Loay hoay quốc tế giáo dục ở Việt Nam

16/07/2017 07:30
Đất Việt
(GDVN) - Chiến lược tổng thể cho giáo dục và quốc tế hóa hiện đang ở đâu, để đảm bảo những đề án các đề án trong tương không bị tiếp tục thất bại?

LTS: Trao đổi về thực tế quốc tế hóa giáo dục tại Việt Nam, tác giả Đất Việt chỉ ra những vấn đề mà Việt Nam vẫn loay hoay chưa giải quyết được.

Theo đó, nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài có thể khẳng định chỗ đứng của mình tại Việt Nam nhưng tại sao giáo dục Việt Nam không để lại dấu ấn gì đặc biệt dù được đầu tư nhiều kinh phí?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm 2015-2016 là thời điểm có rất nhiều cuốn sách được xuất bản về vấn đề toàn cầu hóa, quốc tế hóa giáo dục, trong đó đặc biệt lưu tâm đến giáo dục đại học.

Lý do là bởi đây là thời gian kỷ niệm 15 năm nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục toàn cầu, sau khi trào lưu toàn cầu hóa về kinh tế thực sự tác động đến mọi nền kinh tế.

Giáo sư Bernhard Streitwiser của Đại học George Washington [2] là một trong số ít các nhà nghiên cứu có thâm niên nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục, với nền tảng học tập và giảng dạy tại Mỹ, có thời gian dài làm nghiên cứu tại châu Âu (Đức).

Hiện tại, ông quay về nghiên cứu mối quan hệ quốc tế hóa giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đối mặt với những thách thức mới. 

Ảnh chụp bìa cuốn sách “Quốc tế hóa đại học và Chuyển động của Toàn cầu” của Giáo sư Bernhard Streitwiser.
Ảnh chụp bìa cuốn sách “Quốc tế hóa đại học và Chuyển động của Toàn cầu” của Giáo sư Bernhard Streitwiser.

Cuốn sách “Quốc tế hóa đại học và Chuyển động của Toàn cầu” của Giáo sư Bernhard Streitwiser là một ấn phẩm xuất bản năm 2015 mà những chuyên gia về giáo dục, quốc tế hóa giáo dục đại học hay nghiên cứu về chính sách toàn cầu cho cấp quốc gia nên tìm đọc.

Hơn 3 năm học tập chuyên sâu về hệ thống quản trị đại học Mỹ, đặc biệt là về những hoạt động quốc tế giáo dục của đại học và giáo dục phổ thông của Mỹ, tôi nhìn thấy rất nhiều điểm khá thú vị. 

Mỹ là một quốc gia đa chủng tộc, và theo quan điểm cá nhân, Mỹ là một mô hình “liên hợp quốc” thu nhỏ.

Bởi chúng ta có thể tìm được hầu hết tính cách, chủng tộc, phương thức phát triển vừa theo chuẩn mực vừa mềm dẻo rất “Mỹ”, mà mọi người hay gọi là “melting pot” (lẩu thập cẩm).

Bất chấp thực tế trên, câu chuyện quốc tế hóa giáo dục Mỹ, từ phổ thông đến đại học và các chương trình sau đại học cũng vẫn được coi là một chương trình mới mẻ, vẫn đang rất cần nhiều nghiên cứu để tìm ra con đường cho thế hệ trẻ Mỹ không còn sống “cô lập” trong nước Mỹ nữa…

Từ Mỹ nhìn về Việt Nam và hệ thống giáo dục Việt Nam, do có lẽ còn nhiều nguyên nhân mà cá nhân tôi không đủ kiến thức để nhận định, nhưng nếu chỉ dựa trên những thông tin công bố chính thức, có nhiều chính sách về quốc tế hóa giáo dục Việt Nam cứ như đi lòng vòng, nhưng không xác định rõ được mục tiêu các hoạt động quốc tế giáo dục khả thi đến đâu, sẽ cần gì, đạt được gì, ai hưởng lợi từ những chương trình này.

Loay hoay quốc tế giáo dục ở Việt Nam ảnh 2

Thư ngỏ gửi Giáo sư Phillip Altbach về Quốc tế hóa giáo dục đại học

Theo đó, hơn 20 năm mở cửa về kinh tế, mở cửa giáo dục và hội nhập với quốc tế (dù là khu vực) ở một mức khá hạn chế.

