Thủ tướng ra hiện trường, quyết tâm xây dựng đô thị đại học mang tầm cỡ quốc tế

12/09/2017 14:52
Thùy Linh
(GDVN) - Tại buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 12/9, Thủ tướng bày tỏ quyết tâm xây dựng đô thị đại học tại Hà Nội mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia Hà Nội để đôn đốc, xử lý tại chỗ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. 

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.

Tại đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Nguyễn Kim Sơn báo cáo với Thủ tướng về tình hình hoạt động của Nhà trường, ông Sơn đề xuất với Thủ tướng nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách nhất của Trường hiện nay là tháo gỡ vướng mắc của dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vì dự án đã được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay chưa xong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội sáng ngày 12/9 (Ảnh: Bùi Tuấn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội sáng ngày 12/9 (Ảnh: Bùi Tuấn)

Theo đó, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất với Thủ tướng một số nội dung sau: 

Thứ nhất, kiến nghị chuyển giao Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội; 

Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, giao quyền sử dụng đất cho Đại học Quốc gia Hà Nội tại nơi giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án; tăng cường ngân sách giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Theo ông Sơn, dự kiến kinh phí để giải phóng 25% mặt bằng còn lại cần khoảng 1.200 tỉ đồng.

Thứ tư, kiến nghị Thủ tướng phê duyệt dự án vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng Đại học Việt - Nhật (thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Hòa Lạc.

Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho dự án Đại học Quốc gia Hà Nội như đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Đại học Quốc gia Hà Nội trong gần một năm qua trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát huy quyền tự chủ trong hoạt động. Đặc biệt, vấn đề Khởi nghiệp đã hoạt động mạnh mẽ. Theo thống kê số lượng khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội cao nhất trong các trường đại học....

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với Đại học Quốc gia Hà Nội cần thảo luận và giải quyết từng bước, nhất là đối với giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam.

Trước kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội và nghe ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Thủ tướng cho biết, ngay sau cuộc làm việc, xuống trực tiếp hiện trường thị sát công tác xây dựng dự án để đưa chủ trương, quyết tâm có một khu đô thị đại học thành hiện thực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Đoàn công tác đã tới hiện trường, thị sát các khu vực, vị trí xây dựng các công trình, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Đoàn công tác đã tới hiện trường, thị sát các khu vực, vị trí xây dựng các công trình, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. (Ảnh: Bùi Tuấn)

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội là chuyển giao dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Đồng thời ủy quyền quyết định là chủ đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội; cho phép Đại học Quốc gia Hà Nội được quyền điều chỉnh các quy hoạch và dự án thành phần chi tiết 1/500 phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung vốn đầu tư để GPMB xây dựng đô thị đại học; đồng ý việc lập dự án vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới theo cơ chế cấp phát để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc;

Đồng ý phê duyệt dự án vay ODA từ Nhật Bản cho việc xây dựng Trường Đại học Việt Nhật tại Hòa Lạc.

Thủ tướng cho biết ngày 20/6 vừa qua đã ký ban hành Nghị định 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Với tinh thần ủng hộ, Thủ tướng giao Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Thạch Thất tập trung tối đa cho việc giải phóng mặt bằng với lộ trình cụ thể và tái định cư cho dự án, chống lấn chiếm và xây dựng trái phép. Đồng ý sẽ có cơ chế riêng cho việc tái định cư.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất có cơ chế đặc thù cho dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. 

Thủ tướng cho biết, quyết tâm xây dựng đô thị đại học tại Hà Nội mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Trong đó, xây dựng cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt của đô thị đại học, nhưng luôn gắn với chất lượng, uy tín, vị thế để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Theo Đề án được duyệt, khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây có quy mô sử dụng đất khoảng 1.113,7ha, trong đó khu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội là 1.000ha; khu tái định cư là 113,7ha. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và khoảng 6.550 cán bộ, nhân viên.

Đề án đặt ra các yêu cầu như: Đại học Quốc gia Hà Nội gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, mang bản sắc truyền thống dân tộc; được khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung; 

Thu hút đầu tư theo quy hoạch và quản lý theo quy định; các cơ sở nghiên cứu cao cấp gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian thống nhất với Đại học Quốc gia Hà Nội bảo đảm là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành hiện đại của Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… 

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và khoảng 6.550 cán bộ, nhân viên.

Về quy mô xây dựng công trình, đến năm 2025 bảo đảm đáp ứng cho 8 trường Đại học, 5 Khoa trực thuộc, 5 Viện nghiên cứu trực thuộc, 10 Trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và các Trung tâm Nghiên cứu liên hợp, 10 Đơn vị phục vụ và các Trung tâm phục vụ khác; với tổng diện tích khoảng 1.922.750 m2 sàn xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn chỉnh.

Đại học Quốc gia Hà Nội là mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết, học tập kinh nghiệm có sàng lọc mô hình các đại học danh tiếng trên thế giới.

Xếp hạng quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội có bước phát triển nhanh chóng, từ nhóm 250 năm 2010 theo Bảng xếp hạng QS châu Á, đến năm 2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nằm vào nhóm 161-170, năm 2015 tiếp tục duy trì trong nhóm 151 - 200 và năm 2016 đứng thứ 139 các trường đại học hàng đầu châu Á. 

Một số lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 100 các trường đại học hàng đầu châu Á. 

Bên cạnh việc công bố 560 bài báo ISI, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có 02 công trình khoa học được đăng trên tạp chí Nature hàng đầu thế giới (năm 2013 và 2016); 12 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận.

Hiện tại, Đại học Quốc gia Hà Nội  có 8 phòng thí nghiệm trọng điểm, 23 nhóm nghiên cứu mạnh, đã thực hiện 7 dự án lớn trong nước và 7 dự án lớn quốc tế.

Tính đến nay, trong tổng số 3.997 công chức, viên chức và lao động hợp đồng của Đại học Quốc gia Hà Nội có 2.212 cán bộ khoa học, trong đó 19,8% có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; 49,5% có trình độ Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học (riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế đạt trên 70%);...

Thùy Linh