Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói?

31/08/2017 06:27
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Người viết tin rằng, còn nhiều điều "chỉ người trong cuộc mới biết" mà thầy Đạt Nguyễn chưa tiện hoặc chưa kịp nói ra lúc này về VNEN.

LTS: Thày Nguyễn Nguyên, một nhà giáo trực tiếp tham gia giảng dạy theo mô hình VNEN gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, chia sẻ một số cảm nhận sau khi đọc 2 bài viết về chủ đề này của thầy Đạt Nguyễn ở Đồng Nai.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.


Đọc 2 bài viết: Vì sao giáo viên không chấp nhận VNEN, tiếng nói người trong cuộcVNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối của thầy Đạt Nguyễn mà lòng tôi cảm thấy cảm kích thầy vô cùng, nhưng cũng buồn và tiếc nuối. 

Cảm kích vì thầy từng là người trong cuộc và thầy đã dám nói lên bản chất sự thật về VNEN.

Nhưng tôi chợt buồn và tiếc khi tự hỏi, vì tại sao mãi đến bây giờ thầy mới nói ra? Tôi tin rằng không chỉ riêng mình thốt lên câu hỏi ấy.

Giá như thầy nói lên sự thật này ngay từ khi dự án mới được triển khai, thì biết đâu học trò, đồng nghiệp của thầy đỡ khổ biết bao nhiêu. 

Tiếng nói hiếm hoi, dù muộn màng từ một người trong cuộc

Thầy Đạt Nguyễn đã từng tham gia việc nhập khẩu và triển khai mô hình Trường học mới từ Colombia về Việt Nam ngay những ngày đầu tiên từ gần 10 năm trước.

Và ngành giáo dục Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng mô hình Trường học mới. 

Thầy là cán bộ quản lí triển khai dự án này tại Đồng Nai, và thầy đã hiểu được những ưu điểm, hạn chế của mô hình lúc mới tiếp cận và cả lúc triển khai. 

Ảnh chụp màn hình bản tin của VTV về việc Hà Tĩnh dừng triển khai VNEN trong năm học tới, nguồn: VTV.vn.
Ảnh chụp màn hình bản tin của VTV về việc Hà Tĩnh dừng triển khai VNEN trong năm học tới, nguồn: VTV.vn.

Thầy đã “có điều kiện gặp gỡ và trao đổi nhiều với các giáo viên trực tiếp dạy theo mô hình VNEN trong suốt những năm thí điểm” từ “những hăm hở ban đầu” cho đến khi nhìn thấy “có quá nhiều bất cập” là cả một chặng đường dài, cho đến lúc thầy về hưu (2016).

Đọc 2 bài viết của một người tường tận về VNEN như thầy, chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên dạy chương trình VNEN và bao nhiêu thầy cô không dạy VNEN nhưng đã nghe, đã biết vể dự án này sẽ đặt câu hỏi:

Tại sao những thành viên nòng cốt ban đầu trong Dự án này đã nhìn thấy những hạn chế, bất cập trong việc triển khai, áp dụng ở cơ sở mà không ai cất lời, để khi Dự án này kết thúc hơn một năm, mới chỉ có duy nhất thầy Đạt Nguyễn lên tiếng?

Các cán bộ quản lý giáo dục nhập khẩu và triển khai mô hình này, nếu thực sự sát sao, gặp gỡ trao đổi với các giáo viên dạy VNEN như thầy Đạt Nguyễn, thì không thể không thấy được hiệu quả VNEN không được như dự kiến ban đầu.

Phương pháp giảng dạy VNEN cũng chẳng mới so với thực tế đang giảng dạy tại nhà trường.

Tiếc rằng không một ai trong số những người tham gia dự án dám nhìn thẳng sự thật, trao đổi phản biện, lên tiếng tham mưu chuẩn xác cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong suốt gần chục năm qua. 

