Cục An toàn thực phẩm cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

23/08/2017 06:09
Mai Anh
(GDVN) - Theo Cục An toàn thực phẩm, mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Do ý thức người chế biến thực phẩm

Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, nguyên liệu tươi sống không bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại… dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Cùng với đó vào mùa hè khi thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với nhiều người có thói quen sử dụng thức ăn đường phố.

Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. 

Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.Ảnh mua họa: Vũ Sinh – TTXVN
 Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.Ảnh mua họa: Vũ Sinh – TTXVN

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học mà cụ thể vi khuẩn gây bệnh là chủ yếu.

Khi thời tiết chuyển sang mùa hè, trời oi nóng, người thì mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển.

Do vậy chỉ cần sơ xuất trong chế biến và bảo quản là có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

“Điều kiện vệ sinh trong các khu chế biến thức ăn, nhất là bếp ăn thể đông người thường không đảm bảo vệ sinh như thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, nguyên liệu tươi sống bảo đảm không an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành yêu cầu về an toàn thực phẩm của người chế biến kém, các thực phẩm có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… được cung cấp không bảo đảm vệ sinh sẽ dẫn tới các thức ăn được nấu ra có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm”, ông Long cho biết.  

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè ảnh 2

Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè ảnh 3

Điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá Tra

Tiến sĩ Long cho biết thêm, một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm tại các bữa ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là giá trị của các suất ăn. 

Qua thực tế khảo sát các vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp/chế xuất trong thời gian vừa qua cho thấy khoảng 70% các vụ ngộ độc thực phẩm là do suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến cho công nhân ăn, và giá trị một bữa ăn ca của công nhân tại nhiều nhà máy để rất thấp, chỉ khoảng 11 đến 12 nghìn đồng/suất.

Với giá trị suất ăn như vậy rất khó để có được các loại nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn. 

“Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của thời tiết, nguyên nhân chủ quan của người cung cấp, chế biến thực phẩm thì ý thức không tốt về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Các cuộc điều tra đã cho thấy một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng, quầy hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ những quán, quầy bánh mỳ pa-tê, thức ăn đường phố đã gây ra ngộ độc hàng chục người.

Nói tóm lại, ngộ độc thực phẩm xảy ra do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa tốt, điều kiện kinh tế khó khăn và thói quen “đơn giản” của người tiêu dùng thực phẩm cũng như các yếu tố thuận lợi về thời tiết, môi trường”, ông Long cho hay.  

Tăng cường thanh kiểm tra

Để kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm, ngày 26/4/2017 Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1670/ATTP-NĐ gửi Sở Y tế các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tập trung vào công tác thông tin giáo dục truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương trên toàn quốc, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. 

Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đang thành lập các đoàn thanh/kiểm tra nhằm đôn đốc, giám sát việc thực hiện chỉ thị 13 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các địa phương.

Tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ giúp hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm - ảnh nguồn TTXVN.
Tăng cường kiểm tra, xử lý sẽ giúp hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm - ảnh nguồn TTXVN.

Đối với các bếp ăn tập thể, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn và xây dựng các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể với việc thành lập các tổ giám sát về an toàn thực phẩm hàng ngày tại bếp ăn trong đó đề cao vai trò của công đoàn và đại diện của người lao động trong hoạt động này.

Từ tháng 9/2016, Cục An toàn thực phẩm đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm An toàn thực phẩm.

Các cá nhân và đơn vị khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm có thể gọi điện tới số máy 04.32321556 hoặc 0911811556 để phản ánh.

Đây là hai số điện thoại đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm của người dân 24/24h. Khi nhận được những thông tin này, Cục An toàn thực phẩm sẽ báo nhanh cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, xác minh.

Ngoài ra, người dân có thể phản ánh thông tin vi phạm an toàn thực phẩm về địa chỉ email tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn.

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm theo Tiến sĩ Long việc đầu tiên phải tập trung vào vận chuyển, cấp cứu người bị ngộ độc nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Yêu cầu ngừng sử dụng các thực phẩm liên quan đến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc, cơ sở cung cấp hoặc chế biến thức ăn phải tạm dừng hoạt động.

Đồng thời tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm, thức ăn liên quan để kiểm nghiệm theo các quy trình đã được tập huấn và trong các văn bản hướng dẫn để xác định nguyên nhân.

Trong quá trình xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, luôn luôn chú trọng đến việc vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm để phòng tránh sự lây lan và ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm có hiệu quả, cần có sự phối hợp của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.

Đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần phải tuân thủ các qui định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến, lưu thông phân phối thực phẩm. 

Các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm như bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13 năm 2016 và phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo chương trình phối hợp số 40 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, và thực hiện 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn của WHO, cụ thể như sau:

Giữ vệ sinh để ngăn ngừa thực phẩm bị ô nhiễm; Bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín để tránh ô nhiễm chéo; Nấu kỹ thức ăn để diệt hết các vi sinh vật; Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn; Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm.

Mai Anh