Phó giáo sư Trần Văn Tớp: điểm cao mà rớt đại học là do chủ quan và thiếu tư vấn

04/08/2017 07:27
Hồng Ngọc
(GDVN) - Ngành giáo dục cần đúc kết những kinh nghiệm hay, những bài học quý, kể cả những tồn tại, những bất cập để kỳ thi và tuyển sinh năm 2018 tốt hơn.

Phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã có những nhận định về đợt xét tuyển đầu tiên của năm 2017 cũng như những lời khuyên dành cho các thí sinh trước khi bước vào đợt xét tuyển thứ 2.

Phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Chạy phần mềm xét tuyển rất “nhàn”

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về kỳ tuyển sinh đại học năm nay?

Phó giáo sư Trần Văn Tớp: Cá nhân tôi đánh giá kỳ tuyển sinh đại học năm nay có những mặt được như: Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 đã có nhiều bước thay đổi quan trọng, kế thừa và rút kinh nghiệm từ các kỳ tuyển sinh năm 2015, 2016.

Điểm thay đổi quan trọng nhất là tạo cơ hội và đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh bằng cách cho phép các em có thể đăng ký không hạn chế số nguyện vọng và số trường, các nguyện vọng đều bình đẳng với nhau.

Việc chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo từ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án tuyển sinh của các trường đã chuẩn bị rất sớm trước khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học; công tác chuẩn bị các công cụ hỗ trợ xét tuyển, lọc ảo được chuẩn bị kĩ càng, chạy thử, tập huấn cho các trường trước và nhiều lần.

Bên cạnh đó, việc đăng ký nguyện vọng cùng với đăng ký thi tốt nghiệp và cho phép thí sinh sau khi biết điểm được điều chỉnh nguyện vọng online cũng là cải tiến rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và giảm công việc đăng ký tại các trường đại học. Thí sinh, không phải vất vả, xếp hàng để được nộp phiếu đăng ký xét tuyển.

Hay việc lọc ảo chung để tránh thí sinh ảo cũng là điểm đặc biệt và rất hiệu quả của năm 2017. Việc thành lập 2 nhóm xét tuyển lớn ở khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam giống như một lần tiền lọc ảo, các trường trong nhóm chia sẻ thông tin, cùng nhau lọc ảo từ nội bộ nhóm, nên khi lọc ảo toàn quốc cũng sẽ nhanh chóng và chính xác hơn, tạo tiền đề tốt cho xét tuyển tập trung trong các năm tới.

Việc xét tuyển năm nay tại Trường Đại học Bách khoa diễn ra như thế nào? Việc mặt bằng chung nhiều thí sinh điểm cao có gây khó khăn cho nhà trường trong quá trình xét tuyển hay không?

Phó giáo sư Trần Văn Tớp: Đề án xét tuyển của Trường đại học Bách khoa Hà Nội được công bố sớm và quá trình xét tuyển dựa trên Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 và đề án tuyển sinh của trường.

Các tổ hợp xét tuyển, nhóm ngành xét tuyển, chỉ tiêu của từng nhóm ngành không có thay đổi gì so với năm 2016, ngoại trừ năm nay trường công bố sử dụng 2 tiêu chí phụ để xét tuyển là tổng điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển và thứ tự nguyện vọng.

Do mặt bằng chung điểm thi năm nay cao hơn và căn cứ số thí sinh đăng ký ban đầu vào trường khá đông nên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay cũng tăng so với năm 2016.

Nhóm ngành cao nhất có ngưỡng đăng ký xét tuyển là từ 24 điểm và nhóm ngành thấp nhất, ngưỡng đăng ký xét tuyển cũng từ 20 điểm trở lên.

Quá trình xét tuyển hết sức “nhẹ nhàng” và chính xác do Trường đại học Bách khoa Hà Nội có phần mềm xét tuyển đã được thử nghiệm từ nhiều năm nay. Năm 2016 đã phát triển mở rộng cho nhóm gồm 12 trường đại học và năm 2017 tiếp tục phát triển cho nhóm xét tuyển miền Bắc gồm 56 trường cơ sở đào tạo đại học.

Phó giáo sư Trần Văn Tớp: điểm cao mà rớt đại học là do chủ quan và thiếu tư vấn ảnh 2

Công nghệ 4.0 tích hợp trong chương trình tinh hoa của Đại học Bách khoa Hà Nội

Yêu cầu của mỗi trường khác nhau, mỗi ngành tuyển sinh cũng có sự khác nhau từ tổ hợp xét tuyển đa dạng, cách tính điểm khác nhau, thang điểm khác nhau, tiêu chí phụ, nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập huấn cẩn thận, đặc biệt là bộ phận kỹ thuật tập dượt rất kỹ với những bộ dữ liệu giả định để hoàn thiện phần mềm một cách tốt nhất nên khi chạy xét tuyển thật thì rất “nhàn”.

Kết quả là chỉ sau 3 lần chạy phần mềm xét tuyển, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội hầu như không phải điều chỉnh gì cả, điểm chuẩn gần như không thay đổi trong các lần tiếp theo.