Phải chăng, ở đây còn có một nguyên do nào đó “tế nhị” mà những lãnh đạo, chuyên viên dự án từ cấp bộ xuống các sở giáo dục và đào tạo các địa phương triển khai VNEN không dám lên tiếng, cho dù phụ huynh và giáo viên có kêu khản cổ?

Kể từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm chương trình VNEN, sở giáo dục và đào tạo cả 63 tỉnh thành đã tiếp nhận, triển khai dự án VNEN về địa phương mình.

Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói? ảnh 2

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở

Kế hoạch nhanh chóng được thực hiện theo chỉ đạo ngành dọc từ bộ xuống sở, xuống phòng và tới các trường.

Để rồi chỉ sau 1 năm, từ 48 lớp của 24 trường thuộc 12 huyện của 6 tỉnh ban đầu, đã lan ra 1447 trường trên cả 63 tỉnh thành cả nước.

Từ đó đến nay, chúng ta chỉ nghe lãnh đạo quản lý ngành giáo dục các cấp ca ngợi mô hình VNEN hay, phù hợp, thiết thực. 

Nếu giáo viên có phản biện về hiệu quả thực chất của VNEN, thì lãnh đạo từ trường cho tới bộ gần như đều quy trách nhiệm tại giáo viên "ngại đổi mới", "hay than phiền", "chưa tạo được động lực thúc đẩy cho đổi mới giáo dục".

Vì thế mà ý kiến của lãnh đạo đã là mệnh lệnh, cấp trên muốn “thử nghiệm”, muốn “nhân rộng” ở đơn vị nào là làm kế hoạch triển khai, áp dụng. Giáo viên không thể nói điều gì. 

Hoặc nếu có nói thì những lời nói đó cũng trở thành vô nghĩa và chẳng có lãnh đạo cấp nào chú ý.

Cho đến tận bây giờ (sau 6 năm triển khai dự án VNEN) thì mới có người trong cuộc như thầy Đạt Nguyễn dám lên tiếng, thừa nhận những hạn chế của VNEN. 

Dù điều này có muộn màng nhưng cũng vô cùng đáng quí cho nền giáo dục nước nhà. Song cũng từ ý kiến của thầy Đạt Nguyễn cho ta thấy một sự thực khác phũ phàng. 

Giáo viên "thấp cổ bé họng"

Đã mấy năm qua, giáo viên đứng lớp đã lên tiếng trong nội bộ, đã chỉ ra những bất cập, những hệ lụy khi giảng dạy chương trình VNEN nhưng nào có ai nghe, ai thấu?

Giáo viên nào dám lên tiếng thì ngay lập tức bị lãnh đạo quy cho đủ thứ, như chúng tôi vừa kể phía trên. 

Cấp trên thì cứ “truyền cảm hứng” cho dư luận bằng những ưu việt của VNEN bằng những lập luận sáo rỗng lặp đi lặp lại để duy trì và nhân rộng ra các địa phương. 

Nhưng giáo viên là người thực hiện, là người hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc thì “lực bất tòng tâm”…

Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói? ảnh 3

VNEN và sự vô cảm với thày cô

Câu chuyện VNEN không phải đến bây giờ người ta mới nói, mới thấy những bất cập của nó.

Dư luận đã chứng kiến hàng trăm bài báo, trong đó có ý kiến của giáo viên giảng dạy VNEN, tất nhiên là với điều kiện giấu tên. 

Chỉ những ai khen VNEN thì mới lộ danh tính trên truyền thông, nhưng số giáo viên trực tiếp dạy VNEN và khen VNEN rất hiếm thấy. 

Nhưng thực tế phụ huynh phản đối, nắm lần bảy lượt yêu cầu cho con em họ thôi học VNEN, tìm trường “chạy trốn” VNEN thì báo chí nêu nhiều, và hoàn toàn có thể kiểm chứng được. 

Chuyện này nói lên điều gì, nếu không phải vị thế “thấp cổ bé họng” của các nhà giáo trực tiếp đứng lớp?

