Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa, Trung Quốc không "cứu" Donald Trump

05/07/2017 09:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Bình Nhưỡng đã chờ đợi thời điểm một cách chính xác như những gì họ dự đoán sẽ xảy ra. Triều Tiên chờ đợi căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ - Trung bộc phát.

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 5/7 cho biết, các quan chức quân đội mỹ khẳng định, quả tên lửa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã phóng hôm qua là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Để biểu dương lực lượng phản ứng lại động thái này của Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu tập trận tấn công tên lửa chính xác trên vùng biển Hàn Quốc hôm qua.

"Món quà" từ Bình Nhưỡng trong Ngày Độc lập

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi "hành động toàn cầu" để ngăn chặn mối đe dọa toàn cầu. Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Ông không nhắc đến vai trò của Trung Quốc.

Xác nhận công khai đầu tiên của Mỹ về quả tên lửa Triều Tiên mới phóng là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đã cho thấy một sự tiến bộ công nghệ lớn của Bình Nhưỡng.

Patrick Cronin, một chuyên gia về châu Á từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết, ông Donald Trump đã ở thế không thể quay đầu trong xử lý vấn đề Triều Tiên:

"Hoặc là chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao với ông Kim Jong-un, hoặc chúng tôi phải bắt đầu một quá trình hành động.

Khả năng nhiều là chúng tôi phải lựa chọn cả hai.". [1]

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, ảnh: The New York Times.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, ảnh: The New York Times.

Reuters ngày 5/7 dẫn nguồn tin KCNA cho biết:

Từ Triều Tiên, ông Kim Jong-un tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công và hoàn thành việc chế tạo vũ khí chiến lược, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom hạt nhân.

Kim Jong-un cũng khẳng định, nước ông sẽ không đàm phán với Hoa Kỳ để từ bỏ vũ khí hạt nhân cho đến khi nào Washington từ bỏ "chính sách thù địch" chống Bình Nhưỡng.

Bản tin của KCNA nói rằng:

"Với một nụ cười rạng rỡ, Chủ tịch (Kim Jong-un) nói với cán bộ, các nhà khoa học và chuyên viên kỹ thuật của mình rằng, Hoa Kỳ sẽ không hài lòng, vì họ nhận được "món quà" đúng Ngày Độc lập của mình.". [2]

Reuters lưu ý, việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa được tính toán lựa chọn thời điểm ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20, nơi các nước sẽ thảo luận việc kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết quả tên lửa bắn hôm qua là Hwasong-14, bay được 933 km và đạt độ cao 2802 km với thời gian bay khoảng 39 phút.

Trung Quốc sẽ không "giải cứu" Donald Trump

The Straits Times ngày 5/7 dẫn bình luận của The Washington Post cho rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng ngày hôm qua đã thách thức chiến dịch của Tổng thống Donald Trump nhằm cô lập Bắc Triều Tiên.

Mặc dù cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều tuyên bố, "kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng đã kết thúc, nhưng Nhà Trắng không giải thích rõ ràng điều đó có ý nghĩa gì.

Ông Anthony Ruggiero, một chuyên gia bình luận: 

Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa, Trung Quốc không "cứu" Donald Trump ảnh 2

Thông điệp của ông Donald Trump đằng sau sự "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên

"Thật không may, chính quyền Trump chỉ có vài lựa chọn khác hơn là gây áp lực kinh tế mạnh hơn với Trung Quốc và Triều Tiên.

Mỹ đã lãng phí 10 năm qua để đàm phán và rồi thất bại, sự kiên nhẫn chiến lược đã thất bại ngay từ đầu.

Một biện pháp trừng phạt mới do Mỹ dẫn đầu sẽ là câu trả lời tốt nhất, bởi Trung - Nga sẽ phủ quyết nếu đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an.". [3]

The New York Times ngày 4/7 cũng có chung nhận định: Tùy chọn của Tổng thống Donald Trump với Triều Tiên rất ít, nhưng lại nhiều rủi ro.

