Bao giờ hệ thống trường tư bằng hệ thống trường công?

31/08/2017 06:49
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nếu các trường tư không đổi mới, nâng cao chất lượng để có nguồn học sinh tuyển hằng năm thì khó thể tồn tại, số phận cũng giống như nhiều trường bị giải thể.

LTS: Tiếp tục bàn về vấn đề giáo dục giữa trường công hay trường tư, tác giả Sông Trà đã có bài viết nhằm đưa ra những phân tích và góc nhìn về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Nội dung và văn phong thể hiện quan điểm riêng của tác giả.  

Bài viết: “Học trường công lập, có gì không tốt?” của tác giả Kiên Trung đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 28/8 đã nhận được những ý kiến phản hồi của nhiều độc giả, nhất là các nhà giáo.

Người thì hài lòng, đồng tình với thành quả của trường công. Người thì bức xúc, chỉ trích trường công gay gắt, vì vấn nạn chèn ép học sinh học thêm tiếp tục gia tăng, “nếu không vì vấn đề tiền học trường công ít hơn trường tư thì chắc chắn là trường công sẽ bỏ hoang” (bạn đọc Xuân Vy nhận xét). 

Vậy thì hệ trường tư thục, dân lập (gọi tắt là trường tư) ở các bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bậc trung học phổ thông trên phạm vi cả nước đã tồn tại và đang phát triển như thế nào?

Hệ trường tư thục, dân lập trên phạm vi cả nước đã tồn tại và đang phát triển như thế nào (Nguồn ảnh minh họa: Báo Bắc Giang).
Hệ trường tư thục, dân lập trên phạm vi cả nước đã tồn tại và đang phát triển như thế nào (Nguồn ảnh minh họa: Báo Bắc Giang).

Trước hết là hệ thống giáo dục mầm non. Theo thống kê của Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện khoảng 4,8 triệu trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi đến trường và đang thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non. 

Những năm gần đây, các cơ sở mầm non ngoài công lập phát triển rầm rộ để đáp ứng nhu cầu gửi con trẻ ngày càng tăng của phụ huynh, nhất là những khu công nghiệp, đô thị, thành phố lớn. 

Trong khi đó, hệ thống giáo dục mầm non công lập đã trở nên quá tải, không thể gánh vác cho xuể. 

Do phát triển quá nhanh, công tác quản lý, kiểm tra của cấp trên còn buông lỏng, dễ dãi, nên các trường tư thục, đặc biệt  các nhóm lớp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chủ cơ sở không có chuyên môn sư phạm để quản lý.

Giáo viên lại hạn chế về năng lực, phương pháp chăm sóc trẻ, một số giáo viên, bảo mẫu có hành vi bạo hành dã man với con trẻ từng khiến phụ huynh và dư luận xã hội bức xúc, lên án gay gắt trong thời gian qua.

Có phụ huynh thốt lên, dù gia đình có khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng không bao giờ dám cho con em đi đến các nhà trẻ tư nữa. 

Tại Hà Nội, có tới 515.000 trẻ, nên số lượng trẻ phải theo học tại các trường ngoài công lập lên tới trên 100.000 trẻ. 

Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương lớn nhất cả nước, hiện có 1.006 trường, trong đó 431 trường công lập; 1.551 nhóm lớp, trong đó còn 121 nhóm lớp chưa được cấp phép và 485 hộ gia đình giữ trẻ. 

Trả lời báo chí gần đây, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho hay, trên địa bàn có hơn 100 nhóm trẻ gia đình, nhiều nhóm vẫn hoạt động dù chưa xin phép. Hầu hết các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ đều "có vấn đề" như: 

Bao giờ hệ thống trường tư bằng hệ thống trường công? ảnh 2

GS.Hoàng Xuân Sính: “Trường ngoài công lập chưa được xã hội vui vẻ thừa nhận”

Chưa có cửa ngăn cách phòng chơi với nhà bếp, nhà vệ sinh không đúng chuẩn, thiết bị điện ở tầm thấp, chất tẩy rửa để ở tầm tay trẻ, thiếu đồ dùng đồ chơi…

Không có điều kiện và cơ hội gửi trẻ ở các cơ sở mầm non công lập, buộc nhiều bậc làm cha làm mẹ phải lựa chọn cơ sở tư nhân, đành chấp nhận những rủi ro, mất an toàn cho con em mình khi cơ sở vật chất và năng lực quản lý, chăm sóc ở đây chưa thật đảm bảo.

Các chuyên giáo dục, tâm lý thừa nhận và kiến nghị:

“Ở các nhóm lớp tư thục, chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, không tuyển chọn giáo viên kỹ, áp lực công việc lớn. 

Lương thấp, không xứng với công sức bỏ ra khiến giáo viên không có động lực làm việc, dẫn đến lúng túng, làm bừa. 