Xin có một số nhận xét thông qua những chương trình và hoạt động quốc tế hóa giáo dục của Việt Nam.

Những nhận xét này hoàn toàn là ý kiến cá nhân và dựa trên những thông tin được công bố trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trên phương tiện truyền thông chính thống.

Với cấp giáo dục phổ thông

1. Thất bại của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông 2008-2020 đã và sẽ tạo ra những hạn chế lớn cho toàn bộ các thế hệ trẻ của Việt Nam trong quá trình hội nhập về tri thức và năng lực lao động, so với các nước trong khu vực và thậm chí với Lào và Campuchia.

2. Những hạn chế trong giảng dạy ICT (information and communication technology – công nghệ thông tin và truyền thông) từ cấp phổ thông đã làm học sinh Việt Nam yếu đi rất nhiều khả năng cạnh tranh học tập, những kỹ năng tự học và tự tìm hiểu những gì liên quan đến thế giới, thông qua tri thức mở hiện nay. 

Những hoạt động xã hội hóa gần đây thúc đẩy chương trình STEM (Science – Technology-Engineering-Math, dịch tạm, Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán) cho học sinh cần được thiết lập gắn chặt với mục tiêu chung của chương trình học tập khoa học và toán tại trường học phổ thông, đặc biệt trong chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến áp dụng vào các năm sắp tới.

3. Việc mở rộng và kéo dài các thí điểm chương trình dạy và bằng cấp chứng chỉ trong giáo dục phổ thông là một chỉ dấu rõ về việc chúng ta không rõ chúng ta sẽ đi về đâu trong việc quốc tế hóa giáo dục phổ thông. 

Ở Hà Nội, hiện tại đang cho thí điểm học sinh học song bằng và thi lấy bằng A của hệ thống giáo dục của Anh, trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh được khuyến khích học chương trình tích hợp STEM do EMG cung cấp, và thi lấy chứng chỉ của ACT của Mỹ.

Đại học quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) lại lựa chọn thi SAT (một hình thức thi chuẩn hóa kiến thức phổ thông của Mỹ) để xét tuyển đại học, trong khi không có chương trình dạy và học SAT chính thức trong giáo dục phổ thông. 

Loay hoay quốc tế giáo dục ở Việt Nam ảnh 3

Giáo dục công dân... rau muống

Những thực trạng thí điểm “loạn” xì ngầu, theo mô hình Hà Nội – Đà Nẵng đi theo chứng chỉ và chương trình Anh, Thành phố Hồ Chí Minh đi theo mô hình của Mỹ, vậy không rõ các tỉnh thành khác, nếu theo đúng quy định hiện nay về “tự chủ hợp tác chương trình với nước ngoài”, chúng ta có thể có 63 mô hình, 63 loại chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam…

Điều đáng ghi nhận nhất từ thực trạng trên là, hầu hết những quyết định lựa chọn chứng chỉ hay chương trình của Anh, của Úc, Mỹ hay Singapore, đều không dựa trên bất kỳ nghiên cứu khoa học hay định hướng theo chiến lược tổng thể về quốc tế hóa giáo dục quốc gia nào cả. 

Cả Việt Nam trở thành thí điểm giáo dục, và thực tế hơn, là thị trường tiêu thụ các chứng chỉ nước ngoài, nhưng sau đó, dù có ACT, SAT, hay A level, nhưng tiếng Anh, năng lực học tập của học sinh Việt Nam ra sao, và tương lai sau đó sẽ là gì, chưa ai trả lời được!

Với cấp đại học

1. Chứng chỉ TOEIC cho tốt nghiệp đại học

Quy định về việc sinh viên đại học đạt chuẩn tiếng Anh tối thiểu (ở đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn thi TOEIC, Mỹ) trước khi lấy bằng tốt nghiệp, nhằm buộc sinh viên phải có ưu tiên học tiếng Anh. 

