Tại sao các trường tư thục ở tỉnh lẻ lại đang thoi thóp?

29/07/2017 06:27
KIÊN TRUNG
(GDVN) - “Nếu như các trường tư cứ chờ đợi học sinh không đủ điểm ở các trường công nộp hồ sơ sang học bên mình như hiện nay thì rất khó để phát triển bền vững".

LTS: Phản ánh tình trạng mất cân đối trong việc tuyển sinh dẫn đến nguy cơ giải thể một số trường như hiện nay, tác giả Kiên Trung một cây bút quen thuộc đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của mình nhằm chỉ ra những nguyên nhân của vấn đề này.

Theo đó, tác giả cho rằng bản thân các trường cũng phải tự “lột xác”, thay đổi chiến lược phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có chất lượng nhằm thu hút người học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, ngày 24/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định cho phép giải thể Trường Trung học tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì lý do không tuyển sinh được học sinh trong năm học 2016 - 2017.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi và các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Trường Trung học tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện giải thể theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, nhân viên, học sinh và người lao động theo quy định; giao nộp con dấu của trường cho cơ quan có trách nhiệm quản lý. 

Hình ảnh Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ảnh: sggp.org.vn)
Hình ảnh Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ảnh: sggp.org.vn)

Hội đồng quản trị Trường Trung học tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải thể trường.

Trong đó, có việc liên quan đến tài chính, tài sản; đất đai; thanh toán công nợ; quyền lợi của giáo viên, nhân viên, học sinh và người lao động của trường; giải quyết thắc mắc, khiếu nại và các nội dung khác có liên quan đến việc giải thể.

Trường Trung học tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm là 1 trong 3 trường thuộc loại hình dân lập, tư thục đóng trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập vào năm 2014. 

Ngoài số em đã thi tốt nghiệp lớp 12 vừa qua thì hiện tại trường chỉ có 32 học sinh khối lớp 11, riêng khối lớp 10 thì không có học sinh nào. 

Khuôn viên trường tương đối khang trang, phòng học, phòng vi tính đầy đủ với 3 dãy nhà, song do không tuyển sinh được đủ số lượng học sinh nên đã xin tạm dừng dạy và học, tiến hành giải thể sau 4 năm được cấp phép. 

Để đảm bảo học tập cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với trường đã chuyển 31 em lớp 11 sang Trường trung học phổ thông dân lập Hoàng Văn Thụ và 1 em sang Trường trung học phổ thông tư thục Trương Định. 

Trường trung học phổ thông tư thục Trương Định đóng tại thành phố Quảng Ngãi (trước đây là huyện Sơn Tịnh), đã có một thời “ăn nên làm ra” với số lượng học sinh ổn định nhưng mấy năm nay đã rơi vào tình thế thoi thóp.

Tại sao các trường tư thục ở tỉnh lẻ lại đang thoi thóp? ảnh 2

Tuyển sinh lớp 10: Trường "ăn" chẳng hết, nơi lần chẳng ra

Trường đứng trước nguy cơ phải giải thể nay mai, vì tuyển sinh vào lớp 10 gặp nhiều khó khăn, mỗi khối chỉ được 1 lớp chưa đến vài chục em.  

Ở tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, chỉ còn duy nhất Trường trung học phổ thông dân lập Hoàng Văn Thụ vẫn duy trì được hoạt động, mỗi khối vài, ba lớp. 

6 trường trung học phổ thông công lập ở khu vực thành phố Quảng Ngãi vừa thông báo điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 là các bộ phận, giáo viên, nhân viên phải lo đi đến các trường để chào đón, tìm kiếm học sinh…        

Không riêng gì tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống các trường trung học phổ thông tư thục của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cũng rơi vào tình thế đặc biệt khó khăn.

Thậm chí, có trường còn đứng trước nguy cơ giải thể từ nhiều năm nay khi mà số lượng hồ sơ tuyển sinh lớp 10 của các trường trung học phổ thông tư thục ngày càng “giảm dần”. 

Năm học 2013 - 2014, Trường trung học phổ thông tư thục Khai Trí (Đà Nẵng) được giao chỉ tiêu là 135 nhưng chỉ tuyển được 33 em.  

Trường trung học phổ thông Phạm Văn Đồng (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), toàn trường chỉ có 3 lớp cho cả 3 khối 10, 11 và 12 với 14 học sinh/khối; khối 12 có nhỉnh hơn một chút cũng chỉ có 15 em. 

Thế nên, số học sinh của toàn trường thậm chí chưa bằng sĩ số của một lớp ở trường công với tổng cộng 43 em. 
Có bề dày 18 năm hoạt động, nhưng 6 năm học trở lại đây, Trường trung học phổ thông Hà Huy Tập (Quảng Nam) cũng chỉ tuyển mới chưa đến 100 em  khối 10. 

Theo số liệu tuyển sinh của Trường trung học phổ thông Quang Trung (Đà Nẵng) thì chưa có năm nào, số lượng tuyển mới học sinh vào lớp 10 lại thê thảm (khoảng 2 lớp) như 3, 4 năm trở lại đây. 

Các năm về trước, nhà trường từng tuyển được 4 - 6 lớp 10. Đã có những thời điểm, số lượng tuyển sinh mới lớp 10 của trường đủ để biên chế từ 8 - 10 lớp, học sinh muốn vào Trường Quang Trung phải có hạnh kiểm khá trở lên. 

Số lượng học sinh suy giảm nghiêm trọng buộc các trường trung học phổ thông tư thục, dân lập ở đây phải cho hàng chục giáo viên, nhân viên hợp đồng nghỉ việc, phải cắt giảm nhiều khoản chi, mức chi lương cho nhân viên, giáo viên đứng lớp cũng giảm theo.

Tại sao các trường tư thục ở tỉnh lẻ lại đang thoi thóp? ảnh 3

Thừa Thiên - Huế mất cân bằng trong tuyển sinh lớp 10

Các nguyên nhân tình trạng tuyển sinh của các trường trung học phổ thông tư thục và dân lập ở các thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày càng gặp khó khăn là do:

“Quy mô học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở đây có xu hướng giảm từ nhiều năm nay và còn tiếp tục ở những năm tới, trong khi số lượng giáo viên và trường lớp công lập lại không thay đổi. 

Mặt khác, mức học phí cao hơn gấp nhiều lần so với các trường công lập, chất lượng đầu vào lại thấp ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình dạy - học… nên trường tư khó thu hút học sinh. 

Hơn nữa, hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng khác có rất nhiều chính sách hấp dẫn để tuyển số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”. 

Ngoài ra, có thời điểm phương án tuyển sinh của một số địa phương là xét tuyển kết hợp với phân tuyến theo trường trung học cơ sở và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông công lập ở mức cao trên 90% đã khiến các trường trung học phổ thông tư thục, dân lập rơi vào tình trạng khốn khó. 

Nhiều nhà quản lý giáo dục ở các địa phương này đưa ra lời cảnh báo: “Nếu như các trường tư cứ chờ đợi học sinh không đủ điểm ở các trường công mới nộp hồ sơ sang học bên mình như hiện nay thì rất khó để phát triển bền vững.

Bản thân từng trường phải tự “lột xác”, thay đổi chiến lược phát triển, đầu tư cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có chất lượng…”.  

KIÊN TRUNG