Những yêu cầu cấp bách nâng cao hệ thống y tế cơ sở

17/06/2017 15:09
Diệu Linh
(GDVN) - Bộ Y tế đã báo cáo đề nghị với Quốc hội, Chính phủ một loạt các giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian vừa qua, hệ thống y tế cơ sở đã từng bước được củng cố và phát triển, bao phủ rộng khắp toàn quốc:

100% số xã, phường, thị trấn đã có cán bộ y tế hoạt động, trong đó chỉ có 0,6% số xã chưa có cơ sở nhà trạm;

78,5% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, 98,2% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 88% số tổ dân phố và thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, trong đó 96,9% thôn bản vùng khó khăn có nhân viên y tế thôn bản, 65% số trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Số nhân lực y tế tuyến huyện là 109.000 người, trong đó có 19.000 bác sỹ (35% tổng số bác sỹ tại các địa phương). Tổng số nhân viên y tế tuyến xã khoảng 71.000 người chiếm 23% tổng số nhân lực y tế của các tỉnh, trong đó có khoảng 8.500 bác sỹ.

Hiện có 19/63 tỉnh thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện 2 chức năng – khám, chữa bệnh và y tế dự phòng; có 629 bệnh viện đa khoa tuyến huyện với 71.336 giường bệnh, 544 phòng khám đa khoa khu vực với 6.134 giường bệnh (chiếm 50,4% tổng số bệnh viện và 26,5% giường bệnh của cả nước).

Chính phủ đã ưu tiên đầu tư nguồn vốn trái phiếu chính phủ để xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất cho 598 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực. Nhiều trạm y tế xã cũng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ, vay ưu đãi nước ngoài. Đã thực hiện được một số chế độ, chính sách cho y tế cơ sở.

Y tế cơ sở luôn đóng vai trò là nền tảng và là niềm tự hào của y tế Việt Nam nhiều năm qua; đặc biệt là vai trò then chốt trong việc triển khai các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giám sát và khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lớn xảy ra.

Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…

Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là bệnh viện đa khoa huyện tăng lên rõ rệt (Tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng từ 11,9% năm 2004 lên 17,6% năm 2010, lượt khám chữa bệnh nội trú tăng từ 35,4% năm 2004 lên 38,2% năm 2010).

Đã triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Các bệnh viện, trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp, được chuyển giao kỹ thuật nên năng lực cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, nên dù còn là một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bộ Y tế tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở. ảnh minh họa: TTXVN.
Bộ Y tế tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở. ảnh minh họa: TTXVN.

Vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, nhưng hệ thống y tế cơ sở thực tế vẫn chưa đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thứ, như :

Năng lực quản trị và hệ thống thông tin quản lý chậm được đổi mới.

Tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian quan chưa ổn định, trong vòng 10 năm tổ chức y tế tuyến huyện thay đổi 3 lần, tạo ra những biến động cả về tổ chức, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ.

Đội ngũ nhân lực y tế thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng chuyên môn.

72.6% dân số sống ở khu vực Nông thôn, nhưng số bác sỹ làm việc trong khu vực này chỉ chiếm 41% trong tổng số bác sỹ của cả nước và số dược sỹ chỉ chiếm 18% số dược sỹ cả nước.

Xảy ra tình trạng nhiều cán bộ  y tế có trình độ cao xin chuyển công tác từ địa phương về trung ương, từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ các chuyên khoa ít hấp dẫn sang các chuyên khoa hấp dẫn, từ y tế công lập sang y tế tư nhân, từ nông thôn, miền núi về các thành phố lớn.

Những yêu cầu cấp bách nâng cao hệ thống y tế cơ sở ảnh 2

Bộ Y tế áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt giá thuốc

Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, các trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện, nhưng thanh toán Bảo hiểm y tế lại thông qua bệnh viện huyện (ở những nơi đã tách trung tâm và bệnh viện huyện).

Cơ chế quản lý tài chính đối với tuyến huyện, tuyến xã phụ thuộc vào phân cấp quản lý tài chính, ngân sách của địa phương nên cũng ảnh hưởng đến đầu tư và hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.

Chưa có tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách cho tuyến huyện, tuyến xã phù hợp, thống nhất: Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu không được đưa vào kế hoạch và phân bổ kinh phí để triển khai hoặc nếu có thì ở mức rất thấp, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ: Mặc dù đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư cho phần lớn các bệnh viện tuyến huyện, nhưng đến nay vẫn còn một số bệnh viện thuộc các huyện mới được thành lập do chia tách, chưa có trong danh mục dự án được đầu tư theo Nghị quyết 881/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nên không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và cũng không được bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

Theo thống kê, hiện còn 460 trung tâm y tế huyện làm một chức năng là y tế dự phòng, do đã tách riêng bệnh viện huyện; những trung tâm này hầu như chưa được quan tâm đầu tư nên cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều nơi còn chưa có trụ sở, phải ở tạm, nhiều nơi mới chỉ có nhà cửa, chưa có trang thiết bị, nên không thể thu hút cán bộ y tế về công tác.

Số trạm y tế xã được đầu tư không nhiều, trong thời gian qua mới đầu tư được khoảng 10% số trạm y tế xã.

Năng lực cung ứng dịch vụ hạn chế, trạm y tế xã chỉ thực hiện được 52,2% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật; hiện còn khoảng 24% bệnh viện huyện (2014) có công suất sử dụng giường bệnh dưới tải (<80%).

Trước tình hình này, ngoài các giải pháp đã thực hiện, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều giải pháp khác trong thời gian tới:

Đẩy mạnh công tác truyền thông để các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân hiểu về tầm quan trọng, vai trò của y tế cơ sở - nền tảng của hệ thống y tế; nâng cao nhận thức và trách nhiệm, quan tâm đầu tư đến y tế cơ sở.

Tổ chức thực hiện và tiếp tục rà soát để đổi mới, hoàn thiện các chính sách, quy định, văn bản hiện có liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở.

Tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe các cấp tại địa phương, phát huy trách nhiệm của các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng và người dân.

Phân loại các trạm y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về tiêu chí quốc gia y tế xã, trong đó chia thành 3 vùng, để đầu tư cho phù hợp, không dàn trải, tránh lãng phí.

Tăng cường công tác đào tạo, luân phiên người hành nghề từ trung tâm y tế, bệnh viện huyện về trạm y tế xã và ngược lại; từ bệnh viện tỉnh về bệnh viện huyện… để nâng cao chất lượng nhân lực; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở, các vùng khó khăn.

Bộ Y tế cũng đề xuất 2 giải pháp trọng tâm trong năm 2018:

Thực hiện quản lý sức khỏe đến từng người dân để mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 01 lần/năm, mục tiêu 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe.

Đẩy mạnh và mở rộng quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, chăm sóc giảm nhẹ và phục hồi chức năng tại nhà, tại cộng đồng.

Đồng thời, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư cho y tế cơ sở từ ngân sách nhà nước năm 2018 theo Nghị quyết 18 của Quốc hội, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất.

Diệu Linh