Tiếc là, vì đi từ quy định hành chính, từ Bộ xuống trường và sinh viên, mà thiếu các cơ chế cung ứng giáo viên đạt chuẩn giảng dạy, môi trường học và thực hành tiếng Anh, thậm chí giờ học tiếng Anh cũng không đủ, trong khi hầu hết học sinh từ phổ thông lên đại học, tiếng Anh gần như không có gì (theo bộc bạch của Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)… tất cả đã làm cho việc dạy và học tiếng Anh như một cuộc chiến đấu mà biết rõ hồi kết là sinh viên “thua” tiếng Anh. 

Loay hoay quốc tế giáo dục ở Việt Nam ảnh 4

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào?

Môi trường dạy và khuyến khích sinh viên tự học tiếng Anh, thực hành tiếng Anh trong thời gian từ phổ thông không được thiết lập, lên đại học cũng không giúp ích họ nâng cao khả năng học tiếng Anh, kết hợp cùng với tâm lý “học để thi lấy chứng chỉ đủ để tốt nghiệp”, thay vì học để sử dụng suốt đời, để kiếm việc và học tập cùng thế giới, đã tạo nên một tâm lý rất khó cởi bỏ cho sinh viên Việt Nam, về hạn chế tiếng Anh, dẫu cho họ đều có chứng chỉ TOEIC.

2. Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài

Theo thông tin cập nhật của Cục Đào tạo nước ngoài – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Hầu hết tập trung vào các chương trình đào tạo các ngành quản trị kinh doanh, kế toán-tài chính, thương mại, ngôn ngữ…

Trong khi những ngành về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, giáo dục, hầu như rất ít. 

Nếu điểm tên các đối tác chương trình liên kết đã đăng ký tại Việt Nam, phần nhiều không có những tên tuổi các trường đối tác có uy tín và được ghi nhận có yếu tố quốc tế cao. 

Trong nhiều chương trình, do những hạn chế của trường Việt Nam, chương trình liên kết, mặc dù có kiểm định của nước ngoài, nhưng đã bị hủy kiểm định hoặc đối tác là trường không có độ tín nhiệm cao (mặc dù có kiểm định trường, nhưng chương trình thì không).

Từ đó dẫn đến, thực trạng liên kết đào tạo ở Việt Nam hoặc được coi như thị trường thứ cấp cho các chương trình yếu kém của nước ngoài mang vào Việt Nam, và dành cho học sinh yếu kém của Việt Nam (do không đạt điểm vào đại học công lập hàng đầu của Việt Nam) hoặc ở tình trạng chương trình 2+2, 1+3, 3+1, một hình thức tuyển sinh tại Việt Nam, bổ sung tiếng Anh và một số kiến thức nhất định rồi chuyển đổi sang nước khác, học lại chương trình hoặc học tiếp. 

Nhiều đại học Việt Nam đang tự nguyện biến mình trở thành trung tâm tuyển du học sinh, trực tiếp hay gián tiếp, cho các đại học nước ngoài, để kiếm tiền hoa hồng, mà quên hoàn toàn trách nhiệm và ý nghĩa của một chương trình liên kết đào tạo thực sự: nâng cao năng lực giảng dạy và quản trị chương trình theo chuẩn quốc tế. 

Đây là một mặt trái của liên kết đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, trừ một số ít chương trình kiên định với chất lượng đào tạo, cho sinh viên Việt Nam và cho giảng viên Việt Nam. 

Xét dưới nhiều khía cạnh, Việt Nam đã không thu được gì nhiều, dẫu cho các trường có ghi hàng loạt chương trình liên kết với nước ngoài, đặc biệt là năng lực giảng dạy có trình độ quốc tế của Việt Nam hầu như không thay đổi trong hơn 15 năm qua.

3. Chương trình đào tạo tiên tiến

Loay hoay quốc tế giáo dục ở Việt Nam ảnh 5

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

Trong những nỗ lực quốc tế hóa chương trình đào tạo cử nhân tại một số trường, chương trình đào tạo tiên tiến, với giáo trình nhập khẩu từ Mỹ, chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, tiếc là, như đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, “Hết tiền dự án, chương trình cũng lịm tắt… như ngôi sao cô đơn” [3]. 