Để không còn những tiềm ẩn mất an toàn cho trẻ, trước hết, siết chặt quản lý cấp phép; quy định chặt chẽ hơn cho chủ cơ sở, ít nhất phải có chuyên môn sư phạm mầm non, bằng trung cấp sư phạm mầm non.

Đã đến lúc nhìn thẳng vào những bất cập về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non để có chấn chỉnh bức tranh giáo dục mầm non hiện nay”. 

Khoảng 8 năm trở lại đây, một số trường tiểu học tư thục, dân lập bắt đầu xuất hiện và hình thành ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn ở các địa phương khác, mô hình này gần như chưa phát triển. 

Nhiều phụ huynh chuyển hướng, chọn lựa trường tiểu học tư thục, vì ở đây cam kết sĩ số học sinh trên lớp ít (khoảng 25 em), tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường học tập đa ngôn ngữ với nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất tốt của nước ngoài. 

Kết quả ghi nhận nhiều năm qua cho thấy, danh sách học sinh đoạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tiếng Anh, thi hùng biện bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt, giải toán qua mạng Internet, nhà tin học trẻ tuổi dành cho học sinh tiểu học đều có sự góp mặt đáng kể của các trường tư thục.    

Hệ thống trường trung học phổ thông tư thục, dân lập có bề dày về thời gian hình thành và phát triển gần gấp đôi so với trường tiểu học ngoài công lập và có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước . 

Thời gian qua, các trường ngoài công lập đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động được nhiều nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Ở các địa phương, nhiều trường đã xây dựng phòng ốc khang trang, thiết bị dạy học hiện đại, với khuôn viên, sân chơi, khu nội trú, ký túc xá khá tốt. 

Thừa hưởng quy chế tự chủ trong giáo dục, các trường trung học phổ thông tư đã được chủ động tài chính, thực hiện nhiều mô hình giáo dục tiên tiến, chú trọng phát triển kỹ năng mềm trong giáo dục và nhất là luôn chăm sóc kỹ học sinh. 

Do đó, một số trường trung học phổ thông ngoài công lập đã tạo được uy tín, niềm tin như Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội; Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, Trường trung học phổ thông Trí Đức - Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những trường trung học phổ thông tư thục, dân lập đã khẳng định được tên tuổi, tuyển sinh ổn định hằng năm thì trong tương lai, ngoài số đã bị giải thể, vẫn còn nhiều trường, nhất là các trường mới thành lập đối mặt với nguy cơ giải thể vì không tuyển được học sinh.

Bao giờ hệ thống trường tư bằng hệ thống trường công? ảnh 3

Đây là các lý do để cô Phan Tuyết chuyển con từ trường công sang trường tư thục

Ở những tỉnh lẻ như Quảng Ngãi, Quảng Nam nhiều trường trung học phổ thông ngoài công lập, một thời phát triển mạnh, sĩ số học sinh trên 1200 em thì giờ lại thoi thóp do tuyển được quá ít học sinh, chưa tới 100 em/trong mấy năm qua. 

Trong tháng 7 vừa rồi, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định giải thể Trường trung học phổ thông tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Quảng Ngãi) sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động. 

Riêng thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 90 trường trung học phổ thông ngoài công lập. 

Nhưng cách đây 3 năm đã có nhiều trường trung học phổ thông ngoài công lập phải ngừng hoạt động như Trường Tư thục Hiền Vương, Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu. 

Bên cạnh đó, một số trường đã bị rút giấy phép như Trường Dân lập Phương Nam (quận Thủ Đức), Trường trung học phổ thông Khai Trí (quận 5). 

Số lượng học sinh ở nhiều trường còn tồn tại mấy năm nay càng teo tóp, giảm mạnh, có khả năng phải đóng cửa trong năm học tới. 

Các trường trung học phổ thông ngoài công lập càng gặp vô vàn khó khăn trong công tác tuyển sinh học sinh bởi các lý do chính sau đây: 

“Các địa phương đang đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau khi học xong lớp 9. Các trường trung cấp đào tạo nghề mở ra nhiều với mức học phí thấp, vừa học văn hóa vừa có kỹ năng nghề, ra trường dễ kiếm việc làm đã hấp dẫn, thu hút được một lượng không nhỏ học sinh theo học.

Các trường trung học phổ thông tư mức thu học phí cao nhưng chất lượng giáo dục lại chưa tương xứng. Ở các tỉnh lẻ số lượng, quy mô học sinh bậc trung học phổ thông ngày càng giảm sâu, trong khi đó các trường trung học phổ thông công lập và đội ngũ cán bộ ở đó vẫn giữ nguyên. 

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này (dành thị phần học sinh), nếu các trường tư không tự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để có nguồn học sinh tuyển hằng năm thì khó thể tồn tại, trụ được lâu, số phận cũng giống như nhiều trường đã bị giải thể.  

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, quý vị vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

SÔNG TRÀ