Bao giờ mới hết chuyện chạy theo "giải cứu"?

05/07/2017 06:19
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp câu chuyện "giải cứu" sản phẩm nông sản có trách nhiệm rất lớn của ngành Nông nghiệp và Công thương.

Sản xuất theo phong trào

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra tình trạng “giải cứu” chuối, sau đó đến “giải cứu” dưa hấu tiếp theo “giải cứu” thịt heo… liên tiếp diễn ra.

Có thể nói các biện pháp “giải cứu” vừa qua chỉ là giải pháp tình thế và không bền vững. 

Việc kêu gọi mọi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nông sản này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản khác. Điều đó lại vô tình đẩy ngành khác khó khăn.

Làm sao để không còn tình trạng “giải cứu” sản phẩm nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản là vấn đề rất khó, nhưng cần phải được đặt ra và giải quyết có tính hệ thống.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp giải cứu sản phẩm nông sản chỉ là biện pháp tình thế - ảnh minh họa/ nguồn VTV.
Theo các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp giải cứu sản phẩm nông sản chỉ là biện pháp tình thế - ảnh minh họa/ nguồn VTV.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc phải “giải cứu” nông sản là việc tổ chức sản xuất manh mún theo hộ gia đình thiếu quy hoạch.

“Chính vì thiếu kế hoạch dẫn đến việc nuôi trồng theo phong trào có nghĩa thấy người ta nuôi heo mình cũng nuôi, thấy trồng cây nào có giá mình cũng trồng. Cuối cùng đầu vụ giá cao có lãi nhưng cuối vụ giá thấp thậm chí bán không ai mua”, ông Thành cho biết.

Để xảy ra tình trạng sản xuất sản phẩm nông sản theo phong trào, ông Bùi Kiến Thành khẳng định trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.

Phân tích cụ thể, ông Thành cho rằng các bộ, ngành này thiếu hoặc không cung cấp thông tin cho người dân về nhu cầu các mặt hàng nông sản đồng thời thiếu những cảnh báo.

Đáng nhẽ ngay từ thời điểm đầu vụ, đang thời điểm giá thịt heo đang ở mức cao phải có những cảnh báo, những khuyến cáo, cảnh báo để tránh việc nuôi trồng tràn lan theo phong trào.

“Bên cạnh việc chưa dự báo, chưa tổ chức sản xuất nông sản theo quy mô theo kế hoạch chúng ta còn chưa quản lý được thị trường, tình trạng thương lái ép giá, thao túng giá nông nghiệp vẫn diễn ra”, ông Thành cho biết.

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng trong câu chuyện sản xuất nông nghiệp dư thừa phải giải cứu có trách nhiệm lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ảnh Hoàng Lực.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng trong câu chuyện sản xuất nông nghiệp dư thừa phải giải cứu có trách nhiệm lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ảnh Hoàng Lực.

Theo ông Thành giải cứu nông sản như hiện nay chỉ là biện pháp tình thế, không thể cứ đến khi thừa nông sản không tiêu thụ được chúng ta mới lại kêu gọi, hô hào người dân mua. 

“Với hàng chục thậm chí hàng trăm tấn nông sản thì việc kêu gọi tiêu thụ nhỏ qua thị trường bán lẻ không thể hết được. Do đó cần tìm đầu ra ổn định cho nông sản bằng các hợp đồng xuất khẩu, bằng hợp đồng cung cấp nguyên liệu với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.

Muốn thực hiện được phải có sự chung ta của bộ, ngành. Các bộ, ngành phải vào cuộc thực sự xây dựng lại chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Thành cho biết.

Bán thứ người ta cần

Cùng chung quan điểm trên chuyên gia nông nghiệp Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, nông nghiệp Việt Nam có một lịch sử sản xuất từ rất lâu đời nhưng lại có nhược điểm cơ bản đang gây khó khăn là sản xuất manh mún, không tập trung và không tổ chức sản xuất theo quy mô lớn.

“Cái thiếu của chúng ta là những vùng nguyên liệu lớn, chủ động để tiện cho việc chỉ đạo tập trung. Mặc dù chúng ta có hẳn một bộ chuyên ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bộ lại có từng cục chuyên ngành từ chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản…nhưng sản xuất vẫn rất manh mún”, ông Nghĩa cho biết.

Bao giờ mới hết chuyện chạy theo "giải cứu"? ảnh 3

Băn khoăn của Thủ tướng và nỗi khổ của chị bán thịt lợn bị hắt dầu luyn!

Theo Tiến sĩ Nghĩa hiện nay trong nông nghiệp chủ yếu sản xuất tự phát nhiều hơn.

Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn có những chỉ đạo nhưng thiếu bài bản, không xuất phát từ đầu ra. 

“Những chỉ đạo của các bộ, ngành không xuất phát từ thị trường tiêu thụ, bị thủ động, phụ thuộc vào thị trường. Ngoài ra cái thiếu nữa chính là những hợp đồng tiêu thụ nông sản.  

Chúng ta thiếu dự báo nhu cầu tiêu thụ một loại sản phẩm nông sản năm 2017, 2018, 2019 là bao nhiêu hay trong những năm này chúng ta đang có hợp đồng bán nông sản gì cho nước nào? Số lượng bao nhiêu…Tất cả vấn đề chúng ta đang thiếu”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Mặt khác, Tiến sĩ Nghĩa cũng cho rằng trên thị trường chúng ta đang có rất ít những thương hiệu, những doanh nghiệp mạnh về nông nghiệp đủ để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. 

“Chính vì những yếu tố trên nên suốt thời gian dài chúng ta luôn rơi vào tình trạng “trồng – chặt”, “nuôi – hủy” và liên tục bị động. Trước đây tình trạng được mùa nhưng rớt giá, giá thấp xảy ra liên tục.

Năm nay khi giá hàng loạt nông sản như dưa hấu, lợn xuống quá thấp các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang làm mọi cách để cố vớt vát cho nông dân bằng việc tổ chức “giải cứu”, tổ chức phong trào tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân

Nhưng đây là giải pháp tình thế không thể kéo dài và không nên duy trì kéo dài. Cho đến hiện nay những giải pháp tình thế “giải cứu” này chỉ mang lại một lợi ích quá nhỏ cho người nông dân. 

Chúng ta “giải cứu” nhưng đến bây giờ giá lợn hơi người dân bán cũng không tăng được là bao, trong khi giá ở siêu thị, ở chợ vẫn cao. Tóm lại thiệt thòi vẫn là người nông dân”, Tiến sĩ Nghĩa nêu thực trạng.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam - ảnh Hoàng Lực.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam  - ảnh Hoàng Lực.

Trước bức tranh nhiều gam màu xám về nông nghiệp hiện nay, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần có giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc nếu không sẽ dẫn đến tình trạng hoang hóa dân bỏ ruộng vườn khi nông dân không còn tha thiết làm nông nghiệp.

Theo ông Nghĩa việc cần làm hiện nay là phải mau chóng tổ chức lại sản xuất và có liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Khi thực hiện liên kết chúng ta phải quy hoạch để tổ chức sản xuất lớn. Phải tích tụ ruộng đất tổ chức thành vùng nguyên liệu tập trung.

“Quan trọng nhất phải có đầu ra mới liên kết sản xuất chứ không phải liên kết sản xuất sau đó tìm đầu ra. Chúng ta phải thay đổi tư duy, bán những thứ người ta yêu cần, người ta đặt hàng chứ không phải bán cái mà chúng ta sản xuất ra rồi”, ông Nghĩa cho biết.

Mai Anh