Nghề giáo có lẽ chưa bao giờ mong manh như bây giờ.

Người ta đã từng sa thải đồng loạt hàng trăm thày cô bằng lý do nào đó mơ hồ, để sau đó lại tuyển mới hàng trăm người khác. 

“Giáo viên biên chế” từ khi Luật Viên chức ra đời năm 2005 cũng chính thức là trở thành một dạng lao động hợp đồng, chứ đâu còn “biên chế suốt đời” như cán bộ, công chức?

Nhưng ngay cả cái “biên chế tinh thần” ấy cũng có lúc tưởng chừng không giữ được. 

Trong tình cảnh đó, khi có ý kiến trái ngược với lãnh đạo nhà trường, phòng, sở hay bộ, liệu có còn giữ được “nghề cao quý” mà bàn về VNEN hay truyền thống? 

Thôi thì, tránh voi chả xấu mặt nào. Đành phải tự động viên mình như thế.

Như vậy chúng tôi mới đủ sức để tiếp tục sáng dạy VNEN cho đúng chỉ đạo mà giữ lấy “nghề cao quý”, chiều lại phải dạy theo cách hiện hành để vớt vát kiến thức cho học trò. Được phần nào thì quý phần ấy. 

Sức sống bất thường của dự án VNEN và quyền từ chối VNEN

Không ai mong muốn trẻ em được học hành tử tế hơn là cha mẹ của chúng. Và cũng không ai hiểu con cái bằng cha mẹ. 

Cuối cùng quyền từ chối VNEN cho con em của phụ huynh Hà Tĩnh cũng được tôn trọng. Ảnh một lớp học VNEN ở Hà Tĩnh, nguồn: Báo Hà Tĩnh.
Cuối cùng quyền từ chối VNEN cho con em của phụ huynh Hà Tĩnh cũng được tôn trọng. Ảnh một lớp học VNEN ở Hà Tĩnh, nguồn: Báo Hà Tĩnh.

Nếu VNEN thực sự hay như những lời quảng cáo, thì đã không có chuyện phụ huynh phải khiếu nại lên Chủ tịch tỉnh như ở Nghệ An. 

Nếu phụ huynh Hà Tĩnh không quyết liệt đòi quyền từ chối VNEN cho con em họ để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh này phải vào cuộc chỉ đạo khảo sát, điều tra, lấy ý kiến minh bạch và dân chủ ở cơ sở, thì làm gì có quyết định dừng VNEN toàn tỉnh khi ông Giám đốc sở đến giờ vẫn khăng khăng rằng VNEN tốt lắm? [1]

Dường như lãnh đạo chính quyền các địa phương còn lo lắng, bất an về VNEN hơn rất nhiều những “người trong cuộc”, là lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh và thường kiêm luôn Giám đốc Dự án GPE-VNEN ở địa phương.

Có chỉ đạo khảo sát lấy ý kiến dân chủ từ cơ sở, ông Trần Đình Khoa, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới biết sự thật:

Chưa có mô hình nào phân hóa sâu sắc, rõ rệt như VNEN: phân hóa trong học sinh, trong giáo viên. Theo ông Khoa, với sự phân hóa như vậy, rõ ràng là không thành công. [2]

Có sát sao nắm bắt dư luận, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh mới cảm nhận được sự hồ hởi của giáo viên khi biết tin tỉnh này ngừng nhân rộng VNEN:

"Khi có quyết định, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống." [3]

Tuy nhiên, có một điều hết sức bất thường và dư luận quan tâm hơn cả. 

Đó là đến giờ này chưa có một giám đốc sở giáo dục đào tạo tỉnh nào thừa nhận bất cập của VNEN, kể cả những tỉnh dừng nhân rộng hay dừng triển khai toàn bộ.

