Hóa hữu cơ và những điều thí sinh cần nhớ khi làm bài thi môn Hóa học

21/06/2017 08:28
Thùy Linh
(GDVN) - Đối với môn Hóa học, thí sinh có thể không cần viết phương trình đầy đủ mà chỉ cần viết sơ đồ và quan tâm đến hệ số các chất đề bài cho dữ kiện hay đề bài hỏi.

Theo cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia môn Hóa thì sẽ có 2 dạng bài tập hóa Hữu cơ mà thí sinh sẽ gặp, đó là phần lý thuyết và tính toán. 

Hóa học hữu cơ (là 1 thế giới đa dạng các loại nhóm chất được cấu tạo từ các nguyên tố cơ bản như C, H,O,N,Halogen ... ) sẽ chiếm khoảng 40-45 % nội dung số câu hỏi trắc nghiệm trong cấu trúc đề thi quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017.

Khi trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Anh - Giáo viên luyện thi quốc gia môn Hóa tại Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng:

Để có phương pháp làm bài tập lý thuyết trong kỳ thi này thì thí sinh cần nắm rõ được các nhóm chất và tính chất đặc trưng của mỗi nhóm chức (ví dụ : amin, ancol, andehit, axit cacboxylic … ) điều này giúp các em hiểu được bản chất của mỗi phản ứng.

Tính chất của hợp chất hữu cơ phụ thuộc vào nhóm chức (ví dụ : nhóm -NH2, -OH , -CH=O , -COOH … ) và đặc điểm cấu tạo của phân tử đó (có liên kết đơn, đôi, ba hay có vòng … ). 

Theo thầy Nguyễn Ngọc Anh, để có phương pháp làm bài tập lý thuyết trong kỳ thi quốc gia thì thí sinh cần nắm rõ được các nhóm chất và tính chất đặc trưng của mỗi nhóm chức (Ảnh tác giả cung cấp)
Theo thầy Nguyễn Ngọc Anh, để có phương pháp làm bài tập lý thuyết trong kỳ thi quốc gia thì thí sinh cần nắm rõ được các nhóm chất và tính chất đặc trưng của mỗi nhóm chức (Ảnh tác giả cung cấp)

Khi học các loại hợp chất phức tạp hơn có nhiều loại nhóm chức như aminoaxit (có nhóm -NH2 và -COOH ), gluxit ( có nhóm -OH và -CHO hoặc =CO) thì thí sinh có thể suy ra tính chất của các nhóm này dựa vào các nhóm chức cơ bản các em đã được học trước đó. 

Ngoài ra, thí sinh đừng quên các dạng bài tập so sánh tính axit, nhiệt độ sôi, độ tan trong nước của các chất khác nhau (dựa vào hiệu ứng và các liên kết liên phân tử như liên kết hidro, độ phân cực của phân tử). 

Còn đối với dạng bài tập tính toán, để tiết kiệm thời gian trong quá trình làm bài thì thí sinh có thể không cần viết phương trình đầy đủ mà chỉ cần viết sơ đồ và quan tâm đến hệ số các chất đề bài cho dữ kiện hay đề bài hỏi.

Hóa hữu cơ và những điều thí sinh cần nhớ khi làm bài thi môn Hóa học ảnh 2

Thầy Bùi Gia Nội lưu ý một số điều với thí sinh khi làm bài thi môn Lý

Ví dụ: Các em viết phản ứng tráng bạc (tráng gương) thì chỉ cần quan tâm đến các chất hay hỏi là Andehit và Ag (các thành phần khác ít hỏi như NH3, H20, NH4NO3… ) và chỉ cần viết sơ đồ, tuy nhiên phải nhớ hệ số cân bằng. 

Ví dụ: với Andehit đơn chức tỉ lệ 1 mol Andehit tạo 2 mol Ag (trừ HCHO thì tỷ lệ 1 : 4).

Riêng với dạng bài toán đốt cháy, thí sinh cần phải nhớ quan hệ giữa các thành phần sau phản ứng đốt cháy, đó là 1 dự kiện ngoại suy để quay về xác định được dạng của hợp chất ban đầu.

Ví dụ : Đốt cháy rượu đơn chức tạo ra n H2O > n CO2, có thể khẳng định rượu no, đơn chức , có công thức tổng quát là CnH2n+1OH.

Đốt cháy axit cacboxylic hay este đơn chức, có nH20=n CO2 , có thể suy ra là axit/este no, có công thức tổng quát là CnH2nO2 .

Sau khi viết được sơ bộ mối quan hệ và tỷ lệ các chất trong phản ứng, thí sinh cần sử dụng dữ kiện bài toán, nếu có đặt ẩn thì cần có mối liên quan của ẩn đó đến hầu hết các dữ kiện. 

Nên khéo léo áp dụng định luật bảo toàn khối lượng hoặc bảo toàn nguyên tố.

Sau khi xác định công thức phân tử của hợp chất, cần dựa vào các đặc điểm định tính theo đề ra cho để xác định công thức cấu tạo chính xác. Thông thường đề bài sẽ cho các đặc điểm đặc trưng liên quan đến nhóm chức hay đặc điểm cấu tạo của phân tử.

Và cuối cùng, thí sinh cần cố gắng hệ thống kiến thức theo từng loại nhóm chức, từng đặc điểm cấu tạo sẽ giúp các em nhớ lâu hơn, logic hơn và không bị rơi vào trạng thái áp lực để học thuộc.

Thùy Linh