Giải pháp đầu tiên là Tổng thống Donald Trump có thể đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt, tăng cường hiện diện của hải quân Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Nhưng hăm dọa đã được chứng minh là biện pháp không hiệu quả.

Bởi nếu dọa mà Triều Tiên sợ thì ông Kim Jong-un đã không phóng tên lửa ngày hôm qua.

Bình Nhưỡng làm điều này cho dù vẫn biết rằng, nó chỉ dẫn đến các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn và cũng khiến Trung Quốc có thể can thiệp dứt khoát hơn.

Giải pháp thứ hai là đe dọa tấn công phủ đầu.

Nhưng trong 11 năm qua, Triều Tiên đã phát triển quá nhiều tên lửa với các chủng loại khác nhau, khiến một cuộc tấn công quân sự phủ đầu Bình Nhưỡng sẽ có thể bị trả giá.

Tên lửa Triều Tiên được giấu trong hang động và có thể được vận chuyển, cơ động rất nhanh.

Trong khi pháo binh, hỏa tiễn họ bố trí dày đặc ở biên giới có thể dội thẳng xuống Seoul, một thành phố 10 triệu dân và là trung tâm kinh tế năng động hàng đầu châu Á.

Liên quân Mỹ - Hàn tập trận bắn tên lửa hôm qua để phản ứng lại vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, ảnh: EPA / SCMP.
Liên quân Mỹ - Hàn tập trận bắn tên lửa hôm qua để phản ứng lại vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, ảnh: EPA / SCMP.

Giải pháp thứ 3 là đàm phán, như tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi khi thăm Mỹ thứ Sáu tuần trước.

Nó sẽ phải bắt đầu bằng việc đóng băng các hoạt động thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân ở miền Bắc, các hoạt động tập trận quân sự Mỹ - Hàn ở miền Nam.

Từ lâu ông Tập Cận Bình đã kêu gọi giải pháp này, và hôm qua Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi điều tương tự sau khi gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nhưng rủi ro của giải pháp này theo The New York Times, đó là phần thắng chủ yếu thuộc về Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Trong khi hoạt động của quân đội Mỹ tại Thái BÌnh Dương có thể bị hạn chế, làm xói mòn khả năng răn đe quân sự của liên minh Mỹ - Hàn.

Đó là chưa kể đàm phán với Triều Tiên là khó có một ý tưởng mới.

Tổng thống Bill Clinton đã cố gắng làm điều này năm 1994, trong khi Tổng thống Geogre W. Bush cũng theo đuổi nó trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, nhưng hai ông không thành công. [4]

CNN  ngày 4/7 đăng nhận định của tác giả Adam Cathcart, rằng Trung Quốc sẽ không "giải cứu" ông Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên.

Triều Tiên bám sát kế hoạch của họ, tin tưởng vào sự tiến bộ của nó và dường như không hề nao núng bởi 5 lệnh trừng phạt.

Không may cho ông Donald Trump, Bình Nhưỡng đã chờ đợi thời điểm một cách chính xác như những gì họ dự đoán sẽ xảy ra. 

Triều Tiên chờ đợi căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ - Trung bộc phát và sau đó thì phóng tên lửa.

Điều này làm cho khả năng hợp tác Trung - Mỹ như mong muốn của Tổng thống Donald Trump là rất khó xảy ra.

Mỹ vừa bán 1,4 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan, đơn phương trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc, thách thức yêu sách phi lý của họ ở vùng biển tranh chấp dưới khu vực Đông Nam Á...

Với những diễn biến này, thì làm gì có chuyện Bắc Kinh cam tâm tình nguyện giúp Washington? [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.cnbc.com/2017/07/04/us-officials-believe-north-korea-fired-first-missile-capable-of-reaching-alaska.html

[2]https://www.reuters.com/article/us-northkorea-missiles-idUSKBN19P02W

[3]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/pyongyangs-missile-launch-challenges-donald-trumps-campaign-to-isolate-north-korea

[4]https://www.nytimes.com/2017/07/04/us/politics/trump-north-korea-missile-icbm.html

[5]http://edition.cnn.com/2017/07/04/opinions/cathcart-north-korea-china-opinion/index.html

Hồng Thủy