Lạm thu lỗi cũng ở phụ huynh

30/09/2017 13:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Sau nhiều buổi họp phụ huynh cho con, điều mà tôi rút ra được là, để chuyện lạm thu biến tướng như bây giờ các bậc phụ huynh đóng vai trò không hề nhỏ.

LTS: Lạm thu tại các trường học đang trở thành đề tài nóng bỏng, gây bức xúc trong xã hội.

Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những câu chuyện thực tế về những ấm ức của phụ huynh trước những khoản đóng góp đầu năm học.

Qua đó để thấy rằng không chỉ có lãnh đạo nhà trường mà chính các phụ huynh cũng góp phần tạo nên những tiêu cực này do không dám nói lên ý kiến của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp phụ huynh cũng như đã từng đi dự rất nhiều buổi họp phụ huynh cho con như thế.

Bởi vậy, điều mà tôi rút ra được, để chuyện lạm thu biến tướng như bây giờ các bậc phụ huynh đóng vai trò không hề nhỏ.

Có bạn sẽ thắc mắc? Thậm chí sẽ nổi giận vì sao tôi lại kết luận như vậy? Những câu chuyện tôi sắp kể sau đây là những chuyện đã xảy ra trong các buổi họp phụ huynh mà tôi có mặt.

Để xảy ra tình trạng lạm thu cũng một phần là do phụ huynh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Để xảy ra tình trạng lạm thu cũng một phần là do phụ huynh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Phụ huynh thường xướng các khoản thu

Có mặt trong buổi họp phụ huynh ở một trường trung học phổ thông, sau khi giáo viên công bố các khoản thu đầu năm như học phí, tiền bảo hiểm, tiền vệ sinh… đến phần tiền quỹ hội, thầy giáo trình bày “đây là khoản tiền đóng góp tự nguyện nên phụ huynh đóng tùy lòng hảo tâm”.

Một phụ huynh lên tiếng: “Năm ngoái nhà trường thu đều 250 ngàn đồng, năm nay tùy lòng hảo tâm thì sợ có người đóng không được số ấy thì lấy gì mà chi? Hay năm nay lớp mình cứ thu 250 ngàn đồng/học sinh đi thầy”.

Giáo viên trả lời: “Cái đó tùy phụ huynh thống nhất. Nhưng nếu nói đổ đồng tất cả là sai về nguyên tắc đấy ạ”.

Một phụ huynh khác có ý kiến: “Tôi thấy 250 ngàn đồng cũng ít lắm thầy ơi! Nghe nói nộp về trường tới 70% thì ở lớp còn bao nhiêu?

Chi tiêu thế sao đủ? Thiếu thốn quá tội bọn trẻ. Tôi có ý thế này, mỗi em lớp mình đóng 500 ngàn đồng được không?

Lạm thu lỗi cũng ở phụ huynh ảnh 2

Hội trưởng hội phụ huynh, chuyện chưa kể bao giờ

Vị phụ huynh ấy vừa dứt lời, nhiều tiếng xì xào nổi lên nhưng tuyệt nhiên chẳng ai dám đứng lên phản ứng.

Một chị bên cạnh nét mặt buồn thiu lầm bầm “thu thế thì chết còn gì, tôi có tới 4 đứa con đi học lận”.

Thế rồi tôi buộc phải lên tiếng.

Tôi nói rằng, phụ huynh có thể đóng theo khả năng của gia đình và cố gắng bằng mức năm ngoái riêng những hộ nghèo, khó khăn cũng đừng nên ép họ.

Còn đóng thêm 250 ngàn đồng nữa thì không nên. Ai có tiền thích ủng hộ bao nhiêu thì tùy, vẫn còn nhiều phụ huynh nghèo lắm.

Nhiều tiếng đồng tình vang lên.

Nhưng sau buổi họp hôm ấy, một số phụ huynh lớp bên cạnh nói rằng lớp họ còn phải đóng thêm cả tiền ủng hộ mua máy chiếu.

