Thầy Văn Như Cương: Chúng tôi chịu trách nhiệm mọi mặt, sao vẫn cứ áp đặt?

30/06/2017 10:02
Diệu Linh
(GDVN) - Thầy Văn Như Cương nói rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên đổi mới tư duy, không nên quản lý cứng nhắc đối với vấn đề tuyển sinh đầu cấp.

Tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Thành phố Hà Nội vào 27/6, khi báo chí đặt ra những băn khoăn về việc áp đặt thời hạn tuyển sinh chung sẽ gây ra khó khăn cho các trường tư thục và nhiều phụ huynh, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: “Tuyển sinh ở bậc trung học cơ sở và tiểu học theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành theo ngày giờ và toàn thành phố.

Ngày nào tuyển sinh, thành phố đã có kế hoạch rất rõ ràng. Cho nên, tất cả trường công và trường tư và trường thuộc địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo kế hoạch của thành phố.

Không có nghĩa là, trường tư nằm ngoài kế hoạch của thành phố được và chúng tôi nói rằng khi đọc lại các luật trong Luật giáo dục không có điều khoản nào nói về việc tuyển sinh và nói Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm trái luật”.

Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. ảnh: V.Cường.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. ảnh: V.Cường.

Đọc được những lý giải của vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội lại thấy có một vấn đề tưởng như xưa cũ nhưng vẫn cần phải làm rõ.

Ai cũng biết là Sở Giáo dục Hà Nội triển khai kế hoạch dựa trên kế hoạch của thành phố, nhưng phải nói một cách sòng phẳng là khi thành phố ra công văn số 454/UBND-VX ngày 8/02/2017 là dựa trên tờ trình của Sở Giáo dục Hà Nội.

Thêm nữa, công văn này của Ủy ban Nhân dân thành phố cũng căn cứ vào Luật Giáo dục 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục 2009; Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009; Thông tư số 11/2014/TT-BGDBT ngày 18/4/2014; Chỉ thị 3031/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2016 để giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện chi tiết kế hoạch tuyển sinh.

Trường phổ thông nào ở Hà Nội là chất lượng cao, có học phí riêng?

(GDVN) - Năm học 2017-2018, tại Hà Nội mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/học sinh/tháng.

Như vậy, phải nói thẳng ra rằng Sở Giáo dục Hà Nội chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề tuyển sinh chứ không thể nói chung chung là “kế hoạch của thành phố”.

Đồng thời cũng cần phải nói rõ rằng, từ Luật Giáo dục do Quốc hội thông qua cho tới Thông tư, Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu bắt buộc thời điểm tuyển sinh của trường công lập và tư thục phải như nhau.

Vì vậy, dư luận xã hội, các phụ huynh không quan tâm đến câu trả lời “sai luật hay không sai luật” của ông Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, mà vấn đề cần quan tâm là ở góc độ quyền lợi cha mẹ học sinh và học sinh xem xét, cần có quy định phù hợp chứ không đứng ở góc độ của nhà quản lý, góc độ nhà trường.

Ví dụ như, khi phụ huynh và học sinh chọn trường ngoài công lập rồi thì họ muốn trường đó trả lời có nhận con họ hay không?

Nếu không nhận thì họ mới quay về đúng tuyến công lập để học. Có nghĩa, các trường ngoài công lập tuyển sinh sớm thì tốt cho xã hội, tốt cho phụ huynh tránh trường hợp chạy trường nọ, chạy trường kia của phụ huynh.

Thầy Văn Như Cương cho rằng, Sở Giáo dục Hà Nội không nên quản lý cứng nhắc đối với vấn đề tuyển sinh đầu cấp. ảnh: GDVN.
Thầy Văn Như Cương cho rằng, Sở Giáo dục Hà Nội không nên quản lý cứng nhắc đối với vấn đề tuyển sinh đầu cấp. ảnh: GDVN.

Quy định phải vì học sinh, vì phụ huynh

Ngày 29/6, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy Văn Như Cương – Người sáng lập Trường dân lập Lương Thế Vinh nói rằng, ông không bất ngờ với cách lý giải của đại diện Sở Giáo dục Hà Nội, vì họ phải tìm cách để bảo vệ cho những gì đã làm, nhưng thời gian sẽ chứng minh những mong muốn của phụ huynh ngày hôm nay là hoàn toàn đúng đắn.

