Thầy Đỗ Tấn Ngọc hỏi: Tại sao người giỏi, điểm cao lại không chọn sư phạm?

10/08/2017 06:57
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Ở bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng đều rất cần có nhiều người được đào tạo căn cơ, bài bản, thật sự giỏi giang khi làm việc để cáng đáng, dựng xây...

LTS: Trước thực trạng điểm trúng tuyển vào nhiều trường sư phạm năm nay ở mức rất thấp, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng xã hội đang có sự phân hóa rõ rệt.

Những em học giỏi, điểm cao sẽ không muốn lựa chọn ngành sư phạm bởi đời sống của giáo viên vẫn còn khó khăn, bấp bênh.

Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng đều rất cần có nhiều người giỏi, được đào tạo tốt để xây dựng đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào nhiều trường sư phạm ở khu vực và địa phương năm nay chỉ ở mức điểm sàn (15,5), thậm chí có trường, có ngành chỉ là 12,45 điểm.

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Ngay lập tức, trên các mặt báo, hàng loạt bài viết phản ánh, phân tích, mổ xẻ ở mọi góc cạnh, chỉ rõ nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến thảm hại ngành giáo dục ngày càng đìu hiu, vắng bóng những thí sinh đạt điểm cao theo học và có cùng chung một quan ngại: đầu vào thấp, chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu, thầy “bình thường” thì làm sao cho ra những thế hệ học trò giỏi được? Thật xác đáng.  

Thời bao cấp, người nào theo học ngành sư phạm được ví von với hình ảnh  tội nghiệp “chuột chạy cùng sào”.

Những năm 1999 đến năm 2006, chất lượng đầu vào các trường sư phạm có phần tốt lên, không thua kém bao nhiêu so với các trường đại học tốp giữa, tốp đầu ở các lĩnh vực khác, nhờ vào những chính sách hỗ trợ, ưu tiên kịp thời của Nhà nước.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, thì điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào các trường sư phạm sụt giảm dần dần và đang ở mức thảm hại như năm nay.

Không biết, viễn cảnh đầu vào những năm tới đây ở nghề dạy học, “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” sẽ như thế nào?

Những học sinh giỏi không mấy ai thiết tha với nghề sư phạm.(Ảnh minh họa trên Báo Phú Yên)
Những học sinh giỏi không mấy ai thiết tha với nghề sư phạm.(Ảnh minh họa trên Báo Phú Yên)

Điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào các trường, ngành hot năm nay như: công an, quân đội, y, dược (cũng như mấy năm gần đây) cao chót vót, điểm gần tuyệt đối 29,25; 29,35, thậm 30,5 (có điểm ưu tiên, khuyến khích) mà vẫn bị trượt nguyện vọng 1 của các trường nêu trên một cách đầy oan ức, đau đớn.

Xin chúc mừng các ngành trên đã lựa chọn được những thí sinh có điểm cao nhất. Chất lượng đầu vào tốt ắt hẳn việc đào tạo sẽ thuận lợi hơn nhiều, sẽ cho ra “lò” những sản phẩm tốt - người giỏi.

Phụ huynh và các thí sinh có điểm cao tập trung, đổ dồn vào những ngành nghề danh giá (như trường y, trường dược), vào những ngành nghề có tính ổn định cao, ra trường có việc làm ngay, chế độ đãi ngộ tốt (như trường quân đội, công an) là đúng rồi, không thể chê trách các em và phụ huynh ấy được.

Nếu con, em tôi có số điểm cao như thế cũng đều làm vậy cả, chẳng ai dại gì đâm vào học những lĩnh vực rất khó xin việc làm, đời sống nhọc nhằn, bấp bênh, lương ba cọc ba đồng như ngành sư phạm.

Từ xã hội đến nhà trường ngày càng có sự phân hóa rõ rệt và sâu sắc. Ở xã hội thì phân hóa giàu - nghèo, sang - hèn. Ở nhà trường thì phân hóa mạnh trên các bậc học.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc hỏi: Tại sao người giỏi, điểm cao lại không chọn sư phạm? ảnh 2

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa!

(GDVN) - Ngành sư phạm hình như đang “xuống giá” khi chạy theo số lượng, đào tạo xong rồi bỏ ngỏ, để sinh viên tự “bơi” trong “biển người” thất nghiệp.

Bậc học phổ thông, học sinh học tốt, học khá thì đua nhau chen chân vào các trường chuyên, lớp chọn, trường chất lượng cao, trường có bề dày thành tích.

Bậc đại học, cao đẳng, các trường, những ngành học tốt, dễ kiếm nhiều tiền, được xã hội, phụ huynh trọng vọng, tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1.

Còn các trường “sinh sau đẻ muộn”, thuộc tốp giữa, tốp cuối (các trường dân lập, tư thục) với những ngành nghề bị chê là nghèo khổ, cực nhọc, vất vả như sư phạm, kỹ thuật… thì chỉ tuyển số thí sinh “thường thường bậc trung” hoặc thấp hơn nữa, thậm chí còn lo sợ không tuyển đủ chỉ tiêu được phân bổ, ảnh hưởng nhiều thứ đến hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường, đội ngũ giảng viên.

Có thể nói, học một chuyện, làm một chuyện khác. Có thể học trường, ngành tốt chưa chắc đã giỏi giang, giàu có về sau so với học ở trường, ngành bình thường (trừ trường sư phạm).

Mọi việc sau này đều có thể xảy ra, song trước mắt thì lấy làm mừng cho các trường có nhiều học sinh tốt, lấy làm buồn cho các trường bị xã hội, phụ huynh, thí sinh “chê”, đành phải lấy điểm thấp.

Xét cho cùng, đất nước chúng ta đang tiến hành công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thì ở bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng đều rất cần có nhiều người được đào tạo căn cơ, bài bản, thật sự giỏi giang khi làm việc để cáng đáng, dựng xây…

Đỗ Tấn Ngọc