Bộ Y tế áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt giá thuốc

16/06/2017 07:10
Diệu Linh
(GDVN) - Giá thuốc tên gốc trúng thầu tại Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở khoảng trung bình.

Báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian vừa qua, triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật đấu thầu và nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc.

Đối với hệ thống bán lẻ thuốc, hiện trên cả nước có khoảng 40 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc, thực hiện cơ chế niêm yết công khai giá bán lẻ và cạnh tranh theo cơ chế thị trường. 

Đối với các nhà thuốc trong bệnh viện, giá bán lẻ phải thực hiện theo quy định về thặng số bán lẻ từ 2%-15% trên trị giá thuốc tại Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 quy định về tổ chức của cơ sở bán lẻ trong bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. ảnh: TTXVN.

Minh bạch và bình ổn giá thuốc

Công tác đấu thầu thuốc đã đạt được các kết quả tích cực rõ rệt: Đảm bảo việc thực hiện thống nhất trên cả nước về đấu thầu thuốc.

Các quy định về đấu thầu mua thuốc sửa đổi từ năm 2012 đã bổ sung việc phân chia nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật, mỗi nhóm thuốc lựa chọn một thuốc trúng thầu theo Luật đấu thầu, đồng thời ban hành Mẫu hồ sơ mời thầu kèm theo các tiêu chí, điểm chấm thầu để áp dụng thống nhất trên cả nước.

Ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý: Quy định về hồ sơ mời thầu đã bổ sung các tiêu chí để ưu tiên việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước theo quy định của Luật đấu thầu như: chấm điểm ưu tiên cho các thuốc sản xuất trong nước; ưu tiên cho các thuốc có chứng minh tương đương sinh học; ban hành danh mục các thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp sẽ không chào thầu thuốc nhập khẩu.

Tăng cường tối đa việc công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc:

Các thông tin phục vụ đấu thầu đã được Bộ Y tế quy định rõ và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị thống nhất tra cứu, đánh giá trong quá trình lựa chọn nhà thầu, hạn chế tối đa các tài liệu nhà thầu phải nộp nên đã giúp cải cách thủ tục hành chính và công khai minh bạch trong công tác đấu thầu.

Tăng cường hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân: Thống kê kết quả trúng thầu của các Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.

Với các giải pháp quản lý giá thuốc chặt chẽ trên,về cơ bản tình hình thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 đã khảo sát giá thuốc theo phương pháp của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy: Giá thuốc tên gốc trúng thầu ở Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở Việt Nam ở khoảng trung bình so với số liệu quốc tế. 

Theo dữ liệu khảo sát của IMS (Tổ chức nghiên cứu thị trường đa quốc gia chuyên cung cấp các dữ liệu nghiên cứu thị trường), giá thuốc cả nhóm thuốc biệt dược gốc và nhóm thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á ở hầu hết các nhóm tác dụng điều trị (thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, điều trị tăng mỡ máu, kháng sinh, ung thư).

Chẳng hạn, giá thuốc biệt dược điều trị bệnh tiểu đường ở Việt Nam chỉ bằng 90% so với giá trung bình của các nước trong khu vực, giá thuốc generic kháng sinh ở Việt Nam chỉ bẳng 57% so với giá trung bình của khu vực...

Những tồn tại và giải pháp khắc phục

Dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng trên thực tế vẫn còn có sự chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc:

Việc quy định đấu thầu tập trung cấp địa phương đã cơ bản giải quyết việc chênh lệch giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố so với trước đây.

Tuy nhiên, hiện tại trên cả nước có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và 44 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau…nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế.

Tuy có chênh lệch giá trúng thầu ở một số trường hợp nhưng mức chênh lệch không lớn và đã được kiểm soát chặt chẽ, cụ thể:

Tất cả giá thuốc kế hoạch đấu thầu đều không được vượt giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và giá kê khai do Tổ Công tác liên ngành của Bộ Y tế - Bộ Tài chính – Bộ Công Thương rà soát chặt chẽ và công bố.

Giá thuốc trúng thầu đã qua cạnh tranh và cũng không được vượt giá kê khai.

