu “Tung phao cứu trợ” này.

Tuy nhiên, “chiêu” đó Đồi Ngô thực hiện không thành vì có thí sinh đã quay lại được clip phản ánh các hành vi tiêu cực trong phòng thi và sau đó được thầy giáo Đỗ Việt Khoa (người nổi tiếng chống tiêu cực trong thi cử) tung lên mạng.

Hậu quả là có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi tại Đồi Ngô bị kỷ luật từ phạt tiền đến cách chức, buộc thôi việc.

2. Biến không thành tật

Thực tế thì hầu như trường nào cũng có một vài học sinh có nhận thức rất chậm, nói thẳng ra là ngồi nhầm lớp.

Việc đó đã làm đau đầu Ban giám hiệu các trường, đặc biệt là khi có các cuộc khảo sát chất lượng, hoặc kiểm tra của cấp trên.

Vậy là, “trong cái khó, ló cái khôn”, một số trường đã áp dụng kế “Vô trung sinh hữu” (biến không thành có) trong “36 kế” của người xưa.

Tuy nhiên, chiêu này có này có thay đổi tên một chữ so với nguyên bản. Đó là chiêu “Biến không thành tật”.

Nói ngắn gọn nội dung của kế này là, biến học sinh có nhận thức chậm, học sinh yếu kém thành học sinh khuyết tật (thiểu năng trí tuệ).

Cái này gọi là sự vận dụng rất “sáng tạo” binh pháp cổ đại. Chả là, học sinh khuyết tật, theo quy định, sẽ được đánh giá riêng theo sự tiến bộ của học sinh, không được tính là học sinh ngồi nhầm lớp, miễn là có hồ sơ khuyết tật hợp lệ.

Hồ sơ khuyết tật của các em, quan trọng nhất là cái giấy khám sức khỏe, có kết luận là thiểu năng trí tuệ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên xác nhận.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công kế này, các nhà trường cũng đã rất “dụng công” từ việc vận động gia đình học sinh xin giấy xác nhận khuyết tật đến việc hướng dẫn giáo viên lập hồ sơ đánh giá học sinh.

5 chiêu trong “Binh pháp Sư Tử” để thầy trò...cứu nhau! ảnh 3

Cái gì cũng có thể có, trừ ...chất lượng thật

Thực ra, nhiều gia đình cũng e ngại vì tự nhiên lại phải đi xin xác nhận rằng con em mình bị khuyết tật, vừa tốn tiền thủ tục, vừa mang tiếng là con em mình bị thiểu năng trí tuệ.

Nhưng các nhà trường đã thuyết phục gia đình học sinh bằng rất nhiều cái lợi: nào là nếu có giấy khuyết tật, năm nào cháu cũng được lên lớp; nào là cháu sẽ không phải đóng các khoản tiền mà học sinh bình thường phải đóng;

Nào là cháu sẽ được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định; nào là hồ sơ này chỉ để trong nhà trường thôi, lớn lên thì ai biết cháu là khuyết tật;...

Với các lí lẽ trên thì có phụ huynh nào từ chối được.

Sau khi làm việc xong với phụ huynh, nhà trường lại làm việc với giáo viên cũng với những lí lẽ rất thuyết phục: làm hồ sơ cho học sinh khuyết tật có vất vả hơn một chút nhưng em đó lại không tính vào chỉ tiêu chất lượng chung của lớp, khi kiểm tra, thanh tra lại không phải lo, không phải giải trình vì sao em đó yếu kém...

Vì vận dụng chiêu “Biến không thành tật” này nên nhiều trường có lệ học sinh khuyết tật tăng đột biến, có khi hàng chục em.

Đây cũng chính là một biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục. Hơn nữa, đó còn là một sự thiếu lương tâm, trách nhiệm của người làm giáo dục.

3. Đãi cát tìm chì

Kế này có thể gọi một cái tên khác là “Chấm thi gạn điểm”. Đó là một kế giúp cho các đơn vị có được một “kết quả đẹp” trong các kỳ thi.

5 chiêu trong “Binh pháp Sư Tử” để thầy trò...cứu nhau! ảnh 4

Sự thật này Bộ trưởng có biết không?

Cách thực hiện kế này thường là hạ thấp yêu cầu của đáp án chấm điểm, học sinh chỉ làm được 1 nhưng cho điểm đến 2, 3.

Người chấm điểm cố gắng “liên tưởng”, “tưởng tượng”, “suy luận” nhiều khi rất khiên cưỡng cốt làm sao để nâng điểm cho thí sinh.

Việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thống nhất cách chấm theo kiểu “gạn điểm hết cỡ” cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2010-2011 là một minh chứng tiêu biểu cho cách vận dụng chiêu “Đãi cát tìm chì” này.