Sau các lần phần mềm lọc ảo của Bộ thực hiện lọc ảo toàn quốc, chúng tôi cũng chỉ “vi chỉnh” đảm bảo số thí sinh trúng tuyển nằm trong quy định chung có xét đến yếu tố “tăng ảo”.

Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cũng thực hiện công bố kết quả tập trung cho 39 trường đại học, học viện trong Nhóm xét tuyển miền bắc có uỷ quyền công bố.

Đêm ngày 31/7, chúng tôi mới công bố danh sách trúng tuyển, nhưng ngay trong ngày 1/8 đã có hơn 500 thí sinh đến xác nhận học tập tại trường. Và qua ngày thứ 2, đã có gần 3000 em đăng ký nhập học.

Đánh giá chung kỳ xét tuyển đại học năm 2017 của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thành công mỹ mãn, đạt mục tiêu đề ra tuyển với hơn 62,7% thí sinh trúng tuyển vào trường có điểm xét tuyển từ 26 điểm trở lên.

“Rớt” đại học do chủ quan và thiếu tư vấn

Trong đợt tuyển sinh vừa qua hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Trần Văn Tớp: Với Quy chế tuyển sinh năm nay tôi khẳng định là không thể có chuyện thí sinh điểm cao “rớt” đại học nếu các em được tư vấn tốt. Về nguyên tắc cần phải “biết mình, biết ta”, điểm cao nhưng phải nghĩ là có nhiều người có điểm cao bằng và cao hơn mình.

Tôi cũng biết có thí sinh 27 điểm đăng ký duy nhất vào 3 ngành của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng không trúng vì 2 ngành có điểm chuẩn cao hơn 27 điểm, còn một ngành, mặc dù có điểm bằng điểm chuẩn nhưng lại bị “rớt” vì tiêu chí phụ. Điều này cho thấy rõ ràng sự tư vấn chưa tốt.

Ông có lời khuyên nào dành cho các thí sinh đạt điểm cao bị trượt đại học trong đợt 1 này?

Phó giáo sư Trần Văn Tớp: Xét tuyển đợt 1 là cơ hội tốt nhất để đạt nguyện vọng trúng tuyển vào ngành mình yêu thích hoặc vào trường mình yêu thích. Nếu không trúng tuyển đợt 1, thì cần phân tích thông tin lần xét tuyển bổ sung đợt 2 tới đây.

Rõ ràng sẽ có nhiều trường, nhiều ngành đã tuyển đủ chỉ tiêu nên sẽ không xét tuyển nữa, vậy cánh cửa đã hẹp dần nhưng không phải vô vọng. Quy chế cũng quy định là các trường xét tuyển các đợt tiếp theo không được hạ điểm chuẩn. Vì vậy, thí sinh cần có đầy đủ thông tin và nên tư vấn ở các trường có thông báo xét tuyển bổ sung.

Theo ông, thí sinh phải tính toán như thế nào để dễ đỗ vào nguyện vọng mà mình yêu thích?

Phó giáo sư Trần Văn Tớp: Thông tin tuyển sinh ngày càng minh bạch, phổ điểm của từng môn thi, của tổ hợp các môn thi, chỉ tiêu của từng trường… đều dễ dàng tiếp cận. Các trường đều tìm cách quảng bá tuyển sinh, tổ chức các kênh tư vấn hết sức đa dạng từ trực tiếp đến trực tuyến, qua các phương tiện báo đài hay mạng xã hội.

Tuy nhiên, việc dự báo không hề dễ vì không ai có thể dự báo được số thí sinh đăng ký vào ngành cụ thể nào đó. Ngay cả khi biết số nguyên vọng vào một ngành cũng không thể biết điểm xét tuyển của các thí sinh. Vì vậy, cần xử lý thông tin đã có cùng với tham khảo kết quả của các trường năm trước, xu thế ngành học, thị trường lao động…

Thí sinh có thể yêu thích một ngành nào đó có rất nhiều lựa chọn, ngoại trừ một số ngành rất đặc thù. Nếu thí sinh yêu thích một ngành cụ thể thì có nhiều trường đào tạo ngành đó nhưng mức điểm rất khác nhau.

Ví dụ ngành Công nghệ thông tin của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội có lẽ là có mức điểm cao nhất (28,25), chắc chắn nhiều trường khác cũng có ngành công nghệ thông tin nhưng có mức điểm trúng tuyển thấp hơn. Vậy nên chọn nhiều nguyện vọng hơn để tăng cơ hội trúng tuyển - điều mà quy chế năm 2016 không có.

Xin cảm ơn ông!

Kỳ thi trung học phổ thông năm 2017 và Kỳ tuyển sinh đại học năm 2017 nói chung, theo cá nhân tôi đã thành công trên nhiều phương diện.

Không chỉ tôi đánh giá như vậy, xã hội, thí sinh, phụ huynh và các trường đại học cũng có những quan điểm đánh giá tương tự.

Điều này tạo cơ sở để triển khai trong những năm tới. Tuy vậy, chắc chắn cần đúc kết những kinh nghiệm hay, những bài học quý, kể cả những tồn tại, những bất cập để kỳ thi và tuyển sinh năm 2018 tốt hơn.                                                                                                        Phó giáo sư Trần Văn Tớp

Hồng Ngọc