Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta cần chuyên viên, không cần nhiều lãnh đạo

28/08/2017 06:09
QUỐC TOẢN
(GDVN)- Lý giải của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc về số lãnh đạo phòng nhiều hơn nhân viên nhằm nâng cao trách nhiệm trong công việc là không hợp lý.

Hôm 26/8 trao đổi thêm với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết, việc sở có 45 công chức, nhưng số lượng lãnh đạo từ ban giám đốc sở đến lãnh đạo các phòng ban có lúc tới 38 người (tức có tới gần 85% công chức sở), có nguyên nhân từ lịch sử để lại và việc sáp nhập 3 phòng trong sở.

Ông Quân không cho rằng, không nên đưa ra so sánh số lượng lãnh đạo phòng tại với số nhân viên, mà phải căn cứ vào vị trí công việc của từng phòng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta cần chuyên viên, không cần nhiều lãnh đạo ảnh 1

Giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Phúc: Điều chuyển nhân viên thì dễ, bố trí cán bộ khó

"Việc bổ nhiệm này còn phụ thuộc vào cơ cấu việc làm của các phòng ban chuyên môn.

Ví dụ có những phòng chỉ cần 1 trưởng, 1 phó, nhưng có phòng cần 1 trưởng, 2 hoặc 3 phó.

Người ta cứ nghĩ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên thì chuyên viên phải gánh công việc của lãnh đạo. Nhưng thực tế không phải như thế. Nói như thế, hóa ra lãnh đạo đi chơi tất à?

Lãnh đạo cũng là công chức, đồng thời là chuyên viên chính, có phụ cấp trách nhiệm.

Do đó, công việc của lãnh đạo phòng sẽ nặng nề hơn, trách nhiệm cao hơn. Các công việc phải tốt hơn chuyên viên”, ông Quân nói.

Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh nguồn giaoduc.net).
Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh nguồn giaoduc.net).

Ông Quân cho biết thêm, việc có tới hơn 30 lãnh đạo cấp phòng, sở cũng có nguyên nhân do tồn tại lịch sử.

“Trong 3 năm trở lại đây tôi chỉ bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng có 3 đến 4 người. Trước đó thì tôi bổ nhiệm khoảng vài người.

Việc bổ nhiệm cấp phó nói trên có nguyên nhân do lịch sử để lại trước đây. Tính đến thời điểm này, sở còn 31 trưởng, phó phòng trên tổng số biên chế là 46 người. Đây là con số chúng tôi đã giảm đi và sẽ tiếp tục giảm.

Giảm lượng nhân viên thì rất dễ, tuy nhiên đối với các đồng chí là lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng thì giảm rất khó vì các đồng chí tuổi đã cao.

Việc sắp xếp bố trí phải xem xét yếu tố vị trí, sức khỏe, chuyên môn của các đồng chí đó", ông Quân băn khoăn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng, việc bổ nhiệm lãnh đạo

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta cần chuyên viên, không cần nhiều lãnh đạo ảnh 3

Sẽ chất vấn Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm 6 cấp phó tại Sở Tài nguyên Thanh Hóa

cấp phòng tại sở cũng nhằm mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc cho cán bộ.

“Việc bổ nhiệm cũng nhằm nâng cao vị thế của cán bộ khi làm việc với cơ sở.

Bản thân những người được bổ nhiệm sẽ phải cố gắng hơn trong công việc, ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình", ông Quân nêu quan điểm.

Nói về quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, ông Quân cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ rất chẽ.

Tuy nhiên trong quá trình bổ nhiệm (có người bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại…) cần phải bổ sung thêm tiêu chí (trình độ lý luận chính trị). 

“Có những đồng chí có năng lực nhưng thiếu một điều kiện nhỏ, thì ngay sau khi bổ nhiệm sẽ cử đi học ngay để bổ sung tiêu chí", ông Quân cho biết.

