Tại sao phải cấm lớp chọn?

21/08/2017 07:17
Nguyễn Vân
(GDVN) - Vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội cần phải cấm lớp chọn. Đặc biệt là đối với bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở - lứa tuổi đang hình thành nhân cách.

LTS: Trong khi, vẫn còn rất nhiều bậc phụ huynh luôn khao khát, mong muốn con em mình được tuyển và học ở các lớp chọn thì không ít nhà quản lý giáo dục đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cần từ bỏ mô hình này.

Bởi, mô hình này đã lỗi thời, lạc hậu, cũng như kéo theo vô số những hệ lụy.

Là một thầy giáo tâm huyết với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tác giả Nguyễn Vân cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công văn số 2449/BGDĐT-GDTH ngày 27/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kỳ hình thức nào”

Việc bố trí, sắp xếp, phân chia lớp ở trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

Việc chia lớp tốt nhất là theo địa bàn dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố). Đó là cách chia khiến cho tỉ lệ học sinh trung bình hoặc khá, giỏi được phân phối ngẫu nhiên vào các lớp.

Hình ảnh các em học sinh theo học ở những trường chuyên, lớp chọn (Ảnh: nld.com.vn)
Hình ảnh các em học sinh theo học ở những trường chuyên, lớp chọn (Ảnh: nld.com.vn)

Trong những năm gần đây, vì nhiều lý do mà một số trường đã thực hiện chia lớp theo mô hình lớp chọn dẫn đến có những lớp chủ yếu là học sinh khá giỏi, lại có những lớp chủ yếu là học sinh yếu kém. Việc tạo ra lớp chọn trong nhà trường sẽ dẫn đến một số hệ lụy như phân tích dưới đây.

Các em học sinh sẽ bị bỏ lỡ cơ hội học tập đã được chỉ ra: Học thầy không tày học bạn

Các em học sinh đến lớp bên cạnh việc học bài theo sự giảng dạy của thầy/cô còn có sự tương tác với các bạn. 
Trong khi giảng bài, giáo viên nêu câu hỏi phát vấn, trong số rất nhiều em giơ tay phát biểu sẽ có em được giáo viên chỉ định trả lời. 

Câu trả lời của bạn học sinh đó sẽ là một cái mốc để các em khác đối chiếu với suy nghĩ của mình. Câu nhận xét của giáo viên (về câu trả lời của học sinh) sẽ giúp các học sinh trong lớp được sáng tỏ vấn đề.

Nếu một lớp chỉ toàn học sinh yếu, kém hoặc không có học sinh giỏi sẽ không có em nào trả lời đúng câu hỏi phát vấn giáo viên nêu hoặc giáo viên phải gợi ý, dẫn dắt quá lâu, không đủ thời gian tiết học. 

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho không khí học tập trầm lắng. Lâu ngày các em trở nên chán nản, lì lợm nghĩ rằng tất cả đều như nhau, đều không trả lời được câu hỏi của thầy/cô, đều không tự làm được bài tập. Các em học sinh ở lớp kém có thể mặc cảm mình là đồ bỏ đi dễ dẫn đến cảm hứng quậy phá, ngang ngược.

Tại sao phải cấm lớp chọn? ảnh 2

Đa số độc giả không ủng hộ sự tồn tại trường chuyên, lớp chọn

Trên phương diện giáo dục, học sinh yếu, kém thường có biểu hiện tùy tiện trong việc chấp hành nội quy. Nhận thức của các học sinh yếu kém về nhiệm vụ người học sinh, về quan hệ thầy – trò thường không đầy đủ.

Do đó dẫn đến các em có nhiều hành vi sai trái. Nếu một lớp có nhiều học sinh như vậy thì sẽ kéo theo các em khác, đáng lẽ bình thường là tốt nhưng đã bị ảnh hưởng xấu như câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Như vậy, rõ ràng vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cần phải cấm lớp chọn. Đặc biệt là đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở - lứa tuổi măng non đang hình thành nhân cách.

Tạo lớp chọn trong trường dễ phát sinh tiêu cực

Khi đã có lớp chọn, dĩ nhiên sẽ có lớp tốt nhất khối (chẳng hạn 6A, 7A, 8A, 9A là các lớp chọn). Rõ ràng khi dạy, làm công tác chủ nhiệm ở các lớp chọn công việc sẽ thuận lợi vô cùng. 

Học sinh thì thông minh, ham học, nhanh hiểu bài. Nề nếp kỷ cương của lớp, các hoạt động phong trào lớp chọn tham gia đều nhanh và hiệu quả.

Học sinh lớp chọn thường là con em những gia đình có điều kiện về mọi mặt như kinh tế khá giả; cha mẹ quan tâm đến việc học tập của con, có kiến thức nhất định trong việc phối hợp với nhà trường cùng giáo dục. Học sinh lớp chọn dĩ nhiên sẽ có nhiều em học giỏi hoặc dễ bồi dưỡng thành học sinh giỏi. 

Trong điều kiện hôm nay khi mà các bậc cha mẹ học sinh luôn cháy bỏng khát khao về danh hiệu học sinh giỏi, về những giải Nhất, giải Nhì trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện, thi liên môn, thi qua mạng… thì việc các bậc cha mẹ không tiếc tiền của, công sức đầu tư cho con học để đạt giải là chuyện ai cũng biết.