Điều đáng lưu tâm từ Hội nghị tổng kết chương trình tiên tiến từ 2006-2016, là nhận xét về “chương trình tiên tiến là bước đệm cho du học nước ngoài” và “bản thân các đối tác (nước ngoài của chương trình – NV) chưa công nhận tín chỉ như chương trình của họ” [4].

Một chương trình nhập khẩu nước ngoài, có hỗ trợ về đào tạo giảng viên từ các trường đối tác, nhưng kết quả là những chương trình tốt, sinh viên học tốt thì đi nước ngoài học tiếp hay làm tiếp, những phần còn lại ở Việt Nam thì chưa được công nhận tương đương với nước ngoài, mặc dù, theo báo cáo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp từ chương trình tiên tiến có việc làm cao hơn tỷ lệ trung bình các chương trình khác. 

Nhưng khi tiền dự án hỗ trợ cho chương trình hết, chất lượng giảng dạy và học lại quay về tình trạng chung. 

Vậy, chúng ta nhập khẩu tri thức, nhưng chưa làm chủ được tri thức nhập khẩu, quy trình quốc tế hóa và mở rộng ra các chương trình khác, mặc dù tiền trả cho nhập khẩu không hề rẻ. 

Cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này? Hơn thế, với nhập khẩu trực tiếp, có giáo viên nước ngoài hỗ trợ trực tiếp, chất lượng đào tạo và nâng cao năng lực dạy của giáo viên Việt Nam cũng chưa cải thiện nhiều.

Vậy mà giờ này, chúng ta hô hào kết nối giảng dạy online với các trường đối tác, liệu chúng ta có cải thiện chất lượng giảng dạy và học được không? Hay mọi sự “thí điểm” đã, kết quả tính sau?

4. Các trường đại học đẳng cấp quốc tế

Từ năm 2008, Chính phủ chủ trương thành lập đại học đẳng cấp, với Đức, Pháp và Nhật, dựa trên vốn vay ODA hơn 500 triệu đô la Mỹ, nhằm tạo ra một trường đại học Việt Nam lọt vào Top 200 thế giới [5]. 

Chi tiết phân tích về thực trạng của hai đại học đẳng cấp, Việt – Đức và Việt – Pháp, xin nhường cho các chuyên gia nghiên cứu đã viết trong bài “Đại học xuất sắc của Việt Nam đang ở đâu”, theo đường link dưới đây [5]. 

Kết lại, chỉ xin có một ý nhỏ mà cá nhân tôi luôn tự hỏi, tại sao các trường quốc tế như RMIT, Fulbright, British University of Vietnam, hay các trường phổ thông quốc tế, vào Việt Nam vận hành với số vốn bằng 1/10 số vốn của đại học đẳng cấp Việt Nam, và họ thành công cả về thương mại và danh tiếng ở Việt Nam, trong khi chúng ta tiêu rất nhiều tiền, cho rất nhiều dự án, rất to tát về từ ngữ, nhưng cuối cùng, chúng ta đang ở đâu trong bản đồ quốc tế về giáo dục?

Khi chúng ta nhìn vào những đề án và chương trình cơ bản liên quan đến những hoạt động quốc tế hóa trên đây, chúng ta học được điều gì?

Chiến lược tổng thể cho giáo dục và quốc tế hóa hiện đang ở đâu, để đảm bảo những đề án ngoại ngữ, đề án tiên tiến, đề án STEM và tất cả các đề án trong tương lai không bị tiếp tục thất bại?

Nếu không có một đề án quốc gia đủ tốt, mọi chương trình từ phổ thông lên đại học đều gãy đổ và dở dang, bất chấp chúng ta có tiêu bao nhiêu tiền, có nhập khẩu chương trình từ ai, và có dùng giáo viên nước ngoài vào giảng dạy…

Chúng ta định loay hoay đến khi nào?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.symposium-books.co.uk/bookdetails/87/

[2] https://gsehd.gwu.edu/faculty/bernhard-streitwieser

[3] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161231/chuong-trinh-dao-tao-tien-tien-nhu-ngoi-sao-co-don/1245064.html

[4] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.html

[5] http://thanhnien.vn/giao-duc/dh-xuat-sac-viet-nam-dang-o-dau-muc-tieu-qua-cao-so-voi-thuc-tien-689693.html

Đất Việt