Bộ trưởng Y tế kiểm tra chống sốt xuất huyết, trấn an người dân

20/08/2017 15:09
Diệu Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Y tế lưu ý người dân không nên hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết, mà cần tập trung phòng chống dịch từ gia đình tới cộng đồng.

Ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp kiểm tra tình hình chống dịch sốt xuất huyết tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội). Đoàn đã kiểm tra thực tế tại tại khu dân cư số 9, khu dân cư số 21 và tại trường tiểu học Chu Văn An ở phường Thụy Khuê. Được biết, trên địa bàn phường hiện đang có 17 ổ dịch sốt xuất huyết với 66 ca mắc bệnh, 38 ca được giám sát.

Tây Hồ là một trong 12 quận, huyện có dịch sốt xuất huyết đang ở mức báo động đỏ của thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị người dân cần tích cực tham gia diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. ảnh: moh.gov.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị người dân cần tích cực tham gia diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. ảnh: moh.gov.vn 

Trong buổi kiểm tra, đoàn công tác của Viện sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương đã vào ngẫu nhiên 2 hộ dân tại tổ 21 phường Thụy Khuê.

Tại đây trao đổi với chủ nhà được biết: Trong thời gian qua Ủy ban Nhân dân phường Thụy Khuê, tổ dân phố, và các đội xung kích đã tới tuyên truyền các hộ dân phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời phun thuốc xung quanh nhà.

Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra đoàn công tác đã phát hiện và bắt được 4 ổ lăng quăng, bọ gậy trong các bình hoa cây cảnh, trong ống thoát nước và trong vật dụng trồng rau sạch trên sân thượng chứa muỗi aedes truyền sốt xuất huyết, dù đội xung kích đã đến kiểm tra và phun muỗi vào ngày 14/8.

Chuyên gia của Viện sốt rét cho biết, chỉ 1-2 ngày nữa, những ổ bọ gậy này sẽ nở thành muỗi trưởng thành.

2 gia đình cho biết, họ cũng khá bất ngờ khi phát hiện ổ bọ gậy trong nhà tại các vị trí lọ hoa cây phất lộc, sân thượng, họng sàn thoát nước.

Các bình hoa cây cảnh trong nhà là nơi trú ngụ và sinh sống của bọ gậy lăng quăng. ảnh: moh.gov.vn
Các bình hoa cây cảnh trong nhà là nơi trú ngụ và sinh sống của bọ gậy lăng quăng. ảnh: moh.gov.vn 

Tiếp đó đoàn công tác đã đến kiểm tra tại công trường xây dựng trên địa bàn phường Thụy Khuê, tại đây các vật dụng của công trình để ngổn ngang, chất dồn, nước đọng trong công trình, vệ sinh môi trường xung quanh ẩm thấp.

Sau khi đi thị sát thực địa và kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp trong công tác phòng chống dịch của phường Thụy Khuê nói riêng và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nói chung.

Đồng thời đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân tham gia phòng chống dịch, đặc biệt người dân cần chủ động thau rửa, đổ bỏ các vật dụng chứa nước trong nhà nhất là tại các bình hoa, mái nhà, nơi có vật dụng chứa nước; tuyên truyền phát tờ rơi cho học sinh tham gia diệt lăng quăng bọ gậy tại khu dân cư nơi mình sinh sống.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, việc phun thuốc giúp hạ nhiệt nguồn muỗi chứa vi rút lây truyền bệnh, nhưng để duy trì tốt vẫn là diệt bọ gậy, chính vì thế cần tăng cường phòng chống dịch một cách tổng thể, toàn diện.

Bộ trưởng lưu ý người dân không nên hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết, mà cần tập trung và quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch từ chính hộ gia đình tiến tới cộng đồng, chỉ có như thế mới đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.

“Điều quan trọng chính là ở ý thức và sự hiểu biết của người dân. Ngoài ý thức vệ sinh của người dân, còn phụ thuộc kinh nghiệm phát hiện nơi chứa nước thành ổ bọ gậy của cán bộ y tế dự phòng.

Trong khi đó, công tác phun diệt muỗi cũng cần phải lưu ý phun đúng kĩ thuật, pha đúng tỷ lệ hóa chất. Trước khi phun phải thông báo người dân mở hết cửa trong nhà.

Công tác chuẩn bị rất quan trọng và lưu ý phải phun theo chiều gió, nếu phun ngược chiều gió, coi như không có hiệu quả", Bộ trưởng Tiến lưu ý.

Bộ trưởng Y tế và đoàn công tác kiểm tra quy trình pha chế thuốc phun muỗi. ảnh: moh.gov.vn
Bộ trưởng Y tế và đoàn công tác kiểm tra quy trình pha chế thuốc phun muỗi. ảnh: moh.gov.vn 

Tham gia đoàn công tác, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết bao gồm Kế hoạch diệt lăng quăng và kế hoạch phun thuốc.

Đặc biệt tại các công trường xây dựng, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao cho ngành xây dựng thanh tra kiểm tra giám sát lập biên bản tại chỗ, xử phạt các công trường xây dựng không đảm bảo vệ sinh, để nhiều nước đọng và tạo điều kiện sinh sản của ổ dịch. 

Về tình hình dịch trên địa bàn thành phố, ông Quý cho biết thêm: 4 ngày qua dịch tại thành phố, có xu hướng chững lại, tuy nhiên thành phố vẫn tăng cường tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng trong đó ưu tiên những ngày cuối tuần thứ 7, chủ nhật thì phun tại trường học, các ngày trong tuần thì phun tại chợ, công viên, công trường xây dựng một cách đồng bộ quyết liệt.

Trước đó, tại buổi họp khẩn cấp bàn về công tác chống dịch sốt xuất huyết vào ngày 17/8, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong.

Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Tuy nhiên để việc phòng chống hiệu quả, công tác truyền thông cần đi trước một bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, lăng quăng; dấu hiệu của bệnh và khi mắc bệnh thì nên điều trị thế nào…

Bộ trưởng giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt một số loài muỗi để phân lập muỗi; Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dịch tễ học thực địa; Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tổ chức tập huấn lại về những vấn đề liên quan đến điều trị cả người lớn và trẻ em.

Trong trường hợp cần thiết thì cho nhập viện và không để bệnh nhân nằm ghép, tránh lây chéo bệnh viện đồng thời cần tuyên truyền người dân tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà.

Đối với công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế Hà Nội cần tiếp tục phun thuốc diệt trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng... đồng thời cần quyết tâm hơn nữa trong việc phun hóa chất trên diện rộng bằng máy công suất lớn trên xe ô tô, kết hợp máy đeo vai vào từng nhà dân.

Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân việc thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước. 

Diệu Linh