Những gì giáo dục công lập không lo được, hãy để xã hội làm

20/08/2017 06:17
Dương Quốc Việt
(GDVN) - Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, thì trước hết cần cải tổ hệ thống giáo dục công lập, làm cho ngân sách nhà nước được sử dụng thật hiệu quả.

LTS: Nhà giáo Dương Quốc Việt gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới nhất của ông về một giải pháp chính sách nhằm cải thiện chất lượng giáo dục hiện nay.

Tòa soạn xin trân trọng cảm ơn thầy Dương Quốc Việt. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả; tiêu đề và tên các đề mục nhỏ trong bài viết do Tòa soạn đặt.

Trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.

Từ lâu xã hội đã đóng góp một nguồn tài chính không nhỏ cho lực lượng dạy học, thông qua việc học thêm và hệ thống các loại trường ngoài công lập. 

Thị trường dạy và học ngoài công lập này, từ gia sư đến giảng viên, đã góp phần làm nên sự ổn định thị trường dạy và học. 

Hoạt động dạy và học ngoài công lập mặc dù hầu như tự phát, nhưng rõ ràng nó đã đi theo dòng chảy của cơ chế thị trường. 

Có lẽ ngành giáo dục và xã hội cũng cần phải có tổng kết và đánh giá đầy đủ về thị trường này. 

Làm những việc giáo dục công lập không làm nổi

Nhiều năm qua hoạt động dạy và học ngoài công lập đã tồn tại, phát triển một cách âm thầm, hiệu quả, linh hoạt.

Nó đã và đang song hành cùng hệ thống giáo dục công lập - một dòng chảy như được coi là chính thống và được hoàn toàn bao cấp bởi nhà nước. 

Trong nhiều năm qua hoạt động dạy và học ngoài công lập đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, từ việc bổ sung thêm kiến thức cho người học tại giáo dục công lập đến những trường lớp đào tạo nghề thay vì giáo dục công lập. 

Sĩ số lớp quá đông là rào cản cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc mầm non đến hết phổ thông. Tình trạng này ngày cảng phổ biến ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp, cần các giải pháp về chính sách phát triển giáo dục tư thục mới có thể giải quyết vấn đề. Nguồn ảnh minh họa: Báo Bắc Giang.
Sĩ số lớp quá đông là rào cản cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc mầm non đến hết phổ thông. Tình trạng này ngày cảng phổ biến ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp, cần các giải pháp về chính sách phát triển giáo dục tư thục mới có thể giải quyết vấn đề. Nguồn ảnh minh họa: Báo Bắc Giang.

Mặc dù hoạt động dạy và học ngoài công lập dường như vẫn chỉ chủ yếu tận dụng những nguồn lực có nguồn gốc từ giáo dục công lập, tuy nhiên nó đã có những tác động không nhỏ vào chất lượng và tài chính của những cá nhân trong giáo dục công lập. 

Mặt khác, do hoạt động dạy và học ngoài công lập gắn bó với cuộc sống hơn, nên nó đã góp phần điều chỉnh nhiều vấn đề của giáo dục công lập.     

Cũng như nhiều khu vực ngành nghề trong các khu vực công, giáo dục công lập bị hạn chế bởi nhiều mặt. 

Đặc điểm nổi cộm của giáo dục công lập là hầu như nó được nuôi dưỡng bởi ngân sách nhà nước, tính quan liêu-bao cấp-bệnh thành tích rất nặng nề, lương trả còn rất thấp...,

Đặc biệt là giáo dục công lập rất chậm thay đổi so với các ngành nghề khác. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho giáo dục công lập bị sa sút nghiêm trọng. 

Cũng chính từ nguyên nhân này, khiến người ta khó đánh giá được đầy đủ-khách quan về hiệu quả của mọi dự án nhằm thay đổi giáo dục trong những năm qua.   

Sự khác nhau căn bản giữa dạy - học ngoài công lập và giáo dục công lập, là ở chỗ nguồn thu từ hoạt động dạy học ngoài công lập là học phí, còn học phí từ giáo dục công lập gần như không đáng kể. 

Do cách tiếp cận của giáo dục công lập và những chính sách của nó, dường như đang làm tắc nghẽn dòng chảy tài chính của xã hội vào khu vực này. 

Vì vậy dòng chảy này bị phân nhánh thành những “con suối” nhỏ, một mặt chảy về giáo dục công lập vòng qua hoạt động dạy và học ngoài công lập bằng việc dạy thêm học thêm, mặt khác còn là những dòng chảy khác làm xói mòn giáo dục công lập và đạo đức xã hội.

