Đừng để thí sinh trượt oan vì mình chấm sai, chấm ẩu

19/06/2017 08:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Làm thế nào để hạn chế tình trạng chấm sai, chấm ẩu của một bộ phận giám thị... câu hỏi luôn được đặt ra sau mỗi kỳ thi nhưng vẫn còn bỏ ngỏ.

LTS: Ở mỗi kỳ thi, những sai sót trong công tác chấm điểm của các giám thị là điều không tránh khỏi.

Đã có không ít trường hợp vì điều này mà trượt oan, cơ hội được bước chân vào giảng đường đại học của các em vô tình bị tước bỏ.

Cô giáo Phan Tuyết đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam câu chuyện của cô và mong muốn việc này không xảy ra tại kỳ thi năm nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một anh bạn đồng nghiệp của tôi từng kể:

Anh có cô cháu gái học ở trường chuyên của tỉnh, từng đạt giải 3 cấp quốc gia bộ môn lịch sử.

Trở về sau kỳ thi đại học, cháu mừng rỡ thông báo: “con làm bài rất tốt, nhất là môn sử viết tới 3 trang liền”. Bởi đây là môn sở trường nên cháu tự tin khẳng định bài thi phải đạt tầm 9 điểm.

Sau khi công bố kết quả, cháu vô cùng bất ngờ khi môn lịch sử chỉ đạt 4 điểm. 

Ban đầu, gia đình nghĩ có thể nhà trường in sai phiếu báo điểm (thời đó chưa có mạng thông tin như bây giờ) nên không tính đến việc làm đơn xin phúc khảo. 

Khi thấy các bạn nhập học, vì vô cùng lo lắng cháu đã cùng gia đình vào trường xin được phúc khảo. 

Có lẽ, do quá thời gian quy định nên nhà trường đã không đồng ý. Sau khi báo Tiền Phong viết bài về cháu: “một học sinh giỏi lại bị trượt chính môn thi có giải quốc gia”. 

Cuối cùng, nhà trường đã đồng ý chấm lại bài thi của cháu và phát hiện trong phần bài làm của cháu có tất cả ba tờ giấy thi nhưng giám khảo mới chỉ chấm một tờ.

Kết quả, cháu được vào học nhưng chậm hơn các bạn đến gần 2 tháng.

Sau câu chuyện của cháu, nhiều người nói: “nếu không biết mà làm đơn phúc khảo chắc chắn cháu đã trượt oan rồi”.

Hình ảnh minh họa công tác chấm thi của các thầy cô. (Ảnh: tinmoi.vn)
Hình ảnh minh họa công tác chấm thi của các thầy cô. (Ảnh: tinmoi.vn)

Điểm qua một số thông tin sai sót trong công tác chấm thi mà báo Phụ nữ và Thanh niên đã đăng: năm 2015 trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 3.000 bài thi đề nghị chấm phúc khảo, trong đó 41 bài tăng điểm từ 0,25 đến 5,75 điểm. 

Đáng chú ý, thí sinh Phạm Thị Lan Anh có điểm bài thi môn toán từ 1,75 lên 7,5 điểm (tăng 5,75 điểm). 

Trường đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có 116 trường hợp sau chấm phúc khảo đã thay đổi từ 0,25 đến 1 điểm. 

Trường đại học Sài Gòn có 18 thí sinh được thay đổi sau khi chấm phúc khảo theo hướng tăng từ 0,25 đến 3,75 điểm; không có bài thi nào bị trừ điểm. 

Bài thi môn toán của thí sinh Bùi Thị Nga sau phúc khảo tăng từ 3,25 lên 7,25 điểm. Bài thi môn toán của thí sinh Hồ Đăng Khoa tăng từ 2 lên 5,25 điểm…

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tới 41 bài thi xin phúc khảo. 

Trường đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có 116 trường hợp thay đổi từ 0,25 đến 1 điểm, trong đó có tới 80 bài được đề nghị phúc khảo ở môn văn. 

Đừng để thí sinh trượt oan vì mình chấm sai, chấm ẩu ảnh 2

Chấm thi môn Ngữ văn tại kì thi quốc gia có gì mới?

Các lỗi sai được xác định chủ yếu do giám khảo chấm sót ý, chấm chênh lệch các ý nhỏ; nhập điểm và cộng điểm sai.

Có thể nói, những lỗi sai đó chủ yếu do giáo viên không tập trung trong công tác chấm bài, còn lơ là, cẩu thả, chấm lướt qua cho nhanh…

Một giáo viên đã từng là giám khảo chấm thi chia sẻ:

“Có một bài văn tôi chấm 7,25 điểm, cô giáo đó chấm 3,25 điểm. Tôi thấy lệch nhau nhất là ở câu nghị luận văn học, tôi thắc mắc vì sao cô cho điểm bài này thấp thì được giải thích là thí sinh không phân tích phần nghệ thuật. 

