Sự khác nhau trong học tập giữa châu Á và Mỹ

18/06/2017 06:23
Giáo sư John Vũ
(GDVN) - Không có tư tưởng cập nhật, làm sao chúng ta có thể chắc rằng thế hệ tương lai sẽ nhận được những tri thức mới để phát triển kĩ năng cho họ

LTS: Là một người làm giáo dục, tác giả Jonh Vũ đã chia sẻ với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những quan điểm của mình về vấn đề tự học tập và nghiên cứu.

Tác giả nhận định khi dạy ở một số nước Châu Á đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất ít giáo sư trở lại trường để cập nhật tri thức, cải tiến nghề nghiệp của họ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Hình ảnh minh họa cho việc học tập, nghiên cứu (Ảnh minh họa: the japanese reading)
Hình ảnh minh họa cho việc học tập, nghiên cứu (Ảnh minh họa: the japanese reading)


Ở một số nước, nếu chúng ta nhìn vào những người làm nghề như bác sĩ, y tá, khoa học, phi công.... việc trở lại trường hàng năm của họ được yêu cầu để đảm bảo sự nhất quán về chất lượng và cập nhật kĩ năng.

Chẳng hạn, bác sĩ y tế thực hiện giải phẫu, xử lí bệnh tật; phi công lái máy bay đều làm theo chuẩn quy định và phải đổi mới chứng nhận hàng năm.

Tôi nghĩ các giáo sư phải có quy tắc tương tự.

Không có tư tưởng cập nhật, làm sao chúng ta có thể chắc rằng thế hệ tương lai sẽ nhận được những tri thức mới để phát triển kĩ năng cho họ?

Nghề dạy học hiện thời ở nhiều nước Châu Á phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân. Không có hướng dẫn về cải tiến nghề nghiệp cho nên khó có thay đổi lớn trong kĩ năng dạy giữa các giáo viên.

Không có hệ thống hỗ trợ cho nghề này, các giáo sư bị bỏ lại để cải tiến kĩ năng riêng với kết quả không dự đoán được.

Nếu chúng ta nhìn vào các nước có nền giáo dục tốt như: Phần Lan, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc chúng ta có thể thấy rằng việc đào tạo giáo sư của họ có tính lựa chọn với những hướng dẫn nghiêm ngặt.

Một người bạn Phần Lan bảo tôi: “dễ vào trường y hơn là trường giáo dục; chỉ một người trong số hàng trăm ứng viên được chọn làm giáo sư vì Phần Lan coi nghề giáo rất nghiêm túc và lương của họ cao như bác sĩ y khoa”.

Sự khác nhau trong học tập giữa châu Á và Mỹ ảnh 2

Giáo sư là thầy dạy học?

Khi tôi ở Phần Lan, tôi nhận thấy các vị giáo sư ở đây dành nhiều thời gian vào việc cải tiến kĩ năng dạy của họ, một số người quay video việc dạy trên lớp để xem lại và tìm cách cải tiến kĩ thuật dạy của mình.

Tôi không ngạc nhiên khi Phần Lan được xếp hạng là nước có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới.

Không may ở các nước Châu Á khác mà tôi tới thăm, nghề dạy học không được đối xử cao như mong đợi.

Bằng đại học thường được yêu cầu để dạy nhưng không có cách đo kĩ năng dạy. Không có yêu cầu đào tạo hàng năm và giáo sư có thể dạy cùng môn trong nhiều năm bằng việc dùng cùng tài liệu mà không có sự thay đổi.

Đó là lí do tại sao nhiều người tốt nghiệp có tri thức lỗi thời và hoàn toàn không kết nối được với thực tại của thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Lương giáo sư ở những nước đó thấp, nhiều người phải làm thêm để kiếm sống, họ không có thời gian để cải tiến kĩ năng hay học các môn phụ để cải tiến tri thức.

Trong kiểu hệ thống này, thầy dạy càng lâu, lương của họ càng cao cho nên một giáo sư với nhiều năm kinh nghiệm có xu hướng ở lại trường và giáo sư trẻ hơn sẽ gặp khó khăn về việc làm.

Tất nhiên, thay đổi hệ thống giáo dục là khó, yêu cầu nhiều nỗ lực và tiền bạc, nhưng không thay đổi sẽ còn nguy hại hơn vì với toàn cầu hóa, cạnh tranh dữ dội, lực lượng lao động không có kĩ năng mạnh, đất nước sẽ không thể cạnh tranh được.

Năm ngoái, nhiều nhà kinh tế đã dự báo Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là những nền kinh tế mạnh nhất trong hai mươi năm tới bởi sự tăng trưởng nhanh về kinh tế của họ.

Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ Phần Lan, Singapore và Hàn Quốc sẽ mạnh hơn vì họ có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới.

Trong thế giới được dẫn lái bởi công nghệ này, không phải dân số hay tài nguyên tự nhiên là đáng kể mà quản lí phát kiến mới tạo ra khác biệt.

Chẳng hạn, các nước châu Phi có tài nguyên thiên nhiên dư thừa nhưng không có hệ thống giáo dục đúng đắn, nguồn lực thiếu kĩ năng, nhiều nước đã trở thành nạn nhân của chiến tranh và nghèo đói.

Ấn Độ và Trung Quốc có dân số lớn nhưng không có hệ thống giáo dục đúng đắn, họ đã vật lộn với các vấn đề xã hội và kinh tế trong nhiều năm. Hệ thống giáo dục của họ đang bắt đầu thay đổi, kinh tế của họ được phát triển lên.

Thay đổi kinh tế chỉ xảy ra nếu chúng ta quyết tâm thay đổi hệ thống giáo dục và coi nghề dạy là nhân tố quan trọng.

Chúng ta phải đầu tư vào đào tạo giáo sư và lương của họ giống như đầu tư vào tương lai vì họ đang giữ chìa khóa cho thịnh vượng bởi họ đào tạo lực lượng lao động xây dựng nên tương lai của chúng ta.

Giáo sư John Vũ