Ngoài ra, giá thuốc biệt dược gốc hết bản quyền chưa được giảm giá hiệu quả: Các quy định mới về đấu thầu thuốc đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tiền thuốc tại các gói thầu thuốc generic, tuy nhiên các thuốc biệt dược gốc, đặc biệt các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ việc giảm giá chưa thực sự hiệu quả.

Dù Bộ Y tế đã bổ sung quy định về đàm phán giá cấp quốc gia với các loại thuốc này nhưng đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng vì đây là cơ chế mới.

Giá bán lẻ của một số nhà thuốc bệnh viện chưa được quản lý chặt chẽ, do tính chất đặc thù của các nhà thuốc bệnh viện: Hiện tại, các bệnh nhân nội trú, có bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập được chi trả tiền thuốc theo giá trúng thầu, là giá đã cạnh tranh thông qua đấu thầu.

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đến bệnh viện khám, chữa bệnh ngoại trú, không có bảo hiểm y tế được kê đơn mua thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện nhưng nhiều trường hợp các bác sĩ không kê đơn thuốc đã trúng thầu mà kê đơn thuốc hoàn toàn tương tự nhưng không nằm trong danh mục trúng thầu và giá cao hơn.

Do đó, cần có quy định đối với giá mua vào phù hợp hơn (hiện đã có quy định mức thặng số bán lẻ tối đa) để đảm bảo bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập có được mức giá hợp lý nhất.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá cấp quốc gia và đã được Quốc hội bổ sung vào Luật đấu thầu 2013, qua đó làm cơ sở để triển khai thực hiện, giải quyết triệt để hơn nữa một số trường hợp chênh lệch giá trúng thầu giữa các địa phương.

Triển khai các quy định này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập trong đó triển khai đàm phán giá và đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia; Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 của Bộ Y tế trong đó quy định danh mục thuốc đấu thầu tập trung và danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Quản lý chặt giá thuốc không để thiệt hại cho người bệnh. ảnh: Báo Tin Tức.
Quản lý chặt giá thuốc không để thiệt hại cho người bệnh. ảnh: Báo Tin Tức.

Hiện tại, Bộ Y tế đang khẩn trương tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có kết quả đàm phán giá và đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia và sẽ khắc phục triệt để hơn nữa việc chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang triển khai sửa đổi Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 trong đó sửa đổi quy định về việc đấu thầu mua các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ có nhiều thuốc thuộc nhóm có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương (Nhóm 1 – thuốc sản xuất tại Châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc), đã đáp ứng nhu cầu điều trị theo hình thức đấu thầu rộng rãi với gói thầu thuốc generic.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 698 thuốc biệt dược gốc đã được công bố, trong đó có khoảng 477 thuốc đã hết thời hạn bảo hộ và đã có các thuốc generic được cấp phép lưu hành. Ước tính sơ bộ, nếu đấu thầu rộng rãi khoảng 100 thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền, đã có từ 3 số đăng ký thuốc generic thuộc  nhóm có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương sẽ tiết kiệm  khoảng 10% trị giá tiền thuốc mua sắm của các cơ sở y tế.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ cấu mua sắm, sử dụng hợp lý giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic trên nguyên tắc đảm bảo phục vụ tốt công tác điều trị của các cơ sở y tế và tránh lạm dụng việc sử dụng các thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền, chi phí lớn để đảm bảo tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ bảo hiểm y tế.

Dự kiến Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên sẽ ban hành trong tháng 7/2017.

Bộ Y tế cũng đang tiến hành sửa đổi quy định quản lý danh thặng số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Để đảm bảo quyền lợi của người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đồng thời đảm bảo đúng mục tiêu phục vụ của các nhà thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (phục vụ nhu cầu thuốc các bệnh nhân ngoại trú và đảm bảo đủ chi phí cho hoạt động cơ sở bán lẻ này), Bộ Y tế đã thống nhất với các Bộ, ngành đề xuất Chính phủ quy định rõ tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP:

Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng tính đến trước thời điểm mua thuốc với giá mua vào không vượt giá trúng thầu.

Giá bán cho người bệnh phải thực hiện theo mức thặng số bán lẻ tính từ giá mua vào (theo giá trúng thầu) từ 2%-15% căn cứ trị giá của thuốc theo quy định.

Từ ngày 01/01/2018, các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện theo quy định này.

Diệu Linh