Vì sao giáo viên không chấp nhận VNEN, tiếng nói người trong cuộc

28/08/2017 07:25
Đạt Nguyễn
(GDVN) - Bức xúc vì một số vị có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như dự án đổ thừa tất cả lên đầu giáo viên, thầy Đạt Nguyễn đã lên tiếng.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thày giáo Đạt Nguyễn từ Đồng Nai, một cán bộ quản lý giáo dục đã tham gia thí điểm dự án Trường học mới Việt Nam (VNEN) ngay từ những ngày đầu.

Từ chỗ thất vọng sau khi nhận ra mô hình VNEN không lý tưởng như người ta vẫn nói, đến chỗ bức xúc vì một số vị có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như dự án đổ thừa tất cả lên đầu giáo viên, thầy Đạt Nguyễn đã lên tiếng.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi phần 1 bài viết này, vì bài khá dài nên chúng tôi tách làm 2 phần.

Nội dung và văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề và các đề mục nhỏ trong bài viết do Tòa soạn đặt. Trân trọng cảm ơn thày Đạt Nguyễn!

Trong rất nhiều dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa có dự án nào được các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập với tần suất cao như VNEN. 

Cho đến nay, hầu hết các quan chức quản lý giáo dục vẫn thể hiện cách nhìn “lạc quan, tin tưởng” về mô hình VNEN. Trái lại, công luận đã liên tục nghe thấy những tiếng nói trái chiều.

Ở không ít địa phương, phụ huynh học sinh lo lắng xin cho con thôi học VNEN, giáo viên tâm tư bất an về chất lượng thực sự của mô hình này.

Ngoài ra, còn có những phản biện khoa học, sâu sắc, thẳng thắn và chân tình của một số trí thức, nhà báo. 

Học sinh bày tỏ ý kiến bằng hình mặt cười, một cách làm trong mô hình trường học mới VNEN - Ảnh: VĨNH HÀ / Báo Tuổi Trẻ.
Học sinh bày tỏ ý kiến bằng hình mặt cười, một cách làm trong mô hình trường học mới VNEN - Ảnh: VĨNH HÀ / Báo Tuổi Trẻ.

Đặc biệt, từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra việc cấp uỷ, hội đồng nhân dân của một vài tỉnh, thành phải đặt ra vấn đề tiếp tục hay từ bỏ một dự án liên quan đến giáo dục - trừ VNEN.

Để biện minh cho những bất cập của mô hình VNEN, một số quan chức quản lý giáo dục đưa ra những nguyên nhân như: điều kiện cơ sở vật chất, sự nóng vội của địa phương (?!), nhận thức của cộng đồng, v.v… 

Đáng chú ý nhất là các quan chức giáo dục cổ suý cho VNEN đã không ngần ngại “quy trách nhiệm” cho giáo viên là chưa biết cách dạy theo phương thức của mô hình. 

Vậy sự thật đằng sau những tranh cãi này là gì? 

Đôi lời tự bạch

Tôi là nguyên là một cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Đồng Nai, vừa nghỉ hưu (sớm) từ tháng 5/2016.

Năm 2008, tôi là một trong 20 thành viên phái đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu, tham gia hội thảo về giáo dục cho vùng nông thôn do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại thành phố Cebu, Philippines.

Tại đây, đoàn cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tiếp xúc với mô hình Trường học mới (EN) do bà Vicky Colbert trình bày. 

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), Đồng Nai là một trong các tỉnh thuộc nhóm 2 trong dự án VNEN (mỗi huyện có 1 trường được chọn vào VNEN).

Vì vậy nên tôi có điều kiện gặp gỡ và trao đổi nhiều với các giáo viên trực tiếp dạy theo mô hình VNEN trong suốt những năm thí điểm.

Càng tham gia sâu, những hăm hở ban đầu cùng niềm mong mỏi thúc đẩy một số đổi mới cho giáo dục tiểu học tỉnh nhà theo mô hình VNEN trong tôi càng suy giảm, vì quá trình triển khai có quá nhiều bất cập  – nhất là những vấn đề chuyên môn.

"Khi có quyết định (dừng nhân rộng VNEN trên toàn tỉnh Thái Bình), nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống."

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phân tích sâu sắc, rất đúng và rất trúng về VNEN. 

Những tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe và có những động thái phù hợp – chẳng hạn như tổ chức một cuộc đánh giá khoa học và toàn diện về mô hình này để có quyết sách đúng đắn hơn;

Thực tế lại ngược với điều mong muốn trên. Quả bóng trách nhiệm hết chuyền về địa phương bằng chỉ đạo tiếp tục VNEN hay không do địa phương “tự nguyện”, nay lại đổ thừa cho năng lực giáo viên.  