Dù không muốn đóng, nhưng tâm lý ngại giáo viên chủ nhiệm nên chẳng ai có ý kiến gì, chỉ biết lặng lẽ rút hầu bao theo người khởi xướng.

Tôi còn nhớ, cuộc họp cuối năm, nhà trường lấy ý kiến: “Sang năm nhà trường thay đồng phục cho học sinh. Các em nữ sẽ mặc áo dài vào thứ 2 và các ngày lễ. Còn những ngày khác mặc đầm xanh áo trắng”.

Tiếng bàn tán nổi lên, nhìn qua cũng biết phụ huynh không bằng lòng.

Tôi đã có ý kiến: “Áo dài thì áo dài luôn, quy định như thế những em vào lớp 10 năm nay buộc phải may hai bộ đồng phục. Như thế thì tội cho các em quá, vì chỉ tính riêng quần áo đã tốn cả triệu bạc”.

Nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình, nhưng có một phụ huynh lại cho rằng “thời buổi này, may thêm một bộ đồ chắc chẳng khó khăn gì. Lũ trẻ bây giờ cũng cần mặc đẹp nên tôi đồng ý”.

Không có sự phản ứng

Thấy thế cũng chẳng phụ huynh nào lên tiếng nữa. Và đương nhiên gần như 100% cả lớp thống nhất.

Chuyện một số phụ huynh gia đình kinh tế khá giả thường hay xướng lên các mức đóng góp, có người còn bày vẽ mua cái này, thay cái kia và đưa ra số tiền khá cao trong các cuộc họp phụ huynh ở mỗi lớp là chuyện thường xảy ra.

Lạm thu lỗi cũng ở phụ huynh ảnh 3

Phản đối lạm thu, hàng trăm phụ huynh cho con nghỉ học, đòi đuổi Hiệu trưởng

Có người với họ dăm bảy trăm ngàn đồng chỉ là chuyện nhỏ mà không biết đồng cảm với những gia đình chỉ vài trăm bạc cũng chẳng biết xoay xở nơi đâu.

Điều đáng nói là đa phần phụ huynh đều không đồng ý với các mức đóng góp nhưng cũng không ai mạnh dạn dám lên tiếng phản đối.

Cậu em của tôi đi họp phụ huynh cho con lớp 1 ở Đồng Nai về nhà cứ ấm ức mãi khi nhà trường yêu cầu nộp tiền quét vôi phòng học, mua rèm cửa, đóng quỹ lớp… cả thảy lên tới gần 2 triệu đồng.

Tôi hỏi: “Không đồng ý sao không có ý kiến mà đóng rồi còn ấm ức là sao?

Và câu trả lời vẫn là câu quen thuộc như bao phụ huynh vẫn thường nói: “Nói biết có được gì để con mình bị đì à? Thôi nộp cho xong, nhưng mà tức”.

Thế đấy, tâm lý nói ra được gì và sợ con mình bị trù dập đã ngăn cản những phản ứng của phụ huynh. Đây chính là điều làm cho nạn lạm phát xảy ra.

Cũng như khi nhà trường đưa ra một mức thu nào đó đều phải thông qua toàn thể phụ huynh các lớp.

Mặc dù có Hội phụ huynh nhà trường đồng ý nhưng nếu phụ huynh các lớp có ý kiến không đồng tình thì mức thu cũng chẳng thể triển khai.

Đằng này, dù không đồng tình nhưng lại chẳng ai dám đứng lên phản đối. Vì vậy, nói sự im lặng thỏa hiệp của phụ huynh là nguyên nhân làm cho nạn lạm thu có đất sống là gì?

Bởi thế, trước khi trách nhà trường đưa ra nhiều mức thu khủng thì các bậc phụ huynh cũng nên nhìn lại một cách công tâm.

Ngay cả khi đấu tranh cho quyền lợi của chính mình còn không dám thì đừng nên a dua theo đám đông để đổ trách nhiệm hết cho nhà trường và giáo viên.

Phan Tuyết