Cần một cuộc "Khoán 10" trong giáo dục

Bài toán rất cơ bản của giáo dục công lập hiện nay, là phải làm sao trả lương cho những người giảng dạy ở mức có thể chấp nhận được, để họ toàn tâm với nghề. 

Rõ ràng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, thì trước hết cần cải tổ hệ thống giáo dục công lập, làm cho ngân sách nhà nước được sử dụng thật hiệu quả. 

Những gì giáo dục công lập không lo được, hãy để xã hội làm ảnh 2

Luận về cuộc chơi và cây đời

Đồng thời cần phải khơi thông dòng chảy tài chính của xã hội vào khu vực này. 

Trong bối cảnh của đất nước hiện nay, ngân sách phải đi cùng với nguồn đóng góp của xã hội, mới có thể giải quyết được vấn đề trả lương thỏa đáng cho người giảng dạy trong khu vực giáo dục công lập.    

Hoạt động dạy và học ngoài công lập cùng với giáo dục công lập làm nên thị trường dạy và học. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào để thị trường dạy và học ổn định và phát triển lành mạnh? 

Rõ ràng thị trường dạy và học chỉ có thể ổn định khi nó tuân thủ theo quy luật cung-cầu, theo nguyên tắc đáp ứng tối đa nhu cầu được học tập của xã hội, tức là tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường. 

Những năm gần đây người ta thường thống kê những con số những người học nghề xong ở mọi bậc, nhưng không được hành nghề mình học. 

Điều này cũng rất đáng quan tâm, nhưng vì thế mà đổ lỗi cho thị trường dạy và học thì cũng không hẳn, cho dù thị trường dạy và học cũng cần chịu trách nhiệm một phần. 

Tuy nhiên có một sự thật rằng, hàng loạt cơ quan và công ty nhà nước bị xóa bỏ, trong khi đội ngũ các nhà tư bản còn chưa phát triển như mong muốn của cơ chế thị trường.

Mặt khác, việc tuyển dụng nhân lực ở các khu vực công còn thiếu khách quan, đã góp phần tác động xấu đến thị trường tuyển dụng. 

Ngoài ra cũng cần lưu ý, rõ ràng sự tiếp nhận của xã hội với một đội ngũ chưa được hành nghề sau khi đã được đào tạo sẽ yên tâm hơn tiếp nhận một đội ngũ những người đang cần học mà không được học. 

Mặt khác nhu cầu học của cá nhân, không hẳn chỉ là học để lấy nghề và để hành nghề, người ta học còn do nhu cầu hiểu biết, do mong muốn hoàn thiện bản thân. 

Ngoài ra việc đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập còn góp phần hiệu quả vào sự nghiệp nâng cao dân trí và ổn định xã hội.  

Cũng cần nói thêm rằng, trong nhiều năm qua, giáo dục công lập bị bao cấp quá nặng nề, dàn trải, chủ nghĩa thành tích và bằng cấp hoành hành.

Cùng với đó là bệnh hình thức và phong trào không được ngăn chặn; khuyến khích và sử dụng nhân tài còn kém hiệu quả. Thậm chí đâu đó người làm giáo dục còn bị tước đi quyền làm chủ nghề nghiệp... 

Tất cả những điều đó đều đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh của giáo dục công lập. 

Ngày nay, nhu cầu phát triển và hội nhập đã tạo sức ép rất lớn lên thị trường dạy và học. 

Rõ ràng vấn đề của thị trường dạy và học chính là những vấn đề của thể chế-văn hóa-kinh tế, vấn đề của thị trường tuyển dụng, vấn đề của hệ thống quản lý giáo dục, vấn đề chất lượng của những con người làm giáo dục... 

Nhưng có lẽ cải cách hệ thống quản lý giáo dục, là công việc cần làm trước tiên và khả thi hơn cả.     

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục trong và ngoài nước tham gia viết bài cộng tác, hiến kế và tìm kiếm giải pháp chính sách phát triển giáo dục nước nhà.

Chúng tôi rất mong muốn nhận được các bài viết bàn về thực trạng và giải pháp giảm áp lực sĩ số trường công tại các đô thị lớn và các khu công nghiệp, chính sách phát triển giáo dục tư thục công bằng và lành mạnh;

Các giải pháp nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các thày cô giáo;

Kinh nghiệm và bài học sử dụng đồng tiền ngân sách đầu tư cho giáo dục ở các quốc gia phát triển sao cho chi phí tối thiểu, hiệu quả tối đa và ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng chính sách trong giáo dục.

Quý tác giả có bài cộng tác độc quyền với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin vui lòng gửi tới địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn cùng thông tin cá nhân, thông tin liên hệ để Tòa soạn tiện trao đổi và chi trả nhuận bút.

Trân trọng!

Dương Quốc Việt