Để chia sẻ nỗi bức xúc cùng nhiều thày cô giáo, tôi tạm quên ý tưởng nghỉ việc là “gác kiếm”, không tham gia “thế sự” nữa, xin có vài lời tham gia cùng những tiếng nói chính trực

Ảo tưởng về một phương pháp dạy học toàn mỹ

Khi “Việt Nam hoá” mô hình Trường học mới của Colombia (EN) để trở thành mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), các nhà dự án tin rằng:

Phương pháp/hình thức tổ chức học tập theo nhóm được cho là sẽ nhanh chóng khắc phục phương pháp dạy học “đọc-chép” của giáo viên và xây dựng cho học sinh các năng lực tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác giải quyết vấn đề. 

Rõ ràng quan điểm này đã đặt trên 2 giả định vừa rất bi quan, vừa chủ quan và phiến diện:

(1) “Đọc-chép” là phương pháp dạy học phổ biến hiện nay; 

(2) Chỉ phương pháp dạy học theo nhóm – vì tiên tiến vượt trội hơn các phương pháp dạy học khác trong nhóm các phương pháp dạy học tích cực theo hướng lấy người học làm trung tâm - mới có thể tạo cho học sinh những năng lực mong muốn nêu trên.

Thực ra, “đọc-chép” hoàn toàn không phải là một phương pháp dạy học, mà chỉ là biểu hiện thiếu trách nhiệm của một số rất ít giáo viên đã vì “khốn khó mà không giữ được phẩm chất, lòng tự trọng” (mượn ý của GS Trần Hồng Quân). 

Hiện tượng này trong những năm gần đây, khi kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi khả quan, đã chỉ còn rất cá biệt. 

Do đó, nếu nhận định hiện nay “đọc-chép” là phổ biến thì không chỉ bi quan mà còn phủ nhận sạch trơn công sức, nỗ lực của nhiều giáo viên. 

Qua các lần cải cách giáo dục, trong nỗ lực học tập nâng cao tay nghề, giáo viên phổ thông nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng đã tiếp cận, làm quen và từng bước vận dụng những phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại.

Đó là những phương pháp theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm – trong đó có phương pháp dạy học theo nhóm, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm cho những phương pháp được xem là truyền thống mà họ đã học được từ lớp lớp những người thầy đi trước. 

Vì sao giáo viên không chấp nhận VNEN, tiếng nói người trong cuộc ảnh 2

VNEN và sự vô cảm với thày cô

Chính đội ngũ giáo viên đã trực tiếp góp phần thực hiện thành công các lần cải cách giáo dục. 

Từ thực tiễn giảng dạy, nhiều giáo viên đã tham gia góp ý, hoàn thiện nội dung một số sách giáo khoa, và tuyệt nhiên chưa hề có sự phản đối cụ thể nào về các phương pháp dạy học được triển khai. 

Trong thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần tôn vinh nhiều nhà giáo bằng những danh hiệu cao quý như Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia… 

Và gần đây, công luận cũng đã ghi nhận không ít giáo viên có phương pháp dạy học đổi mới, rất sáng tạo và được học sinh quý mến.

Phương pháp dạy học theo nhóm không có gì mới

Như vậy, không phải chỉ khi VNEN xuất hiện thì giáo viên mới biết đến phương pháp/hình thức tổ chức dạy học theo nhóm. 

Người viết bài này vẫn còn nhớ, vào khoảng những năm đầu thế kỉ 21, báo Tuổi Trẻ đã đăng tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam có công văn đình chỉ việc triển khai thực hiện phương pháp dạy học theo nhóm ở cấp tiểu học tại một huyện. 

Có lẽ do lúc ấy, phương pháp này còn quá mới và sự tiếp thu, vận dụng còn một số hạn chế tại địa phương này. 

Trong thời gian đó, tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hình thức/phương pháp dạy học theo nhóm đã được triển khai thực hiện rất thành công – thậm chí ở tại những trường có học sinh người Chăm học tiếng Việt theo chương trình cải cách giáo dục. 

Đó là nhờ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đã phối hợp chặt chẽ với một chuyên gia người Úc (Bà Fiona) thực hiện một dự án 10 năm do Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Úc tài trợ để huấn luyện giáo viên. 

Giáo viên ở một số các tỉnh khác cũng đã tiếp cận và thực hành những phương pháp/kĩ thuật dạy học hiện đại khác từ những dự án giáo dục (quy mô nhỏ) do các tổ chức phi lợi nhuận như OXFAM, JICA,…phối hợp trực tiếp với địa phương để triển khai. 