Chuyện vận dụng kế này, cũng có những chuyện hài hước.

Đó là có năm chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong một câu của môn Văn, có thí sinh trả lời hoàn toàn không chính xác nhưng giám khảo vẫn cho điểm vì em đó có dùng từ “đàn bà” mà trong đáp án thì tìm mãi cũng có chữ “đàn bà”. Vậy là “cứ có đàn bà là cho điểm”.

Việc “Chấm thi gạn điểm” còn được áp dụng theo kiểu, những bài yếu kém giám thị cố chấm đến một điểm số lẻ sát nút mà khi làm tròn lên học sinh sẽ đủ điểm đỗ, điểm lên lớp.

Ví dụ: Theo quy định, ở cấp Tiểu học, điểm số cuối cùng phải là số tự nhiên và được làm tròn theo nguyên tắc 0,5 thành 1 nên các giám khảo chấm bài các yếu kém bằng mọi cách phải kéo lên cho được 4,5 điểm, 4,5 điểm khi làm tròn sẽ thành 5 điểm, mà 5 điểm thì học sinh đủ điều kiện lên lớp.

Kế này cũng chính là một triệu chứng rõ ràng của bệnh thành tích trong giáo dục, thi cử.

4. Liên hoàn kế

Kế này thường được thực hiện ở cấp học Tiểu học mà các trường áp dụng cho những học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học để các em được lên lớp một cách hợp pháp. Đó là một chiêu “lách luật” của các nhà trường.

Thông tư 22/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định: “Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.

5 chiêu trong “Binh pháp Sư Tử” để thầy trò...cứu nhau! ảnh 5

Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên?

“Liên hoàn kế” gồm “Đơn từ kế” và “Thẩm quyền kế”.

Để những học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học được lên lớp, đầu tiên là nhà trường dùng “Đơn từ kế”.

“Đơn từ kế” là kế nhà trường hướng dẫn cha mẹ học sinh viết một cái đơn xin lên lớp cho con em mình.

Sau khi có đơn xin lên lớp của gia đình học sinh, nhà trường sử dụng “Thẩm quyền kế”, tức là sử dụng quyền của Hiệu trưởng để cho học sinh đó lên lớp vì hiệu trưởng có quyền “quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp”.

Vậy là, số lượng học sinh lên lớp hay học sinh ở lại lớp bao nhiêu là do Hiệu trưởng quyết định hết! Phải chăng đây là một điểm hở của Thông tư 22 (Thông tư 30 trước đây cũng vậy) mà các trường tiểu học hay lạm dụng?

5. Trong tủ tụng kinh

Đây cũng là một chiêu mà các trường tiểu học hay áp dụng trong các đợt kiểm tra cuối năm bàn giao chất lượng học sinh lớp 5 cho trường trung học cơ sở.

Cụ thể hơn là nó được áp dụng trong phần Tập làm văn của bài kiểm tra môn Tiếng Việt. Đây là một “thủ thuật” của không ít giáo viên chủ nhiệm lớp 5.

Cách thức của chiêu này là: mỗi kiểu bài tập làm văn (tả đồ vật, con vật, tả cây cối, tả người, tả cảnh, viết thư, kể chuyện) giáo viên chủ nhiệm lớp 5 thường cho các em chép và học thuộc một bài văn tủ làm theo dạng để mở, dạng tả một người (đồ vật con vật, loài cây, phong cảnh, ...) mà em yêu thích nhất; thế là, vào phòng thi gặp đề này, các em cứ thế là nhớ và chép lại bài văn đã thuộc.

Vì thế mà gọi chiêu này là “Trong tủ tụng kinh”. Tuy nhiên, chiêu thức này sẽ đổ bể khi đề Tập làm văn tả một đối tượng cụ thể chứ không phải đề mở như đã chuẩn bị.

Thay lời kết

Để khắc phục các hành vi vi phạm quy chế thi, vi phạm quy định của ngành, không đánh giá đúng thực chất học sinh, chạy theo thành tích ảo đề nghị các cấp quản lý cần có các biện pháp kiểm tra, xử lý kiên quyết và hiệu quả các hiện tượng trên.

Đồng thời mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà quản lý giáo dục cũng cần phải xác định rõ lương tâm, trách nhiệm của mình mà trước hết đó là sự trung thực, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Tài liệu tham khảo:

1.http://thanhnien.vn/giao-duc/vu-truong-doi-ngo-42-can-bo-giao-vien-nhan-vien-bi-ky-luat-58997.html

2.http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20110619/bat-tay-noi-long-cham-thi-thpt/443041.html

3.http://danviet.vn/tin-tuc/bi-hai-cham-thi-tot-nghiep-he-co-34dan-ba34-la-co-diem-61772.html

Trần Đăng Anh