Trong khi nhiều vị chọn cách im lặng và âm thầm làm tiếp, thì một số vị tiếp tục ca ngợi VNEN như một giải pháp tối ưu bằng các lập luận sáo rỗng. [1] [4] 

Năm học 2017-2018 sắp bắt đầu. Giáo viên và phụ huynh các trường VNEN vẫn mong ngóng từng ngày, từng giờ một sự thay đổi.

Nhưng thay đổi diễn ra rất khó khăn và chậm chạp. Thậm chí sẽ chẳng có thay đổi nào, hay thay đổi ngược lại, nếu "những người trong cuộc" tiếp tục im lặng.

Mới nhất như Bắc Ninh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cũng phải vào cuộc chỉ đạo cắt giảm từ 116 trường tiểu học VNEN trong năm học 2016-2017 xuống còn 59 trường trong năm học tới, theo Báo Bắc Ninh ngày 29/8. [5]

Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói? ảnh 5

Ai "thấu cảm" với học trò, phụ huynh ở lớp VNEN?

Nói ra những điều này để thấy, lực cản vô hình đối với phụ huynh đòi quyền từ chối VNEN cho con em họ là rất lớn.

Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh phải vào cuộc quyết liệt thì may ra mới dừng nhân rộng được VNEN, vậy tiếng nói của những giáo viên thấp cổ bé họng có đáng là gì?

Đó cũng là một phần câu trả lời cho thắc mắc, tại sao bây giờ thầy Đạt Nguyễn mới nói? Tại sao nhiều người trong cuộc biết mà không / chưa nói?

Có lẽ, khi nói ra những bất cập của chương trình VNEN trong suốt nhiều năm qua thầy Đạt Nguyễn đã trăn trở, nghĩ suy rất nhiều. 

Rõ ràng, 2 bài viết của thầy đã giúp cho độc giả rất nhiều “thông tin bổ ích” của người trong cuộc.

Người viết tin rằng, còn nhiều điều "chỉ người trong cuộc mới biết" mà thầy Đạt Nguyễn chưa tiện hoặc chưa kịp nói ra lúc này về VNEN. 

Thầy mới chỉ đả động đến chuyên môn thuần túy. Động lực và sức sống mãnh liệt bất thường của dự án này còn chưa được mổ xẻ. 

Song người viết thiết nghĩ, dù mới chỉ nói được điều này là thầy Đạt Nguyễn cũng đã cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản phần nào.

Mỗi bức tranh bao giờ cũng chứa đựng nhiều những gam màu khác nhau, mỗi gam màu như bổ khuyết cho nhau để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Bức tranh của ngành giáo dục cũng vậy.

Nhưng nếu các gam màu này đều hướng tới một nội dung chủ đạo, bức tranh cho ngành giáo dục nước nhà rồi cũng sẽ tốt đẹp lên.

Chúng tôi tạm gọi VNEN là một bức tranh chưa rõ sắc màu và ý tưởng trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay. 

Và thầy Đạt Nguyễn đã vừa tô lên một nét chấm nhỏ của gam màu sáng.

Hi vọng rằng, từ “nét chấm nhỏ” này sẽ có thêm nhiều “nét chấm” khác của nhiều người trong cuộc để “bức tranh VNEN” trở nên rõ nét, tường tận hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://infonet.vn/giam-doc-so-gddt-ha-tinh-dung-vnen-khong-anh-huong-gi-ca-post235274.info

[2]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170805/chua-mo-hinh-nao-phan-hoa-sau-sac-ro-ret-nhu-vnen/1364101.html

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thai-Binh-dung-nhan-rong-VNEN-giao-vien-ho-hoi-trut-ganh-nang-post179030.gd

[4]http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201708/van-de-nguoi-dan-quan-tam-mo-hinh-truong-hoc-moi-giup-hoc-sinh-phat-trien-tot-cac-ky-nang-2838396/

[5]http://baobacninh.com.vn/news_detail/98835/nam-hoc-2017-2018-bac-ninh-giam-%C2%BD-so-truong-tieu-hoc-theo-mo-hinh-vnen.html

Nguyễn Nguyên