Bao giờ thầy cô chủ nhiệm thoát "kiếp" chủ nợ bất đắc dĩ?

01/09/2017 07:16
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Các trường cần đổi mới, cải tiến công tác thu - nộp tài chính theo hướng sắp xếp, bố trí nhân viên thu chi theo đúng quy định và thu tại văn phòng nhà trường.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy Đỗ Tuấn Ngọc, hiện đang công tác tại một trường trung học phổ thông của tỉnh Quảng Ngãi.

Với kinh nghiệm 14 năm liên tục làm công tác chủ nhiệm, trong bài viết này, thầy Ngọc bày tỏ những quan điểm, mong muốn và biện pháp về vấn đề thu nộp tiền học trong các nhà trường hiện nay.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. 

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn chỉ đạo, yêu cầu trong năm học mới, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh không được để giáo viên thu tiền trực tiếp từ học sinh hoặc nhắc nhở học sinh nộp tiền. 

Trước đó, đầu năm học 2016-2017, trong văn bản chỉ đạo gửi các cơ sở giáo dục công lập, Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn sử dụng học phí và các khoản thu khác từng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. 

Tuy nhiên, trong năm học vừa qua, nhiều trường ở đây vẫn không thực hiện được, tiếp tục “nhờ cậy” giáo viên chủ nhiệm thu giúp. Như vậy, các thầy cô giáo chủ nhiệm chưa thoát được kiếp “nợ nần”. 

Hình minh họa: Báo Tuổi Trẻ.
Hình minh họa: Báo Tuổi Trẻ.

Trả lời báo chí, Cô Lê Hồng Th., một giáo viên tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng:

"Quy định không giao giáo viên thu tiền là cần thiết, đó không phải là chuyên môn cũng không phải trách nhiệm của người thầy. 

Đừng để người thầy vừa đứng lớp rao giảng đạo đức, rồi sau đó phải “canh” phụ huynh, học sinh để đòi tiền." 

Đến nay, tôi có 21 năm giảng dạy ở một trường trung học phổ thông thuộc Thành phố Quảng Ngãi, trong đó có 14 năm liên tục làm công tác chủ nhiệm. 

Tôi từng thấm thía nỗi khổ sở, vất vả về chuyện thu - nộp tiền của học sinh, phụ huynh ở người giáo viên chủ nhiệm.

Chuyện bị mất tiền thường hay xảy ra; những học sinh tiêu tiền học phí buộc phải xử lý, mời phụ huynh đến làm việc, trao đổi, đốc thúc nộp cho đúng thời hạn.

Những em hoàn cảnh quá khó khăn hoặc bỏ học giữa chừng thì lấy tiền lương của mình cho mượn, có em ra trường vẫn còn “nợ” mấy tháng học phí thì cho luôn (ai lại đòi)… 

Thấu hiểu nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm trong việc thu - đòi tiền học sinh, có năm học, Ban Giám hiệu nhà trường giao cho bộ phận văn phòng (kế toán, thủ quỹ) làm công chuyện này.

Bao giờ thầy cô chủ nhiệm thoát "kiếp" chủ nợ bất đắc dĩ? ảnh 2

Thầy cô giáo đâu phải kẻ... đòi nợ thuê

Nhưng do học sinh các khối lớp quá đông, có nhiều học sinh, phụ huynh theo thói quen cứ nhờ giáo viên chủ nhiệm nộp giúp.

Và có những trường hợp chậm trễ, nhà trường lại tác động chủ nhiệm hỗ trợ, nhắc nhở… nếu không thấy hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục bị “hành”. 

Những năm học sau, nhà trường quay về con đường xưa cũ, giao cho thầy cô giáo chủ nhiệm thu hộ tất cả các khoản. 

Cuối tháng, cuối học kỳ, bộ phận kế toán có trích một ít phần trăm bồi dưỡng cho công sức thu - nộp tiền của giáo viên chủ nhiệm.

Tuy nhiên, mấy phần trăm đó chẳng thể nào bù đắp cho đủ nỗi cực nhọc, sự mất mát của người thầy, người cô đã bỏ ra. 

Thừa nhận, mấy năm nay, điều kiện kinh tế của phần lớn gia đình phụ huynh học sinh có cải thiện, khấm khá hơn nên việc thu học phí và các khoản tiền khác từ đầu năm học đến trong trong năm học đối với nhà trường, giáo viên có phần nhanh chóng, nhẹ nhàng, đỡ vất vả, bớt cảnh “chủ nợ bất đắc dĩ”.

Đúng là không có giáo viên chủ nhiệm ra tay, giúp sức thì nhà trường, bộ phận kế toán, tài chính gặp khó khăn, nhất là các cơ sở giáo dục đông học sinh. 

Song để người thầy, cô giáo làm mãi việc thu - nộp tiền, không thuộc về chức năng, nhiệm vụ của họ, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn và làm hình ảnh người thầy trở nên lu mờ, xấu xí trong con mắt, tâm trí học trò, đặc biệt các em bậc tiểu học.

Giữa hai cái khó này, nhà trường cần “giải phóng” cho giáo viên chủ nhiệm. 

Đã đến lúc, các trường ở tất cả địa phương phải đổi mới, cải tiến công tác quản lý, thu - nộp tài chính theo hướng sắp xếp, bố trí nhân viên thu các khoản tiền theo đúng quy định và thu tại văn phòng nhà trường.

Trong trường hợp cần nhắc nhở việc nộp các khoản tiền, nhà trường nên có thông báo bằng văn bản gửi riêng về cho các cha mẹ học sinh. 

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, quý vị vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

ĐỖ TẤN NGỌC