Đồng thời Thầy Cương đặt ra vấn đề: “Luật Giáo dục sửa đổi 2009 đặt ra vấn đề khuyến khích xã hội hóa giáo dục, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư làm thật tốt trong lĩnh vực này.

Thầy Văn Như Cương: Chúng tôi chịu trách nhiệm mọi mặt, sao vẫn cứ áp đặt? ảnh 3

Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định tuyển sinh đầu cấp phải theo kế hoạch thành phố

Cho nên vấn đề cần được đặt ra cho thật chính xác đó là: Sở Giáo dục áp quy định tuyển sinh từ 1/7-15/7 thì có tốt cho học sinh không, có tốt cho phụ huynh không? Tại sao một việc quan trọng như thế, có ảnh hưởng trực tiếp đến các trường, nhất là trường ngoài công lập mà lại không lấy ý kiến của chúng tôi?

Nếu Sở Giáo dục cứ giải thích vòng vo như vậy thì e là không đi đến được thực chất của vấn đề, không giải quyết được căn bản vấn đề này và những năm sau tiếp tục có phản ứng của phụ huynh, của dư luận xã hội”.

Khuyến khích xã hội hóa giáo dục đó là xu hướng tiến bộ mà các nước tiên tiến đã làm rất thành công, chúng ta bây giờ kêu gọi những ai có khả năng thì tham gia, vậy thì phải thực sự tạo điều kiện để xã hội làm, và cần bỏ ngay cái tư duy quản lý áp đặt ấy đi.

Chúng tôi tự chủ để xây trường, tự chủ về giáo viên, tự chủ về tài chính và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước nhà nước về chất lượng đào tạo. Vậy thì tại sao lại áp đặt thời gian tuyển sinh?

Hãy làm một cuộc khảo sát công khai trên mạng internet xem có bao nhiêu phụ huynh muốn lựa chọn trường tư cho con và họ nói gì về kiểu tư duy áp đặt như thế?

Điều đó cũng nực cười giống như bắt các siêu thị mở cửa đúng 8h sáng cho giống với cơ quan nhà nước khác. Mở cửa hàng lúc 7h là bị nghiêm trị!

Đấy là còn chưa kể hiện nay Sở Giáo dục đang áp đặt cả số lượng tuyển sinh đầu vào, chỉ cho chừng này chừng kia. Vậy trường nào có điều kiện rộng rãi, lo được cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ đội ngũ thầy cô giáo thì người ta được quyền tuyển nhiều chứ, và Sở cứ theo đó mà kiểm tra, chỗ nào không đảm bảo thì xử phạt, thậm chí đình chỉ.

Không hiểu Sở Công thương có quy định hiệu phở này chỉ được bán 100 bát phở mỗi sáng mặc dầu họ còn bánh phở, còn thịt, còn người phục vụ , còn người muốn ăn hay không? Chắc là không! Thế thì sao lại lại phải cho bằng này bằng kia?”.

Hơn nữa, chúng ta đang hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Một trong những vấn đề căn bản nhất ở đây là cơ quan tuyển dụng của nhà nước hay tư nhân khác nhau ở địa vị pháp lý.

Một trong những tiêu chí căn bản để hướng tới một nhà nước pháp quyền là cán bộ đại diện cho cơ quan nhà nước nhất thiết chỉ được làm những gì luật cho phép, còn công dân được phép làm những gì mà luật không cấm. 

Cần phải nhắc lại rằng Điều 13 Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2009 đã khuyến khích, kêu gọi đầu tư cho giáo dục, tức là cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương như Sở Giáo dục Hà Nội cần phải tư duy theo hướng ấy, chứ không thể đặt ra một quy định riêng và cố bao biện ngay cả khi có nhiều ý kiến phản đối. 

Nói như ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Luật Giáo dục đã rải thảm cho các trường ngoài công lập, nhưng theo tôi, cấm các trường ngoài công lập tuyển sinh trực tiếp trước 1/7 lại là rải đinh”.

Diệu Linh