Liên tục chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân

14/06/2017 20:00
Diệu Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cả về kỹ thuật và cơ sở vật chất.

Trong phiên trả lời chất vấn chiều 14/6, Bộ trưởng Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm rõ nhiều băn khoăn của Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) và nhiều đại biểu khác về giải pháp để chấn chỉnh hoạt động khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh ở các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bộ trưởng Y tế cho biết, các đại biểu đại diện cho ngành y tế phản đối không nên siết chặt và cần chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

“Chúng tôi đứng về phía người bệnh và các bác sĩ, người bệnh muốn được hưởng lợi cao, nhưng bảo hiểm xã hội thì hạn chế.

Trước cuộc họp này, chúng tôi đã họp rất nhiều với cán bộ y tế và các đồng chí giám đốc sở, trong ngành chúng tôi quán triệt dứt khoát trục lợi, lạm dụng xử lý nghiêm theo pháp luật để làm gương”, bà Tiến thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình trạng nằm ghép giường đã giảm và gần như sẽ không còn trong thời gian tới. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình trạng nằm ghép giường đã giảm và gần như sẽ không còn trong thời gian tới. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Tư lệnh ngành y tế cho biết, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Y tế là thực hiện nghiêm phác đồ chuẩn đoán điều trị, tránh lạm dụng các xét nghiệm và thực tế cũng có hiện tượng này, trong nội bộ chúng tôi đã quán triệt như vậy.

Bộ trưởng Tiến nêu giải pháp: “Chúng tôi thanh, kiểm tra và xử lý theo nghị định xử lý hành chính. Chúng tôi đang cùng với bảo hiểm xã hội để nối thông hệ thống công nghệ thông tin giữa cơ sở khám, chữa bệnh với bộ phận giám định của bảo hiểm xã hội.

Các vấn đề về cơ chế tài chính, giải thích rất chuyên môn tức là phương thức thanh toán.

Hiện nay, chúng ta dùng phương thức thanh toán cũ là theo phí dịch vụ là tiêu bao nhiêu thì dùng trả bấy nhiêu, cho nên càng tiêu nhiều càng thanh toán nhiều và người dân cũng lạm dụng để đi khám nhiều lần, được nhiều thuốc và để xét nghiệm nhiều.

Liên tục chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội "chấm điểm" Bộ trưởng Y tế sau chất vấn

Nhiều người muốn xét nghiệm chuẩn đoán và cán bộ ghi toa nhiều để tăng mức chi, nhưng đấy là phương thức thanh toán theo cái cũ, hiện nay nhiều nước vẫn làm”.

Còn phương thức thanh toán hiện đại là Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng, vấn đề định xuất, vấn đề về ca bệnh, ví dụ khoán mổ một ca ruột thừa là 2 triệu thì cứ như vậy tính theo và khoán nhân lên, không thể kéo dài thời gian nằm viện, không thể lạm dụng và đảm bảo phải chất lượng tốt. Tuy nhiên, vấn đề này không có phương pháp nào hoàn chỉnh.

Phương pháp thứ ba là theo nhóm ca bệnh là DRG là liên quan đến triệu chứng. Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất nhưng các nước phải mất 10 - 20 năm mới hoàn thành phương thức này.

Hiện nay, Nhật Bản cũng chỉ theo phương thức chi trả như chúng ta nhưng kiểm soát rất chặt vì văn hóa và công nghệ thông tin họ rất tốt.

Mặt khác, trình độ giám định của Việt Nam hiện nay là ngẫu nhiên và công nghệ thông tin vẫn chưa hoàn chỉnh, còn ở các nước họ giám định từng bệnh án chứ không thể nào có trục lợi.

"Tôi nghĩ 3 giải pháp lớn sắp tới thì ngành y tế với bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp", Bộ trưởng khẳng định.

Đối với câu hỏi xung quanh khám, chữa bệnh đại biểu có hỏi tuyến trung ương còn nằm ghép 3 hay ghép 2 nữa không?

Bộ trưởng Y tế cho biết: "Đề án giảm tải quyết liệt và rất nhiều giải pháp tổng thể từ bệnh viện xanh - sạch - đẹp cho đến vấn đề đổi mới cơ chế tài chính rồi chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới rồi tăng cường mô hình y học gia đình, tăng cường năng lực của tuyến tỉnh và tuyến huyện, đặc biệt là tuyến tỉnh.

Liên tục chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân ảnh 3

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lương tri của các nhà sản xuất thực phẩm

Tỷ lệ chuyển viện của tuyến tỉnh lên tuyến trung ương giảm hẳn do họ thực hiện được các kỹ thuật đó.

Hiện nay, tuyến trung ương tỷ lệ nằm ghép đã giảm hẳn. Ở Bệnh viện Bạch Mai còn chuyện này nhưng không phải tất cả mà chỉ ở khoa Thận, khoa Hô hấp.

Hoặc trong thành phố là Bệnh viện ung bướu, Bệnh viện nhi đồng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi xây dựng xong cơ sở 2 và hoàn thiện một số tòa nhà thì hiện nay cơ bản tình trạng gần như không có tình trạng nằm ghép, như Bệnh viện ung bướu trước nằm 4 giờ đã hạn chế nhiều”.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhắc lại của một Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn buổi sáng: “Giữ cho bệnh nặng, đến chết cũng không chuyển thì chúng tôi nghĩ đây là trường hợp cá biệt.

Về nguyên tắc, không ai muốn giữ bệnh nhân nặng cho tử vong vì tử vong là rất nặng nề đối với bệnh viện và tập thể khoa cũng như bác sĩ điều trị.

Thứ hai là chi phí để giữ lại bệnh nhân là rất lớn, họ cũng thông qua quỹ bảo hiểm xã hội đã giao cho họ và họ phải có trách nhiệm.

Thứ ba là vì hoàn cảnh, vì trách nhiệm, họ ôm lấy trách nhiệm đó vì nếu chuyển thì có thể bệnh nhân đã tử vong trên đường đi.

Tuy nhiên, vấn đề về quy chế chuyển viện chúng tôi đã quy định trong các thông tư, nếu có xảy ra thì cũng sẽ xử lý nghiêm nếu như giữ lại để bệnh nhân dẫn đến tử vong.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang, đó là kết quả xét nghiệm có liên thông gì khác không? Chúng tôi nghĩ liên thông kết quả xét nghiệm đã cố gắng hết sức, còn các liên thông khác thì còn phải ở những kế hoạch sau.

Và kế hoạch liên thông xét nghiệm này thì Chính phủ chỉ đạo cũng có lộ trình. Chúng ta phải có điều kiện con người, trang thiết bị, đặc biệt là trình độ kĩ thuật đủ để đáp ứng”.

Diệu Linh