Rất đáng tiếc là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không có bất kì động thái nào trong việc tổ chức theo dõi, nghiên cứu, tiếp thu và phổ biến cho giáo viên vận dụng trên quy mô toàn quốc. 

Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của phương pháp dạy học theo nhóm, hay thảo luận/làm việc theo nhóm.

Có nghiên cứu cho rằng thảo luận giúp người học có thể chiếm lĩnh được 80% điều cần học, nhưng ai cũng hiểu là không có phương pháp dạy học nào là hoàn hảo. 

Kiểu học VNEN khác hẳn cách học nhóm lâu nay

Tuy nhiên, điều đáng nói về hình thức/phương pháp dạy học theo nhóm này là, kiểu dạy học nhóm theo mô hình VNEN rất khác biệt với những gì giáo viên đã tiếp thu và vận dụng hiện nay.

"Cán bộ trong đoàn Bộ GDĐT sang Colombia nghiên cứu mô hình EN (trường học mới) cho tôi biết: Thực sự chưa có học sinh nào học ở những trường theo mô hình EN vào được đại học."

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Trong các lớp phổ thông bình thường, học theo nhóm chỉ là một trong những hoạt động học tập khác nhau do giáo viên chủ động thiết kế (soạn giáo án) và tổ chức nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng theo yêu cầu của bài học. 

Tuỳ nội dung, số lượng, đối tượng học sinh, diễn biến tâm sinh lý (bầu không khí) và điều kiện cơ sở vật chất cụ thể trong lớp, giáo viên phối hợp sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học khác nhau để có thể tạo nên, lan truyền và duy trì cảm hứng học tập, tìm tòi, khám phá của học sinh. 

Nếu cần chọn hình thức tổ chức nhóm cho một hoạt động học tập, trước khi thực hiện, giáo viên thường tạo động cơ, hứng thú và nêu mục đích làm việc cho học sinh bằng các phương pháp dạy học cần thiết như diễn giảng, gợi mở, nêu vấn đề, … 

Sau đó giáo viên cân nhắc việc phân chia học sinh thành các nhóm với số lượng và khả năng của học sinh phù hợp nội dung, mục đích đề ra cho mỗi nhóm. 

Có nhiều cách tạo nhóm khác nhau và nội dung, phương thức làm việc của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. 

Nội dung làm việc nhóm có thể là một vấn đề trong một bài học cụ thể, cũng có thể là một vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, xã hội tại địa phương. 

Thời gian làm việc nhóm tuỳ thuộc vào nội dung vấn đề nghiên cứu, giải quyết.

Trong quá trình học sinh làm việc trong nhóm, mỗi cá nhân dựa vào hiểu biết, năng lực của mình để tham gia cùng bạn tìm kiếm, chia sẻ, khai thác tài liệu, thiết bị/đồ dùng dạy học,… và thảo luận, tìm cách giải quyết vấn đề, tạo nên sản phẩm nhóm; 

Trừ khi hết sức cần thiết (nhóm bị bí lối hoặc có sự bất đồng ý kiến gay gắt), giáo viên thường hạn chế sự can thiệp để khích lệ sự độc lập suy nghĩ của học sinh và đảm bảo sản phẩm phản ánh rõ mức độ nhận thức, khả năng của nhóm học sinh. 

Kết quả/sản phẩm làm việc nhóm không nhất thiết phải hoàn hảo, thậm chí chấp nhận quá trình thử-sai, nhưng nhất thiết tất cả đều được giáo viên dành thời gian tổ chức cho học sinh trình bày, chia sẻ để có thể rút ra một kết luận cần thiết. 

Việc giáo viên chủ động vận dụng đa dạng các phương pháp dạy học phù hợp với hình thức tổ chức hoạt động học tập như vậy không những tạo thuận lợi cho học sinh với các kiểu học (learning styles) khác nhau, mà còn huy động sự tham gia tích cực của học sinh với các thiên hướng thông minh khác nhau. 

Và quan trọng hơn nữa, một khi giáo viên tâm huyết và có năng lực “chủ đạo tổ chức” cho học sinh “chủ động thực hiện”, thì tiết dạy hay hoạt động giáo dục ấy nhất định sẽ tràn đầy hứng thú.

Hứng thú cho cả học sinh và giáo viên. Hứng thú sẽ kích hoạt các quá trình tâm lí tích cực như tự giác, tự học,… không chỉ ở học sinh, mà còn ở giáo viên bởi quy luật tương tác giữa dạy và học.

Mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi tiếp phần 2: VNEN vô hiệu hóa người thầy, Bộ càng sửa càng rối

Đạt Nguyễn