Lý giải không hợp lý

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, lý giải của vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc về số lãnh đạo phòng nhiều hơn nhân viên nhằm nâng cao trách nhiệm trong công việc là không hợp lý.

“Tôi không nghĩ bổ nhiệm chức danh cho cán bộ để giúp họ có trách nhiệm hơn trong công việc. Trách nhiệm của con người không phải cứ gắn với chức vụ. Trách nhiệm của con người phải gắn với công việc.

Đôi khi có chức vụ nhưng anh chả làm được cái trò gì. Hai vấn đề này không được phép đánh đồng với nhau và không được đánh tráo khái niệm.

Chúng ta cần chế độ chuyên viên chứ không phải cần nhiều lãnh đạo. Nhưng phải kết hợp chế độ chuyên viên với lãnh đạo chứ không phải đơn vị chỉ toàn lãnh đạo.

Anh làm lãnh đạo chỉ chờ người khác làm rồi duyệt là không được. "Đẻ" ra nhiều lãnh đạo như những trường hợp vừa phát giác là nên hành chính rối rắm.

Do đó, căn cứ vào nhu cầu công việc, thực tiễn cần định lượng số trưởng, phó phòng cho phù hợp.

Việc bổ nhiệm này phải căn cứ vào chế độ chi trả tiền lương, chứ không phải bổ nhiệm anh lên lãnh đạo là để hưởng phụ cấp, hoặc làm cái nọ, cái kia", Đại biểu Nhưỡng cho hay.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Trinh Phúc/giaoduc.net.vn.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Trinh Phúc/giaoduc.net.vn.

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre nhận định, việc lạm phát cấp phó tại nhiều đơn vị được dư luận phản ánh cho thấy, công tác cán bộ của chúng ta có vấn đề.

“Việc này dư luận nói nhiều rồi, ngành nội vụ cũng đã có thanh tra rồi. Thực tế trên cho thấy, hệ thống bổ nhiệm cán bộ của nước ta là có vấn đề. 

Vấn đề là cơ chế, sự quản lý của chúng ta lỏng lẻo, các cấp chính quyền chưa có sự chỉ đạo, lãnh đạo tới nơi tới trốn.

Sắp tới, khi Quốc hội đưa ra bàn về cải cách hành chính và bộ máy thì sẽ xem xét lại lần cuối vấn đề này.

Chúng ta không thể để tình trạng "lạm phát" cấp phó như hiện nay", Đại biểu Nhưỡng nói.

Trong khi đó, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc bổ nhiệm thêm cấp phó sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

“Nếu việc thừa cấp phó do sáp nhập nhiều phòng ban ở thời điểm giao thời thì thể chấp nhận trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, cần sắp xếp lại, điều chỉnh cho phù hợp với quy định và ngân sách cấp. Việc sắp xếp lại phải đảm bảo quy định, lãnh đạo không thể nhiều hơn nhân viên.

Việc sở có nhiều cấp trưởng, phó phòng nhiều hơn nhân viên, đồng nghĩa với việc nhà nước phải chi trả thêm phụ cấp chức vụ cho họ.

Nếu đơn vị nào cũng để xảy ra tình trạng này thì rất tốn kém cho ngân sách. Ngân sách quốc gia, mà xét cho cùng đó là tiền thuế của nhân dân đóng góp", ông Phúc nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi bổ nhiệm lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng không đúng quy định. 

"Việc bổ nhiệm thừa lãnh đạo như phản ánh là do cấp cơ sở làm không nghiêm. Pháp luật đã quy định rất rõ về việc bổ nhiệm cán bộ từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở.

Nếu việc làm này có kiểm tra, kiểm sát chặt chẽ thì sự việc không đến mức như vậy. Việc này có trách nhiệm của người đứng đầu khi thực hiện bổ nhiệm không đúng quy định.

Trường hợp đã có quy định nhưng vẫn làm sai thì bất luận là ai cũng phải xử lý", ông Phúc nêu quan điểm

QUỐC TOẢN