Với những thuận lợi như vậy ở lớp chọn, rõ ràng được dạy lớp chọn thì ai cũng thích, chắc chắn việc phân người đứng lớp sẽ là một áp lực đối với Hiệu trưởng. Nếu người Hiệu trưởng không công bằng, trách nhiệm rất dễ xảy ra tình trạng thiên vị, cánh hẩu. 

Một điều đáng bàn nữa đó là sinh hoạt chuyên môn của giáo viên đối với trường phân chia thành các lớp chọn.

Theo quy định, giáo viên trong các nhà trường phải sinh hoạt chuyên môn mỗi tháng hai lần. Đây là hoạt động nhằm giúp giáo viên nắm bắt những thông tin mới, trao đổi kinh nghiệm, cùng giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình giáo dục học sinh cá biệt hay bồi dưỡng học sinh giỏi. Đây chính là hoạt động nhằm phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong nhà trường.

Tại sao phải cấm lớp chọn? ảnh 3

Lịch sử trường chuyên, lớp chọn và yêu cầu bức thiết phải "khai tử" ngay bây giờ

Khi nhà trường đã phân chia lớp chọn một cách triệt để (lớp A giỏi nhất, lớp B khá hơn, lớp C kém nhất) sẽ chẳng thể có sự trao đổi, phối hợp giữa các giáo viên nữa. 

Những giáo viên dạy lớp chọn (đầu cao) dễ tự cho mình ở một đắng cấp khác. Những giáo viên ở lớp kém, có học sinh cá biệt cũng rất khó nêu vấn đề trao đổi, rất khó được chia sẻ, giúp đỡ để cùng giáo dục học sinh. 

Lâu ngày như vậy sẽ tạo ra tình trạng mạnh ai nấy lo, làm giảm đi chất lượng giáo dục của nhà trường, sinh hoạt tổ chuyên môn sẽ chỉ còn là hình thức.

Ngày nay, việc học sinh đề nghị đến học thêm ở nhà thầy/cô vào buổi tối, ngày nghỉ đã trở nên phổ biến. 

Đây là một nhu cầu rất chính đáng bởi lẽ những em học yếu thì muốn được thầy/cô giúp để kịp với yêu cầu chung (chuẩn kiến thức kỹ năng) với em học giỏi thì muốn được thầy/cô hướng dẫn, gợi ý để đọc sách nâng cao, tiếp cận với những vấn đề nâng cao, mở rộng. Đó chính là học thêm tích cực. 

Khi có lớp chọn, những giáo viên được dạy lớp chọn dễ dàng có học sinh đạt giải học sinh giỏi. Điều này giúp cho giáo viên dễ có “tiếng tăm” đối với cha mẹ học sinh, chưa kể giáo viên cũng dễ tìm cách đánh bóng tên tuổi mình. Khi học sinh đổ xô đến thầy xin học thêm thì việc học thêm dễ trở thành tiêu cực. 

Lớp chọn làm khuấy đảo tâm tư các bậc cha mẹ học sinh

Khi tạo ra lớp chọn sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ học sinh trở nên lo lắng, bất an. Rõ ràng với lớp kém nhất khối thì không khí học tập trầm lắng, quan hệ thầy- trò căng thẳng. Để con mình học trong một môi trường như vậy cha mẹ nào dám yên tâm.

Tại sao phải cấm lớp chọn? ảnh 4

Chặn những cuộc đua ngầm vào trường chuyên, lớp chọn

Thử tưởng tượng một tình huống như sau: Học sinh X vốn hiếu động tuy nhiên lại khá thông minh. Em học tại lớp kém nhất khối với nhiều học sinh lười học, hay quậy phá. 

Sau một thời gian học tại lớp này, X cũng trở nên lười học, hay a dua cùng các bạn kém, bày trò quậy phá trong lớp. 

Bố em đã bằng mọi cách xin cho em vào lớp A (lớp tốt nhất khối). Sau một thời gian em có tiến bộ rõ ràng, gia đình em rất hài lòng với ý nghĩ: đấy nhé, có chuyển lớp tốt có hơn.

Thử tưởng tượng một tình huống khác: Học sinh Y vốn rất hiền lành, ngoan ngoãn, gia đình em cũng vào hàng khá giả. Tuy nhiên lực học của em hơi kém, cần phải được giúp đỡ hợp lý.

Em được bố mẹ xin để vào lớp chọn. Trong lớp có nhiều em khá, giỏi nên thầy giảng với tố độ nhanh hơn, cho thêm nhiều bài tập nâng cao hơn. Với cách học như vậy, học sinh Y đã phải rất vất vả để theo các bạn.

Mặc dù, rất cố gắng song em vẫn không thể hiểu bài. Lâu dần em trở nên thụ động, học đối phó, chỉ cố gắng chép bài đầy đủ mà không hiểu gì.

Những vấn đề như trên đã làm khuấy đảo tâm tư các bậc cha mẹ học sinh, khiến tình cảm với nhà trường, với thầy/cô trở nên nghi ngờ, thiếu thiện chí.

Nguyễn Vân