Tôi liền chỉ cho cô các đoạn em học sinh đó phân tích nghệ thuật. Cô nói, thí sinh đó không có cảm nhận, chỉ diễn xuôi. Tôi lại chỉ cho cô những đoạn cảm nhận riêng của em học sinh đó, thậm chí có đoạn viết rất tốt. 

Cuối cùng, cô liền nói: “À, chắc tại không để ý. Thôi, thống nhất cho 4 điểm!”. 

Nói về chuyện sai sót trong công tác chấm thi, nhiều người cho rằng đây là điều không tránh khỏi. Bởi giám khảo cần chấm một lượng bài rất lớn và phải đảm bảo đúng thời gian. 

Nhiều giáo viên chấm thi về kể lại: “căng thẳng, áp lực vì phải ngồi suốt từ 7 giờ 30 sáng đến tận 17-18 giờ chiều. Những môn tự luận như văn, sử, địa…muốn chấm đúng phải đọc kĩ để cảm nhận và phát hiện những ý hay, sáng tạo của các em, mà như thế đôi khi lại không kịp tiến độ".

Đã có những thầy cô chấm chậm nên bị nêu tên nhắc nhở, còn có giám khảo khi chấm lại chỉ đọc lướt qua cho nhanh để hoàn thành công việc nên đã bỏ sót nhiều ý trong bài làm của thí sinh.

Làm thế nào để hạn chế chuyện sai sót?

Giáo viên được chọn chấm thi ngoài việc có năng lực chuyên môn vững vàng nhất định phải là người có tâm, có trách nhiệm, luôn chu toàn với mọi công việc được giao.

Hai giám khảo chấm chung bài cần sắp xếp ngồi độc lập để khi khớp điểm xảy ra chuyện chênh lệch ta cần xem xét từ nhiều nguyên nhân. 

Có thể các cột điểm thành phần giữa phiếu chấm (giám khảo 1) lệch với điểm thực tế trên bài thi (giám khảo 2) hoặc việc lệch điểm có do chấm sót ý…để từ đó ta có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Với môn văn, việc lệch điểm đôi khi xuất phát từ cảm nhận riêng của mỗi giám khảo ở phần nghị luận văn học. Mức chênh lệch dao động từ 1-2 điểm là điều dễ hiểu, nhưng chênh nhau tới 4-5 điểm sẽ là sự bất thường. Bởi vậy, sự tương đồng về nhận thức của cặp giám khảo đóng vai trò rất quan trọng.

Đừng để thí sinh trượt oan vì mình chấm sai, chấm ẩu ảnh 3

“Tôi chấm và đọc điểm là tốt lắm rồi, tôi chấm chính xác, các cô khỏi phải lo”

Như ở trên đã nói, sai sót trong chấm thi nguyên nhân có thể vì giám khảo phải chấm một lượng bài quá lớn (người chấm chậm 50-60 bài/buổi, người chấm nhanh thì 70-80 bài/buổi). 

Vì thế, để giảm áp lực và căng thẳng cho người chấm chúng ta cần tăng số lượng giáo viên chấm thi, từ đó số lượng bài thi cho từng giám thị cũng giảm đi.

Công tác thanh tra, giám sát trong quá trình chấm và lên điểm cũng chiếm một phần rất quan trọng. 

Trước đây, chúng tôi chỉ tham gia chấm thi tốt nghiệp lớp 5, lớp 9 và học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau khi hai giám khảo chấm xong một xấp bài (5 bài một xấp) thanh tra kiểm tra lại, cặp chấm nào sai sót sẽ bị mời lên nhắc nhở và sửa ngay tại chỗ. 

Có lẽ, do cách làm kĩ như vậy nên chưa bao giờ xảy ra hiện tượng học sinh làm đơn phúc khảo bài thi.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót không đáng có, điều vô cùng quan trọng và cấp thiết phải làm đó là cẩn trọng trong từng khâu của quy trình chấm bài. 

Bài thi là thành quả của 12 năm miệt mài đèn sách, trải qua biết bao khó khăn, vất vả, mọi tâm huyết, bao hy vọng của các em cũng như của gia đình đều gửi trọn vào đó. 

Các vị giám khảo đừng chỉ vì một chút chủ quan, lơ là, cẩu thả trong công tác chấm thi mà vô tình tước bỏ đi cơ hội bước vào giảng đường của các em.

Phan Tuyết