Chính quyền và người dân không thống nhất, nhiều đứa trẻ có nguy cơ thất học

30/08/2017 06:09
XUÂN QUANG
(GDVN) - Có lẽ, chúng chẳng hiểu gì về câu chuyện người lớn đang bàn cãi và cũng có thể không được đến trường mà chẳng hiểu vì sao?

Dân kiên quyết “giữ” trường

Chiều 28/8, cuộc đối thoại được mong chờ giữa lãnh đạo huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) với nhân dân xã Quảng Phúc diễn ra tại hội trường xã này sau khi người dân phản ứng việc sáp nhập trường cấp 2 Quảng Phúc và Quảng Vọng.

Hàng trăm người dân xã Quảng Phúc, từ già tới trẻ có mặt rất sớm tại Ủy ban nhân dân xã Quảng Phúc để tham gia "chất vấn" lãnh đạo huyện này.

Hội trường cả trăm chỗ ngồi nhanh chóng chật kín người!

Những đứa trẻ dại bồng bế nhau tới hội trường xã Quảng Phúc. Hình như chúng chẳng hiểu gì về câu chuyện của những người lớn đang bàn cãi. Ngày mai, có thể các em sẽ không được đến trường vì chính quyền và cha mẹ chúng không tìm được sự thống nhất. Ảnh Xuân Quang.

Những đứa trẻ dại bồng bế nhau tới hội trường xã Quảng Phúc. Hình như chúng chẳng hiểu gì về câu chuyện của những người lớn đang bàn cãi. Ngày mai, có thể các em sẽ không được đến trường vì chính quyền và cha mẹ chúng không tìm được sự thống nhất. Ảnh Xuân Quang.

Tại buổi đối thoại, hầu hết các ý kiến đều phản đối việc sáp nhập 2 cơ sở giáo dục này thành Trường trung học cơ sở Phúc Vọng.

Người dân cho rằng, việc thông qua nghị quyết sáp nhập hai trường này không có tính dân chủ.

Khi thực hiện chủ trương sáp nhập, cán bộ xã, huyện chưa thông qua người dân và chưa được đa số nhân dân đồng tình.

Một số người khác thì bày tỏ sự lo lắng về sự an nguy của con em họ, bởi quãng đường đi học quá xa (khoảng 3,5 km), đường xá còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự.

Chính quyền và người dân không thống nhất, nhiều đứa trẻ có nguy cơ thất học ảnh 2

Quảng Xương, Thanh Hóa nên đối thoại với người dân

Nhiều phụ huynh khác thì lo ngại về chất lượng giáo dục và điều kiện cơ sở vật chất không tốt cho con em họ khi sáp nhập.

Phụ huynh cho rằng, Trường trung học cơ sở Quảng Phúc đã đạt chuẩn Quốc gia có bề dày truyền thống, luôn là trường đứng trong tốp đầu của huyện Quảng Xương.

Trường Quảng Phúc có cơ sở vật chất học tập đảm bảo, điều kiện việc dạy và học tốt hơn trường Quảng Vọng. Do đó, việc sáp nhập này là bất hợp lý...

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương chỉ đạo không sáp nhập hai trường với nhau.

Người dân cũng thể hiện thái độ kiên quyết, giữ trường bằng mọi cách.

Trước kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Văn Vỹ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phúc, đề nghị lãnh đạo huyện xem xét 2 phương án của xã.

“Phương án thứ nhất là sáp nhập hai trường cấp 1 và cấp 2 của xã Quảng Phúc. Phương án thứ hai vẫn sáp nhập trường nhưng chia thành 2 điểm trường Quảng Phúc và Quảng Vọng”, ông Vỹ nêu kiến nghị.

Ý kiến thứ nhất của ông Vỹ đưa ra đã được phụ huynh đồng tình, trong khi họ tiếp tục phản đối phương án thứ hai của vị này.

Nhiều phụ huynh xã Quảng Vọng lắng nghe ý kiến phát biểu của Bí thư huyện ủy Quảng Xương. Ảnh: Xuân Quang.
Nhiều phụ huynh xã Quảng Vọng lắng nghe ý kiến phát biểu của Bí thư huyện ủy Quảng Xương. Ảnh: Xuân Quang.

Huyện hoãn sáp nhập

Phúc đáp lại các ý kiến của cử tri, nhân dân xã Quảng Phú, ông Nguyễn Văn Chính - Bí thư huyện ủy Quảng Xương một lần nữa khẳng định rằng, việc sáp nhập trường là chủ trương lớn của tỉnh, có ý nghĩa kết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục...

Tuy nhiên, ông Chính nói rằng bản thân ông thấy đáng tiếc khi để xảy ra sự việc này, đồng thời nhận trách nhiệm về mình.

Ông Nguyễn Văn Chính - Bí thư huyện ủy Quảng Xương phát biểu tại đối thoại. Ảnh: Xuân Quang.
Ông Nguyễn Văn Chính - Bí thư huyện ủy Quảng Xương phát biểu tại đối thoại. Ảnh: Xuân Quang.

Trước ý chí nguyện vọng "giữ" trường của người dân xã Quảng Phúc, vị Bí thư huyện ủy Quảng Xương đã đưa ra quyết định tạm hoãn việc sáp nhập trường.

“Vì người dân chưa đồng tình, chúng tôi tạm hoãn việc sáp nhập trường. Đề nghị bà con về nhà ổn định cuộc sống, sinh hoạt.

Sau buổi đối thoại, lãnh đạo huyện sẽ giao Văn phòng huyện ủy ra văn bản kết luận cụ thể về việc này.

Đến khi nào bà con đồng tình chúng ta mới thực hiện (sáp nhập). Còn bà con không đồng tình, thì không làm, có thế thôi, chứ không phải hủy việc sáp nhập”, ông Chính chỉ đạo.

Về một số kiến nghị khác của người dân xã Quảng Phúc trong buổi đối thoại, ông Chính cam kết rằng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến sai phạm đất đai.

“Ai sai đến đâu, sẽ xử lý nghiêm đến đó”, ông Chính quả quyết. 

Một em nhỏ theo bố mẹ đến buổi đối thoại tại hội trường xã Quảng Phúc. Ảnh: Xuân Quang.
Một em nhỏ theo bố mẹ đến buổi đối thoại tại hội trường xã Quảng Phúc. Ảnh: Xuân Quang.

Dù vị Bí thư đưa ra quyết định hoãn việc sáp nhập trường, tuy nhiên nhiều người dân xã Quảng Phúc vẫn chưa thấy hài lòng và đề nghị lãnh đạo huyện Quảng Xương đưa ra quyết định rứt khoát về việc không sáp nhập hai cơ sở giáo dục nói trên.

“Nếu không dừng việc sáp nhập, chúng tôi sẽ không cho con em đến trường”, một ý kiến kêu gọi người dân trong xã không đưa trẻ tới trường, nhận được sự hưởng ứng của nhiều người khác tại buổi đối thoại.

Trong khi đó, lãnh đạo xã vẫn cố gắng thuyết phục nhân dân suy nghĩ và thay đổi quan điểm trên... 

Buổi đối thoại kết thúc với những tiếng vỗ tay, hò reo của người dân, diễn ra ngay trước những khuôn mặt non nớt, những ánh mắt ngơ ngác của mấy đứa trẻ quê nghèo, đang tuổi ăn, tuổi học.

Có lẽ, chúng chẳng hiểu gì về câu chuyện người lớn đang bàn cãi và cũng có thể không được đến trường mà chẳng hiểu vì sao?

XUÂN QUANG