Người ta cố tuyển bằng được thí sinh để các thầy khỏi thất nghiệp

12/08/2017 06:15
Bạch Đằng
(GDVN) - Thầy Vũ Ngọc Phương: "Trường sư phạm không tuyển nữa thì thầy giáo trong các trường này thất nghiệp, đó là nguyên nhân điểm thấp cũng phải tuyển bằng được".

Tuyển đầu vào như hiện nay chỉ vì mưu sinh của các trường sư phạm

Thật khó có thể hình dung điểm chuẩn vào các trường Cao đẳng Sư phạm như Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình chỉ có tổng 3 môn 9 điểm.

Những nơi vốn được xem là trung tâm đào tạo sư phạm có chất lượng như Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Đà Nẵng đầu vào hệ đại học 3 môn chỉ 15,5 điểm - tương đương với mức điểm sàn.

Trong khi, nhìn qua các ngành khác như luật, ngoại thương, y, công an, quân đội điểm chuẩn rất cao, có khoa trên 29 điểm. Thậm chí, có những ngành học thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 vẫn trượt.

Nhiều ý kiến cho rằng, với cách thi trắc nghiệm như hiện nay, mỗi thí sinh được chọn một trong bốn đáp án cho mỗi câu thì thi được 3 điểm chẳng khác nào thi đạt không điểm.

Chất lượng đầu vào là một yếu tố để đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viện (ảnh minh họa - nguồn TTXVN).
Chất lượng đầu vào là một yếu tố để đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viện (ảnh minh họa - nguồn TTXVN).

Bởi thi trắc nghiệm thí sinh đánh bừa một phương án thì việc đạt 3 điểm chẳng mấy khó khăn.

Do đó, điểm đầu vào cao đẳng sư phạm lấy 9 điểm cho tổng ba môn nhiều người cho rằng bản  chất vẫn là 3 môn không điểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có thí sinh đăng ký vào sư phạm sử nhưng điểm sử được 2,6 điểm, sư phạm văn, toán nhưng cũng chỉ được 3 điểm môn chuyên ngành.

Người ta cố tuyển bằng được thí sinh để các thầy khỏi thất nghiệp ảnh 2"Chuột cùng sào" mới vào sư phạm, chương trình mới sẽ đi về đâu?

Với đầu vào chả khác mấy không điểm, thử hỏi để 3 – 4  năm sau ra trường trở thành cô thầy giáo đứng lớp giảng dạy thì họ lấy đâu kiến thức để truyền thụ cho học trò.

Vấn đề đặt ra ở đây, vì sao vẫn biết đầu vào sư phạm chẳng khác nào con số không nhưng các trường sư phạm vẫn cố gắng tuyển bằng được bất chấp chất lượng đầu ra sau này không thể đáp ứng.

Để hiểu rõ về vấn đề này, ngày 10/8 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Ngọc Phương – Nguyên Phó Hiệu trưởng Phụ trách đào tạo Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô).

Theo thầy Vũ Ngọc Phương: “Đầu vào là một trong những tiêu chí góp phần làm chất lượng đầu ra. Nhìn vào đầu vào như thế đem so sánh với các ngành khác thì sư phạm quá tủi thân”.

Giải thích cho việc điểm đầu vào thấp nhưng các trường vẫn cố để tuyển cho bằng được thí sinh, thầy Vũ Ngọc Phương cho rằng: “Nhiều năm nay, tính quy hoạch của mình nó kém.

Hơn nữa, nếu các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm không tuyển nữa thì thầy giáo trong các trường này thất nghiệp, đó là một nguyên nhân điểm thấp cũng phải tuyển”.

Ra trường bơ vơ nên người tài mấy ai dám đeo đuổi ước mơ

Sư phạm không thu hút được người tài mà cứ tuyển bừa để dạy và cấp bằng rõ ràng đó là một vấn nạn cần thiết phải được ngăn chặn kịp thời.

Muốn thu hút được thí sinh điểm cao vào các trường sư phạm, theo nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thì đầu ra của sinh viên sư phạm phải có ít nhiều được đảm bảo mong thu hút được người học.

Như hiện nay, sinh viên ra trường không có việc, nhìn vào các anh chị đi trước ra trường ngồi ở nhà thất nghiệp nên các thí sinh năn nay chắc chắn cũng ngán ngẩm.  

“Vừa rồi Bộ trưởng Phùng Xuân Nha đưa ra chuyện biên chế hay không biên chế viên chức trong lĩnh vực giáo dục, vụ việc khiến dư luận ầm ỉ thành ra nó cũng góp phần làm cho các thí sinh điểm cao không mấy hứng thú chọn ngành này” – thầy giáo Vũ Ngọc Phương nhấn mạnh.

Để các trường sư phạm không bị hẩm hiu tuyển sinh như mấy năm qua, thầy Vũ Ngọc Phương cho rằng: “Nhà nước cần có chế độ, chính sách ưu tiên dành cho giáo dục.

Còn nếu đầu ra không có ưu tiên, không có gì đảm bảo, không được phân công công tác thì những trường hợp người ta giỏi cũng không vào, vì ra trường sẽ thất nghiệp.

Cứ duy trì mãi chính sách kiểu này, ngay cả những người tâm huyết người ta vào học rồi ra trường cũng không có việc để làm”.

Người ta cố tuyển bằng được thí sinh để các thầy khỏi thất nghiệp ảnh 3“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Thầy Vũ Ngọc Phương nhận định: “Thường người học giỏi tâm huyết nhiều còn học kém thì đòi hỏi tâm huyết là rất khó.

Nếu nói học kém mà tâm huyết nhiều với sư phạm tôi không tin lắm đâu.

Phải những người chí thú mới có mong ước trở thành nhà sư phạm”.

Gắn bó với nghề giáo đã hơn 30 năm nay, thầy Vũ Ngọc Phương tâm sư rằng: “Với đầu vào sư phạm như năn nay tôi rất là buồn.

Ngay cả điểm thấp nhiều trường cũng không tuyển được sinh viên. Cách tuyển như hiện nay là vì cuộc sống mưu sinh của các trường sư phạm nên mới phải tuyển thôi.

Vào trường rồi, các trường sư phạm lại đào tạo theo kiểu hình trụ. Tức là tuyển đầu vào bao nhiêu thì ra trường bấy nhiêu. Chính điều này khiến chất lượng các trường sư phạm đang là dấu hỏi lớn.

Muốn ngành sư phạm thu hút được nhân lực có chất lượng, thầy Vũ Ngọc Phương cho rằng: “Trước hết công tác dự báo nhân lực của ngành này phải tốt.

Trong vòng 5 năm đến 10 năm, tầm nhìn 20 năm nữa cần bao nhiêu thầy cô, mình phải quy hoạch được và hằng năm giao chỉ tiêu cho các trường.

Ngoài ra, cần phải có các chế độ chính sách khuyến khích động viên để người ta thấy nghề sư phạm được quan tâm, đó là công việc tốt.

Chứ với tình trạng, đào tạo xong thả nỗi không lo việc làm, tình trạng sinh viên ra trường không có tiền không chạy được công việc thì người giỏi họ sẽ chán nghề này và không chọn ngành sư phạm.

Giờ sinh viên sư phạm ra trường, lang thang không có việc làm rất nhiều nên không thể đòi hỏi được các thí sinh giỏi chọn nghề sư phạm và yêu cái nghề này được”.

Bạch Đằng